Tài chính
Nhiều doanh nghiệp lỗ lớn do đầu tư cổ phiếu trong năm 2022
Không chỉ các nhà đầu tư mới F0 phải đau đầu vì thua lỗ, nhiều doanh nghiệp “tay ngang” đầu tư vào chứng khoán hay thậm chí các quỹ đầu tư hàng đầu cũng lỗ lớn trong các thương vụ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.
Cuối tháng 4/2022, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát (An Phát) mua toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) từ đợt thoái vốn của Tổng công ty Sông Đà (SJG). Để trở thành cổ đông lớn nhất nắm 36,65% vốn của SJS, An Phát đã phải trả mức giá 102.000 đồng/ cổ phiếu, tương ứng số tiền bỏ ra là 4.258 tỷ đồng. Thời điểm đó, cùng với đà bùng nổ của toàn thị trường, cổ phiếu SJS đã có hơn 1 năm tăng tục, từ mức khoảng 25.000 đồng đầu năm 2021 lên trên gần 100.000 đồng vào thời điểm đấu giá.
Sau khi An Phát mua vào, thị trường chứng khoán bắt đầu bước vào thời kỳ suy giảm, cổ phiếu SJS sụt giảm sâu hiện còn quanh 41.000 đồng/ cổ phiếu. Ở mức giá này, lượng cổ phiếu mà An Phát sở hữu chỉ có giá trị thị trường hơn 1.700 tỷ, tạm lỗ 60%, tương ứng 2.500 tỷ so với giá mua.
Công ty An Phát được thành lập từ năm 2016, với hoạt động kinh doanh chính là xây dựng, khai khoáng. Công ty này có vốn điều lệ 40 tỷ nhưng sở hữu khoản đầu tư hàng nghỉ tỷ đồng vào cổ phiếu SJS, khiến thị trường tin rằng đây chỉ là một công ty trung gian. Chủ sở hữu thực sự của khoản đầu tư được cho là liên quan đến Tập đoàn Việt Phương, sau khi các lãnh đạo liên quan đến tập đoàn này xuất hiện trong HĐQT của Sudico.
An Phát không phải là nhà đầu tư duy nhất đang chịu thua lỗ lớn do các khoản đầu tư diễn ra đúng đỉnh của thị trường chứng khoán cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Một trường hợp khác là Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (PET). Doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023, theo đó, Petrosetco đã bán hết danh mục chứng khoán của mình sau khoảng 3 năm tham gia thị trường. Tại ĐHĐCĐ năm 2023 mới đây, lãnh đạo PET cũng đã thông tin Công ty không có kế hoạch đầu tư chứng khoán, nguồn vốn sẽ được tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối các ngành hàng chủ lực của công ty.
Sau khi bắt đầu tham gia thị trường vào đầu năm 2020 đến 30/6/2022, tổng số tiền đầu tư chứng khoán của Petrosetco đã lên tới 419 tỷ đồng, chiếm 5% tổng tài sản. Sau khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh vào quý 1/2022 và liên tục sụt giảm sau đó, công ty cũng giảm quy mô đầu tư về chỉ còn hơn 10 tỷ tại thời điểm cuối năm 2022. Trong năm 2022, PET đã lỗ hơn 206 tỷ đồng đồng do đầu tư chứng khoán.
Tương tự, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), với nguồn tiền dồi dào thu được từ sự bùng nổ của ngành xuất khẩu thủy sản, đã đầu tư 200 tỷ đồng vào cổ phiếu trên sàn chứng khoán, tính đến cuối quý II/2022.
Sau khi thị trường chứng khoán suy giảm, nhiều cổ phiếu lao dốc, danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của VHC đã ghi nhận mức lỗ lên tới gần 50%. Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng chứng khoán gần 84 tỷ đồng, trong khi giá gốc là 179 tỷ đồng, chủ yếu là với các khoản cổ phiếu bất động sản như DXS, NLG và KBC với mức lỗ ghi nhận lần lượt là 68%, 42% và 24%.
Không chỉ doanh nghiệp tay ngang, rủi ro đầu tư thua lỗ cũng xảy ra với các quỹ đầu tư. Báo cáo nhiều quỹ đầu tư gần đây, cũng ghi nhận những thương vụ đầu tư 'sai lầm' trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.
Cụ thể, báo cáo tài chính của quỹ đầu tư Vietnam Opportunity (VOF) do VinaCapital quản lý mới đây cho biết đầu năm ngoái quỹ này đã rót 25 triệu USD để mua cổ phần của Nova Consumer, một trong công ty thuộc NovaGroup của gia đình ông Bùi Thành Nhơn.
Tuy nhiên, do các diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán Nova Consumer đã không thể niêm yết cổ phiếu trên HOSE theo cam kết. Do đó VOF đã thực hiện quyền chọn bán lại khoản đầu tư này cho NovaGroup với giá gốc kèm theo một khoản lãi. Mặc dù vậy, khi đó, NovaGroup đang trong quá trình tái cấu trúc và gặp khó khăn về tài chính nên đã không thể thực hiện nghĩa vụ mua lại. Kết quả là khoản đầu tư của VOF vào Nova Consumer vẫn được ghi nhận vào danh mục đầu tư của quỹ nhưng chỉ còn 1.8% NAV của quỹ, tương đương 18 triệu USD và dự phòng 7,4 triệu USD (khoảng 30%).
Ngoài khoản đầu tư trên, quỹ VOF còn đang nắm giữ một khoản đầu tư khác vào Novaland, dưới hình thức công cụ nợ có tài sản đảm bảo và quyền chọn kèm mức lợi nhuận tối thiểu. Khoản đầu tư này từng được ghi nhận giá trị 58,5 triệu USD vào tháng 6/2022 nhưng do các sự kiện tiêu cực diễn ra với Novaland, VOF đã đánh giá lại và chỉ còn ghi nhận giá trị 39 triệu USD.
Tập đoàn Tài chính Hana - một trong ba tập đoàn tài chính lớn nhất tại Hàn Quốc, cũng chịu nhiều “áp lực” với thương vụ gần 2.700 tỷ đầu tư vào Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI).
Theo đó, vào tháng 03/2022, Hana Securites - thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana đã thỏa thuận đặt mua hơn 65,73 triệu cổ phiếu BSI với mức giá 41.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đã có thời điểm giá cổ phiếu BSI giảm về mức thấp 11.250 đồng/cổ phiếu – tương ứng với mức lỗ lên tới gần 75%.
Ở chiều ngược lại, bối cảnh thị trường năng lượng và bất động sản bị "tắc nghẽn" lại là nguyên nhân khiến ban lãnh đạo của Công ty Cơ Điện Lạnh (REE) đẩy mạnh đầu tư chứng khoán. Cho tới cuối năm 2022, giá gốc các khoản đầu tư chứng khoán của REE lên tới 790 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư chiếm giá trị lớn nhất là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) với giá gốc 738 tỷ đồng (tương đương 38,8 triệu cổ phiếu), giá trị hợp lý vào cuối năm 2022 ở mức 800,85 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối năm 2022 thì REE đang tạm lãi 62,5 tỷ đồng từ mã VIB, tương đương 8,5%.
Sau đó, tại thời điểm kết thúc quý I/2023, danh mục chứng khoán kinh doanh của REE vào cổ phiếu VIB ghi nhận giá gốc ở mức 696,2 tỉ đồng, giảm 42,1 tỉ đồng so với đầu năm. Điều này cho thấy khả năng REE đã thực hiện chốt lời một phần danh mục dành cho cổ phiếu này. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Lãnh đạo công ty cũng cho biết có thể nắm giữ VIB cho đến khi có dự án năng lượng tái tạo lớn sẽ cân nhắc thoái vốn.
Năm 2022 là một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam với việc VN-Index nằm trong top giảm mạnh nhất thế giới. Sau giai đoạn 2020 - 2021 tham gia ồ ạt với sự hưng phấn cao độ, đại đa số nhà đầu tư mới F0 hay các doanh nghiệp ngoài ngành đều bị "trọng thương" trong năm 2022 và lặng lẽ rút lui. Thậm chí, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, quy mô lớn cũng phải thừa nhận những khó khăn “khó có thể lường trước” và ghi nhận những thương vụ đầu tư thua lỗ nặng nề.
Dù vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thời gian qua đang được giải quyết đúng hướng và ghi nhận các kết quả ban đầu. Gần đây, chuyên gia của Dragon Capital nhận định, thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu chuyển từ vùng đáy sang khởi đầu của giai đoạn phục hồi.
Công ty quản lý quỹ tỷ USD này khuyến nghị năm 2023 là năm tích lũy, tận dụng cơ hội khi thị trường giảm để gia tăng tỷ trọng, sẵn sàng cho cơ hội khi thị trường vào pha tăng trưởng năm 2024.
Thị trường chứng khoán đang mở ra cơ hội dài hạn
Khởi động giải gôn thường niên BRG Golf Hanoi Festival 2024
Giải gôn thường niên BRG Golf Hanoi Festival sẽ chính thức chào đón các gôn thủ trong hai ngày thi đấu 9 và 10/11/2024 tại hai sân gôn đẳng cấp quốc tế.
Tiện ích khác biệt, Hanoi Melody Residences hấp dẫn khách ở thực
Tạo ra sự khác biệt hoàn toàn với các dự án hiện hữu, Hanoi Melody Residences đang hút lượng lớn khách có nhu cầu ở thực đến Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội.
Lotte Finance thâm nhập thị trường cho thuê xe dài hạn
Lotte Finance đánh giá cho thuê xe dài hạn giàu tiềm năng sẽ sớm được thúc đẩy bởi sản phẩm tài chính linh hoạt và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng.
Zalopay tiến vào mảng trả góp
Zalopay xác định phát triển theo hướng trở thành một nền tảng thanh toán toàn diện đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới hướng tới trải nghiệm người dùng.
EximRS phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard
EximRS trở thành đơn vị phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard do Công ty CP Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong Conic phát triển.
MSB hoàn thành 72% kế hoạch năm
MSB công bố báo cáo tài chính quý III với tín dụng tăng 15,11% nhờ đa dạng hóa giải pháp, đặc biệt trên nền tảng số, và vốn điều lệ nâng lên 26.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa
Trong khi hầu hết ngân hàng lớn vẫn duy trì được lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các ngân hàng vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn hơn.