Nhà ở thông minh: Như thế nào mới là 'thông minh' thực sự?

Thu Phương - 09:30, 31/01/2019

TheLEADERTheo ông Nguyễn Dũng Minh, Phó tổng giám đốc Ecopark, các sản phẩm nhà ở thông minh hiện nay chủ yếu đang giúp khách hàng "lười hơn" khi về nhà. Đó chưa hẳn là thông minh.

Nhà ở thông minh: Như thế nào mới là 'thông minh' thực sự?
Bên trong căn hộ The Collection, khu đô thị Ecopark

Các chủ đầu tư buộc phải chuyển mình

Trong hơn 10 năm qua, Ecopark luôn coi yếu tố “xanh”, môi trường sống là sự khác biệt lớn nhất để phát triển. Theo ông Nguyễn Dũng Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Ecopark, đối với Ecopark, khi chọn yếu tố "xanh", tất cả những điều Ecopark làm đều cố gắng tạo nên sự khác biệt lớn nhất, không đơn vị nào vượt được để có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. 

Tuy nhiên, mục tiêu phát triển "xanh" của doanh nghiệp này trong thời gian gần đây đang có sự thay đổi mà theo lý giải của ông Minh là "để phát triển bền vững, lâu dài hơn trong bối cảnh thế giới số và cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay, chỉ "xanh" là chưa đủ. Ecopark đã chọn yếu tố "thông minh" để phát triển song song, cộng sinh thêm".

Không khó để lý giải bước ngoặt mới của doanh nghiệp này khi việc phát triển các sản phẩm bất động sản thông minh đang trở thành một xu hướng mới hiện nay. Theo ông Yoon Young Kim, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Campuchia và Myanmar, việc sử dụng điện thoại thông minh đã ngày càng trở nên phổ biến, công nghệ đang có khuynh hướng ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến cuộc sống người dân nói chung và lĩnh vực bất động sản.

Chính sự thay đổi này đã khiến xu hướng toàn cầu trong thị trường thiết bị điện dân dụng sẽ là IoT (Internet vạn vật - mọi thứ được kết nối qua Internet) và số hoá. Ông Kim dự báo, quy mô thị trường nhà ở thông minh sẽ đạt gần 53,45 tỷ USD vào năm 2022. Khoảng 82% nhân viên và tổ chức môi giới bất động sản nghĩ rằng nhà thông minh hỗ trợ họ bán bất động sản dễ dàng hơn.

Nếu như Việt Nam 10 năm trước chỉ tập trung vào các sản phẩm biệt thự sử dụng các thiết bị dùng dây cáp kết nối, màn hình cảm biến cố định và điều khiển từ xa cầm tay thì hiện nay, các biệt thự và căn hộ cao cấp đã dùng công nghệ mới như Zigbee Wireless, máy tính bảng, điện thoại thông minh, điều khiển giọng nói.

Ông Kim cho rằng, chỉ 2 - 3 năm sau, sẽ có thêm hàng ngàn căn hộ thông minh tại TP. HCM của các thương hiệu bất động sản lớn như Vinhomes hoặc Sơn Kim Land và Novaland.

Đồng quan điểm, ông Lê Nhỏ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine cũng nhìn nhận rằng nhân loại đã và đang bước vào thời kỳ nóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những bước nhảy vọt về công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo và robot thế hệ mới.

Dựa vào những ứng dụng trên điện thoại thông minh kết hợp với các tính năng được lập trình để quản trị và vận hành dịch vụ trong thực tế, các chủ đầu tư đang mang đến cho cư dân một cuộc sống tiện nghi và đẳng cấp nhất từ trước tới nay. 

Tất cả những thành tựu đó đang tác động tích cực đến hầu hết lĩnh vực, ngành nghề và cuộc sống hàng ngày của con người, trong đó có bất động sản, đặt ra yêu cầu bức thiết buộc các chủ đầu tư phải tự chuyển mình, thích ứng để không bị tụt hậu trong cuộc đua số. Những doanh nghiệp chậm thay đổi để theo kịp xu hướng này sẽ dần dần bị thay thế và đào thải.

Thế nào mới là "thông minh" thực sự?

Tiền thân là một nhà phát triển phần mềm, Sunshine Group đã áp dụng giải pháp công nghệ theo hành trình khép kín của một vòng đời dự án từ khâu giới thiệu sản phẩm, đến xây dựng thi công và đưa vào vận hành.

Ở khâu bán hàng, một số dự án bắt đầu áp dụng công nghệ 3D Interactive cho phép người mua nhà tương tác trực tiếp trong không gian ảo. Theo đó, khách hàng có thể nhìn thấy căn hộ của mình bao gồm nội thất các phòng và tầm nhìn từ căn hộ ra các hướng xung quanh.

Đặc biệt, khách mua nhà có thể tương tác ảo trực tiếp trong không gian ba chiều để chọn phương án hoàn thiện tốt nhất cho căn hộ. Nếu thấy không ưng ý, khách hàng có thể trực tiếp thay đổi phương án vật liệu, nội thất cũng như điều chỉnh ánh sáng cho đến khi tìm được phương án tối ưu.

Đến khi căn hộ được bàn giao, ứng dụng sẽ tiếp tục cung cấp hệ thống dịch vụ tiện ích trọn bộ phục vụ nhu cầu sống của cư dân. Thông qua smart phone, ứng dụng app Sunshine Home cùng hệ thống phục vụ của Sunshine Service, cư dân có thể thực hiện mọi yêu cầu của mình từ việc điều khiển hệ thống chiếu sáng, điều hoà, đến dịch vụ đi lại, đặt xe, kiểm tra tình trạng chỗ trống trong bãi đỗ xe.

Đó là những minh chứng rõ ràng nhất cho những tiện ích của căn hộ thông minh trên thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, đó mới là cấp độ nhỏ nhất của bất động sản thông minh.

Lớn hơn một chút là toà nhà thông minh, kiểm soát việc sử dụng năng lượng nhằm giúp tiết kiệm điện, nước cho toà nhà, tiếp đó là đô thị thông minh, thành phố thông minh, cộng đồng thôg minh. Mỗi cấp độ đều có những ứng dụng và mục tiêu khác nhau.

Ai cũng nói đến nhà ở thông minh nhưng thực chất chưa hiểu "thông minh" là gì? 1
Ông Nguyễn Dũng Minh

Đơn cử như tại Ecopark, khu đô thị đang được xây dựng để trở thành thành phố thông minh, trong năm 2018, Vihajico đã làm việc với các đối tác lớn của Việt Nam và trên thế giới để đưa ra những giải pháp cụ thể, mang lại sự tiện lợi cho người dân như kết nối giao thông thông minh với 40 xe buýt và hơn 100 chuyến mỗi ngày.

"Ecopark đã thử nghiệm thẻ thông minh trên xe và app điện thoại để cư dân có thể định vị được chiếc xe đó đang đi đến đâu rồi, có nhiều người hay chưa, mấy phút nữa đến. Đó là những thông tin rất thực tế cho người sử dụng", ông Minh cho hay.

Bên cạnh đó, Ecopark đang kết hợp với một thương hiệu lớn của Nhật Bản để áp dụng thử nghiệm một hệ thống xe điện không người lái trong khu đô thị giúp các em nhỏ đến trường hay người dân muốn đi tập thể thao, siêu thị cũng có thể gọi xe đến đón.

Hiện tại Ecopark cũng đã lắp hai điểm đo chỉ số về môi trường giúp người dân có thể so sánh chỉ số đó ở Ecopark so với nơi khác và có thể bảo vệ tốt hơn sức khoẻ của mình.

Cũng theo ông Minh, giống như trước đây khi nói đến yếu tố "xanh", chủ đầu tư nào cũng lấy yếu tố xanh để quảng cáo bán hàng nhưng thực chất không phải ai cũng hiểu "xanh" là gì, thì trên thị trường hiện nay, nói đến căn hộ thông minh vẫn chủ yếu là sự tiện dụng cho khách hàng. 

"Khi khách hàng về nhà rồi thì nó giúp họ lười hơn, nhưng thực chất đó chưa hẳn đã là thông minh. Thông minh phải có mục đích cuối cùng đem lại giá trị cho người sử dụng, tiện dụng hơn, tiết kiệm hơn. Thứ hai là phải tốt cho sự bền vững, môi trường, giảm thiểu chi phí vận hành về lâu dài và thứ ba là các hệ thống dữ liệu phải được chuẩn hoá và được chia sẻ", ông Minh khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Kim cũng cho rằng, những điều cần được quản lý một cách thông minh trong một cộng đồng thông minh bao gồm: thông tin dân cư; thông tin hóa đơn điện, nước, dịch vụ hàng tháng; phản hồi của dân cư về cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ; đặt lịch sử dụng cơ sở vật chất của tòa nhà; yêu cầu bảo trì các thiết bị trong căn hộ; tích hợp hệ thống quản lý đậu xe thông minh; hệ thống báo cháy thông qua điện thoại.

Các nhà đầu tư và phát triển các dự án bất động sản cần biết đến yêu cầu của các căn hộ thông minh này. Các nền tảng được sử dụng tại các toà nhà sẽ là một nền tảng mở thay vì đóng như trước đây. Các tòa nhà được đánh giá là nền tảng của một thành phố và cần được vận hành một cách bền vững vì một thế giới xanh hơn nhờ việc tiết kiệm năng lượng.

“Lúc này, cần phải quản lý được việc tiêu thụ năng lượng hiệu quả nhất bằng việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, đảm bảo các tiện ích cho người dân, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tuân thủ các tiêu chuẩn”, ông Kim nói.

Ông Kim dẫn số liệu, vào năm 2035, lượng tiêu thụ điện sẽ tăng thêm 60% so với năm 2017, trong đó, 60% lượng tiêu thụ điện là tại các toà nhà. Như vậy, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có nguồn năng lượng hạn chế và đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác.

“Vì vậy, việc có một nguồn năng lượng bền vững rất quan trọng. Đó là trách nhiệm của mỗi các nhân, cộng đồng và chính quyền. Để quản lý năng lượng hiệu quả, việc áp dụng công nghệ sẽ trở nên cần thiết”, ông Kim khẳng định.

Đánh giá về các giá trị mà hệ thống quản lý tòa nhà thông minh có thể mang lại, ông Kim cho rằng hệ thống này có khả năng tối ưu hiệu quả vận hành và tiết kiệm năng lượng; tạo môi trường sống và làm việc thoải mái và năng suất hơn; đồng thời tăng giá trị của tòa nhà.

Bên cạnh năng lượng điện, việc quản lý nguồn nước trong các toà nhà cũng được nhấn mạnh vì hiện nay, các toà nhà đang bị thất thoát khoảng 25 - 30% nước.

Thị trường nhà ở thông minh không hoàn toàn màu hồng

Trước nhiều ý kiến trên thị trường bất động sản đang tỏ ra lạc quan vào sự phát triển của nhà ở thông minh, ông Minh cho rằng, các sản phẩm nhà ở trong thời gian tới sẽ phát triển rất mạnh mẽ xu hướng này. Nhìn chung, đây là một tín hiệu tốt của thị trường, giúp mang lại nhiều tiện ích hơn cho cư dân.

Tuy nhiên, sự phát triển của phân khúc nhà ở thông minh sẽ gặp phải không ít khó khăn do chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho loại hình sản phẩm này. Hầu hết tại các dự án đều là do các chủ đầu tư tự "mày mò" nghiên cứu xây dựng.

Thứ hai, phát triển các sản phẩm thông minh yêu cầu chi phí đầu tư rất lớn. Mặc dù về lâu về dài, có thể trong tương lai các chủ đầu tư sẽ được giảm đi về chi phí vận hành, nhưng thực chất là giảm không nhiều. Hơn nữa, phải trải qua 10 - 20 năm mới có thể đánh giá tổng quát được về chi phí vận hành tăng hay giảm.

Thứ ba là sự hiểu biết và quan tâm của khách hàng chưa rõ ràng. "Các sản phẩm thông minh phải làm sao để chạm được vào túi tiền của khách hàng. Thông minh thế nào để một tháng lẽ ra khách hàng phải trả 5 triệu tiền điện nước thì chỉ phải trả 3 triệu. Việc nhà ở thông minh phải thực tế như nhu cầu của khách hàng thì vẫn chưa nhiều chủ đầu tư làm được", ông Minh nhấn mạnh.

Thứ tư là vấn đề rủi ro, rò rỉ dữ liệu, đe doạ tính mạng, an ninh quốc gia trong việc phát triển nhà ở thông minh.

Trước hàng loạt các vấn đề kể trên, ông Minh tiết lộ, hiện Ecopark đang làm việc với Bộ Xây dựng để trở thành một khu đô thị thí điểm áp dụng mô hình thành phố thông minh. Qua đó, các cơ quan quản lý có thể đưa ra một bộ tiêu chuẩn về căn hộ thông minh, thành phố thông minh. 

Khi đã gọi là "thông minh" thì phải ra những bộ tiêu chí cụ thể để tạo sự minh bạch cho thị trường, ông Minh khẳng định.