Nhà khoa học Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế cho sáng kiến về kinh tế tuần hoàn

20:37, 06/02/2022

TheLEADERThS. Đặng Thị Tuyết Ngân, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận giải khuyến khích Giải thưởng sáng tạo châu Á của Quỹ toàn cầu Hitachi cho công trình nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn.

Quỹ toàn cầu Hitachi phát động Giải thưởng sáng tạo châu Á kể từ năm 2020, hướng tới thúc đẩy những sáng kiến về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững, dựa trên 17 mục tiêu thuộc chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Tiêu chí đánh giá của giải thưởng dựa trên mức độ liên quan của công trình nghiên cứu tới phát triển bền vững, tính “mới”, tính toàn diện và cả tính khả thi ứng dụng trong thực tế và mở rộng trong tương lai.

Mới đây, Quỹ toàn cầu Hitachi đã chính thức vinh danh Ths. Đặng Thị Tuyết Ngân đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, với công trình nghiên cứu Các giải pháp thông minh để thu hồi kim loại có giá trị từ nước thải khó xử lý và chất thải điện tử cho kinh tế tuần hoàn (giải pháp ESMS).

Giải pháp ESMS của bà Ngân được đánh giá cao nhờ vào hiệu suất vượt trội, có thể thu lại khoảng 99,5% kim loại trong nước thải, hiệu suất trung bình khi ứng dụng thực tế đạt trên 90%. Hệ thống cũng được lắp đặt nhỏ gọn, chi phí thấp, không sử dụng nhiều hóa chất, phù hợp triển khai, nhân rộng.

Nhà khoa học Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế cho sáng kiến về kinh tế tuần hoàn
3 nhà khoa học Việt Nam nhận Giải thưởng sáng tạo châu Á.

Giải pháp này được kỳ vọng không chỉ giúp xử lý hiệu quả nước thải sinh hoạt, tránh cho nguồn nước bị ô nhiễm kim loại mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, bởi những kim loại và chất thải điện tử đều có giá trị tái chế rất cao.

Ngoài bà Ngân, Quỹ toàn cầu Hitachi cũng vinh danh 2 nhà khoa học nữ khác được nhận giải thưởng sáng tạo tốt nhất và sáng tạo xuất sắc của Giải thưởng sáng tạo châu Á 2021, là bà Phạm Thị Thúy Phương, Viện Công nghệ hóa học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam với công trình Hệ thống cảm biến sinh học mới để ước tính nhanh BOD5 và phát hiện độc tính trong nước và GS.TS Lê Minh Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội với công trình Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước.

Công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận có những đóng góp tích cực và thiết thực cho mục tiêu 14 về tài nguyên và môi trường dưới biển và mục tiêu 15 về tài nguyên và môi trường trên đất liền.