Nhà quản trị phải chủ động thay đổi bản thân mình trong thời đại 4.0

Phương Hoa - 08:01, 28/01/2018

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.

Nhà quản trị phải chủ động thay đổi bản thân mình trong thời đại 4.0
TS. Hàn Mạnh Tiến phát biểu tại hội thảo.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới hầu hết các ngành, lĩnh vực cụ thể như sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp. 

Làn sóng công nghệ mới này đang giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng. 

Các xu thế công nghệ cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là doanh nghiệp SME, khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội thâm nhập thị trường ngách với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mang tính đột phá.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có thể nhìn thấy rõ, cuộc cách mạng công nghiệp này cũng đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn với doanh nghiệp Việt. 

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo "Thách thức quản trị trong thời đại công nghệ 4.0", ông Nguyễn Thanh Hoàn, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như thời điểm hiện tại. 

Ranh giới giữa thất bại và vinh quang rất mong mạnh, do đó không thể lúc nào doanh nghiệp cũng dựa vào khả năng bẩm sinh, phát triển một cách tự phát mà phải biết đúc kết kinh nghiệm, nâng cao khả năng trong công tác quản trị thông qua việc liên tục học hỏi, cập nhật những kinh nghiệm mới quản trị mới, ông Hoàn nhấn mạnh.

Theo ông Hoàn, doanh nghiệp thành công nào cũng phải trải qua bốn giai đoạn. Trong đó giai đoạn thứ nhất là bước khởi nghiệp. Tuy nhiên theo số liệu thống kê năm 2015, tại Việt Nam có tới 80% doanh nghiệp khởi nghiệp không thành công. 

Giai đoạn thứ hai là phát triển tồn tại và thành công. Giai đoạn ba, các doanh nghiệp sẽ phát triển và thành danh, tạo nên thương hiệu.Giai đoạn bốn là tiếp tục duy trì, phát triển và trường tồn.

Tuy nhiên, để có thể đi được đến giai đoạn trường tồn, các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến và tái cấu trúc, thậm chí có những giai đoạn phải tái lập lại công ty.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, các doanh nghiệp hiện đang phát triển với một tốc độ phi logic, ranh giới giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn gần như không còn khoảng cách. 

Cuộc cách mạng này đã làm thay đổi bản chất của các ngành công nghiệp, thay đổi hệ thống quản trị. Do đó, chính các doanh nghiệp và các nhà quản trị phải chủ động thay đổi chính bản thân mình, Phó chủ tịch Hội VACD cho hay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xác định mình đang ở đâu trong 4 cuộc cách mạng công nghệ vừa trải qua để từ đó xác định nguồn lực, xác định chiến lược phát triển phù hợp.

Chiến lược phải xuất phát từ nguồn lực. Trong đó, nguồn lực mang tính vật chất chỉ chiếm khoảng 25% và đặc biệt nguồn lực nằm ở trí tuệ chiếm tới 75%.

Các doanh nghiệp cần có một sự thay đổi về tầm nhìn định hướng. Thay vì xác định giá trị của sản phẩm là giá thành thì cần phải nhận thức được rằng giá trị sản phẩm do người dùng quyết định, giá thành chỉ chiếm 10 - 20% giá trị sản phẩm. Muốn thành danh, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh, truyền thông và ra được giá bán do người dùng quyết định.

Cũng theo ông Hoàn, khi hoạch định chiến lược, các nhà quản trị thường vấp phải ba thất bại gồm: nguồn lực bé mà đưa ra mục tiêu lớn; nguồn lực phù hợp nhưng không có chiến lược và mục tiêu phù hợp nhưng không bản lĩnh và không hành động. Do đó, các doanh nghiệp, các nhà quản trị cần có một nhận thức sâu sắc; phải hiểu mình là ai và đánh giá đúng nguồn lực của mình.

Đồng thời, phải không ngừng học hỏi, hiểu thời thế và bắt kịp với xu hướng mới trong việc lựa chọn mô hình mang lại lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt trong năm 2018, mô hình quản trị cần hiện đại, ứng dụng công nghệ đạt chuẩn thị trường mục tiêu 4.0, cần có các yếu tố phát triển tạo hình ảnh và quảng bá sản phẩm.

Nền công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp trong bối cảnh siêu cạnh tranh. Cạnh tranh là thỏa mãn lợi ích tối đa của khách hàng. Doanh nghiệp cần xác định được khách hàng chính là người dùng, người sử dụng chứ không phải là người mua. 

Từ đó, nhìn nhận những vấn đề này trong định hướng chiến lược và hoạch định kế hoạch phát triển một cách hiệu quả nhất nhằm đem lại loại ích tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Quản trị trong thời đại 4.0: Cần nhìn xa hơn những thách thức để ứng phó kịp thời
Ông Trịnh Minh Giang.

Bên cạnh những thách thức, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển. Theo ông Trịnh Minh Giang, nguyên cổ đông sáng lập của thương hiệu xuất bản sách Alpha Books cho rằng, trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam có lợi thế về cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển về công nghệ thông tin; điện thoại thông minh và internet tăng trưởng với tỷ lệ cao trong top đầu của thế giới.

Đây là nền tảng rất tốt về kết nối để các công ty hoặc cá nhân ứng dụng phát triển doanh nghiệp cho mình. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp đơn lẻ giờ đã được kết nối với nhau nhờ công nghệ. 

Doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ để tối ưu hoàn toàn việc sử dụng các nguồn lực bên ngoài. Các doanh nghiệp hiện nay không cần đến các cửa hàng, nhà máy sản xuất sản phẩm mà họ kinh doanh trên chính nền tảng công nghệ mà mình tạo ra. 

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế đó là dân số trẻ và ưa chuộng sử dụng công nghệ. Do đó, khách hàng sử dụng, dễ thích nghi, dễ tiếp cận hơn, ông Giang cho biết.

Theo TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội VACD cũng cho rằng, nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế và những tác động của công nghệ 4.0 đang đặt ra những thách thức rất lớn cho nền quản trị doanh nghiệp của Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang quá bi quan khi luôn nhìn nhận vào các thách thức và vấn đề cũng như những ảnh hưởng xấu của công nghệ 4.0 đến quản trị. Nhưng trên thực tế chúng ta đang lạc quan bằng việc dự báo và nhìn xa hơn những vấn đề và biến động của công nghệ sẽ ảnh hưởng đến phương pháp quản trị và hiệu quả của quản trị, ông Tiến khẳng định.

Trong năm 2018 công việc quản trị của các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tinh thần và tâm thế, không ngần ngại các thách thức và chủ động dự báo để chuẩn bị các biện pháp ứng phó kịp thời. Những quyết định chậm và lỡ nhịp có thể khiến doanh nghiệp hứng chịu thất bại, Chủ tịch Hội VACD nhấn mạnh.