Nhà thầu xây dựng: Làm cũng chết, không làm cũng chết!

16:04, 25/03/2023

TheLEADERĐại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết các doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều nhà thầu nếu không làm thì sẽ không có việc, nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết bên cạnh những mặt phát triển tích cực, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức thật sự khó khăn trong năm 2023, và có thể sang cả 2024.

Xây dựng và bất động sản gắn bó hữu cơ với nhau, nhưng từ giữa năm 2022, bất động sản đóng băng và tiếp tục khủng hoảng sang năm 2023 vì nhiều lý do (như lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu...).

Theo đó, các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền để thanh toán cho nhà thầu, thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn gán nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm nhà ,hoặc chây ì không thanh toán.

Thông tin này được ông Hiệp đưa ra tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Lãnh đạo của VACC nhấn mạnh: “Tình trạng trên dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu, kể cả những nhà thầu lớn, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn”.

Nhà thầu xây dựng: Làm cũng chết, không làm cũng chết!
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Ông cho biết thêm hiện nay, chỉ số ít nhà thầu đủ điều kiện tham gia các công trình vốn đầu tư công, còn các công ty chuyên về xây dựng dân dụng làm các công trình vốn ngoài ngân sách thì đang rất khó khăn cả về công việc, và khả năng thanh toán.

Đa số nhà thầu tại Việt Nam là các doanh nghiệp có vốn nhỏ, chỉ một số ít có vốn trên 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, đặc điểm xây dựng là phải vay tiền ngân hàng ứng vốn làm trước thì mới được chủ đầu tư thanh toán sau.

Do đó, nếu chủ đầu tư chậm thanh toán thì nhà thầu “chết” chắc, khi vừa không có tiền trả vật tư, nhân công, lại vừa phải lo lãi vay ngân hàng lên tới 14% trong giai đoạn đầu năm nay, ông Hiệp phân tích.

“Trong bối cảnh ấy, một số nhà thầu còn cố sống cố chết đấu thầu bằng mọi giá để cứu doanh nghiệp trước mắt nhưng như vậy càng làm càng lỗ, càng thấy gần hơn nguy cơ phá sản”, ông cho biết thêm.

Tìm kiếm giải pháp

Đại diện VACC kiến nghị, trước thực trạng đó, khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.

Một số ý kiến cho rằng trong luật dân sự đã đề cấp đến xử lý tranh chấp giữa các bên, tuy nhiên, thực tế các hợp đồng xây dựng nếu chỉ giải quyết bằng luật dân sự thì luôn bị kéo dài cả chục năm mà vẫn không giải quyết được. Các chủ đầu tư vẫn sẽ tiếp tục chây ỳ, nếu không nói là vô hiệu.

Chính vì vậy, VACC nhấn mạnh cần đưa vấn đề này vào các luật chuyên ngành như Luật xây dựng, Luật đấu thầu để đảm bảo quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trước các chủ đầu tư – điều kiện để các nhà thầu tồn tại.

Vấn đề thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân xây dựng.

Hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng đã cổ phần hoá, mà vốn lại nhỏ, nên khả năng tự đào tạo là rất khó. Trước đây, thị trường có các trường đào tạo nghề được cung cấp vốn ngân sách hoạt động, nhưng mô hình đã có sự thay đổi, các doanh nghiệp phải độc lập tự lo mà trình độ công nghệ, kỹ thuật thì ngày càng hiện đại, phức tạp.

Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các doanh nghiệp xây dựng phải tự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Hiệp khuyến nghị.