Nhiệt điện Dung Quất 1 ròng rã chờ khởi công

Nguyễn Cảnh - 14:17, 23/10/2022

TheLEADERBa năm sau khi nhận chủ trương, trượt tiến độ theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất 1 (tại tỉnh Quảng Ngãi) do EVN đầu tư vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

LTS: Giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn cung điện quốc gia, nhưng những dự án nguồn điện trọng điểm trong tay các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN lại chậm trễ nhiều năm. Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn cũng như việc chưa thể huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo mới, tiến độ các dự án này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất – sinh hoạt. TheLEADER khởi đăng chuyên đề “Những quả đấm thép trong ngành điện” nhằm thông tin tới bạn đọc về bức tranh phát triển các dự án nguồn điện lớn thuộc trách nhiệm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bài 2: Nhiệt điện Dung Quất 1 ròng rã chờ khởi công

Với công suất 750MW, được xác định trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Thủ tướng cấp chủ trương đầu tư (năm 2019), dự án điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất 1 (sau đây gọi tắt là nhiệt điện Dung Quất 1) hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm.

Dự kiến khởi công tháng 1/2021, vận hành thương mại tháng 12/2023, dự án đã từng được Bộ Công thương (thời điểm 2019) chỉ rõ tình trạng không thể hoàn thành theo tiến độ, khi đánh giá quá trình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Cần nhắc lại, đây là một trong những dự án nguồn điện trọng điểm để đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn mà EVN đảm nhiệm (cùng với các dự án Nhiệt điện Dung Quất 3, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng…). Điều này lý giải việc Bộ Công thương mới đây tiếp tục đề xuất duy trì dự án vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng.

Theo EVN, hiệu quả kinh tế của dự án góp phần đáp ứng tốc độ phát triển nhu cầu điện tại Việt Nam cũng như đa dạng được nguồn phát điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, được kỳ vọng góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Quảng Ngãi cũng như khu vực miền Trung.

Việc đầu tư dự án nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất 1 nói riêng và các dự án nhà máy điện thuộc Trung tâm khí điện miền Trung nói chung nhằm đảm bảo lợi ích chung của Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh đã được Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và kế hoạch phát triển, phục vụ việc khai thác nguồn khí nội địa với trữ lượng đã được đánh giá, quá trình cung cấp khí ổn định, tăng cường an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn điện sử dụng năng lượng sơ cấp.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 18.700 tỷ đồng, trong đó 20% là vốn chủ sở hữu, 80% vốn vay. Trong đó, lãi suất (vay theo VND) là 10%, thời gian trả nợ 10 năm, ân hạn nợ gốc trong thời gian xây dựng.

Với đời sống dự án 25 năm, chủ đầu tư giả định suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu là 10%/năm và giá khí năm 2023 là 10,18USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU). Theo tính toán, giá điện năm 2023 sẽ khoảng 2.025 đồng/kWh; thời gian hoàn vốn là 25 năm.

Giá điện quy dẫn trong cả 25 năm (đời sống dự án) có xét đến yếu tố trượt giá khí là khoảng gần 2.260 đồng/kWh. Đây là mức giá thành phát điện khá cao, theo nhận định của EVN.

Với kịch bản vận hành theo công suất thiết kế 6.000 giờ/năm, để đảm bảo chỉ tiêu tài chính của EVN, giá bán điện cần tăng dần từng năm trong suốt đời sống dự án (các phương án đưa ra cho thấy, mức giá điện năm 2023 ở quanh mức 2.2020 đồng/kWh, năm 2048 là khoảng 2.870 đồng/kWh).

Được biết, một trong những nội dung được áp dụng cho dự án là: Giá điện của dự án được tính toán trong phương án giá bán điện hàng năm của EVN. Đồng thời, dự án sẽ không tham gia thị trường điện vì có các ràng buộc phải sử dụng tối đa khí Cá Voi Xanh để đảm bảo lợi ích quốc gia. Dự án được cho phép nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện và có cơ chế tiêu thụ sản lượng khí thượng nguồn (thuộc chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh).

Các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho dự án đến từ JICA/KfW (bên thụ thưởng là Chính phủ Việt Nam, đơn vị thực hiện khoản vay là EVN, mức thu xếp tối đa lên tới 80% tổng chi phí dự án, lãi suất khoảng 2,5%/năm trên cơ sở ghép lãi ngày, hoàn trả nợ bắt đầu từ 6 tháng sau khi dự án hoàn thành trên cơ sở 1 năm 2 lần, thời gian trả nợ khoảng 30 năm kể cả ân hạn trong thời gian thi công).

Bên cạnh đó, dự án cũng được hỗ trợ cho vay từ các ngân hàng thương mại trong nước. Cụ thể, tỷ lệ vay có thể lên tới 50-80% tổng chi phí dự án (một hoặc nhiều ngân hàng), đáo hạn 12-15 năm kể cả ân hạn trong thời gian thi công, lãi suất áp dụng là lãi suất tiết kiệm 12 tháng + 3%/năm.

Một điểm quan trọng khác, là 2 phương án huy động nguồn vốn cho dự án. Thứ nhất, phương án vay dài hạn từ cơ quan tín dụng xuất khẩu chính phủ (ECAs) sẽ cho ra giá điện thấp nhất (trung bình khoảng 2.200 đồng/kWh. Phương án này có mức lãi suất ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại nước ngoài, thời hạn vay dài.

Tuy nhiên, đề nhận được các khoản vay ECA, các dự án phải sử dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ Chính phủ nước cho vay và chính sách riêng của từng tổ chức tài chính.

Theo đánh giá trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, việc nhận được hỗ trợ vốn vay từ ECAs sẽ gặp phải nhiều ràng buộc và thương lượng khó khăn kéo dài, khó đảm bảo tiến độ dự án. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ thì phương án vay từ các ngân hàng thương mại được xét đến (giá điện sẽ vào khoảng 2.255 đồng/kWh – tức cao hơn phương án ECAs).

Đặc biệt, do EVN đang thực hiện nhiều dự án lớn với nguồn vốn lớn, nên phương án vay vốn thương mại trong nước (20% vốn chủ sở hữu, 80% vốn vay) được lựa chọn.

> Đón đọc các bài viết cùng chuyên đề"Những quả đấm thép trong ngành điện" TẠI ĐÂY

ECA (Export Credit Arrangement) là khoản tín dụng được bảo lãnh và/hoặc được bảo hiểm từ các Tổ chức tài chính tư nhân/thuộc Chính phủ cung cấp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của quốc gia, đồng thời ECA là sự hỗ trợ tín dụng đặc biệt từ các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển để nhập khẩu hàng hóa/sản phẩm của họ.

Các khoản vay tín dụng theo hình thức ECA có mức lãi suất ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại, thời hạn vay dài (trung bình từ 10 – 13 năm) trong đó thời gian ân hạn (thời gian không chưa trả tiền gốc) có thể kéo dài đến 3 năm, các nguồn vốn ổn định, không có các ràng buộc khắc khe về chính trị hay xã hội.

Nguồn vốn hỗ trợ tín dụng xuất khẩu ECA từ các nước dành cho các dự án điện Việt Nam được thực hiện thông qua việc hỗ trợ tín dụng (cho vay trực tiếp và/hoặc tín dụng có bảo lãnh) từ các tổ chức tài chính chính sách của Chính phủ hoặc các tổ chức cung cấp Bảo hiểm thương mại của nước xuất khẩu cho việc nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó Bộ tài chính Việt Nam sẽ cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay này (cụ thể là các dự án có chủ đầu tư là EVN, PVN) với các Ngân hàng thương mại của nước xuất khẩu.

Để nhận được các khoản vay ECA, các dự án cần phải sử dụng công nghệ đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía Chính phủ nước cho vay và Chính sách riêng của từng tổ chức tài chính.

Đặc biệt, các dự án xây dựng nhà máy điện than phải tuân thủ tối đa các yêu cầu như: Các quy định chung liên quan đến bảo vệ môi trường được áp dụng đối với các khoản vay ECAs từ các nước trong tổ chức OECD (Recommendation on Common Approaches On The Environment & Officially Supported Export Credit); Chuẩn mực được công nhận toàn cầu liên quan đến xác định, đánh giá và quản lý rủi ro về xã hội và môi trường của các Dự án Quốc tế (Equator Principles) do các Tổ chức tài chính quốc tế đưa ra (International Finance Corporation); Các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo và không khuyến khích các dự án có độ phát thải Carbonic cao (Carbon Policy)….