Nhiều dự án điện tại Bình Định chưa thể vận hành

Nguyễn Cảnh - 09:30, 04/04/2022

TheLEADERĐiện gió Nhơn Hội 2, điện mặt trời Phù Mỹ (giai đoạn 2) và 8 nhà máy thủy điện khác trên địa bàn tỉnh Bình Định đang chờ cơ chế cũng như khắc phục tồn tại, điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục triển khai, đi vào vận hành.

Nhiều dự án điện tại Bình Định chưa thể vận hành
Tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công thương xem xét hướng dẫn để các dự án sớm đi vào vận hành phát điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án điện gió Nhơn Hội 2 có công suất 30MW, khảo sát nghiên cứu trên diện tích đất khoảng 200ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỷ đồng. Do Công ty CP Đầu tư Fico làm chủ đầu tư, dự án được đặt tại khu vực quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo núi Phương Mai (thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội).

Hiện điện gió Nhơn Hội 2 đã hoàn thành thi công xây dựng và hòa lưới nhưng chưa hoàn thành các quy trình nghiệm thu, thử nghiệm trước ngày 1/11/2021 để đưa vào vận hành phát điện thương mại.

Tương tự, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (giai đoạn 2, do Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch đầu tư) với quy mô công suất 114MWp đã thi công hoàn thành nhưng chưa có quy định mới để đưa vào vận hành. Nguyên nhân, theo UBND tỉnh Bình Định là do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng nên dự án không kịp hoàn thành trước 31/12/2020 để được hưởng cơ chế hỗ trợ giá bán điện theo quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Đối với các dự án thủy điện, theo quy hoạch, tỉnh Bình Định còn 8 dự án chưa vận hành. Trong đó, thủy điện Đồng Mít (7MW) đang thi công xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành trong quý II/2022; hai dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và chuẩn bị khởi công xây dựng với tổng công suất 40MW.

Thủy điện Vĩnh Sơn 3 (30MW) đã khởi công xây dựng năm 2010, nhưng do ảnh hưởng đến môi trường và cơ sở hạ tầng ở địa phương nên UBND tỉnh đã có quyết định dừng thi công hồi tháng 9/2011 để chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục các tồn tại. Đến nay, chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh) chưa triển khai thi công trở lại.

Cùng do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh thực hiện, dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 (được cấp chứng nhận đầu tư năm 2007, công suất 80MW) hiện chưa xác định thời điểm vận hành. Vấn đề của dự án là vướng mắc quy hoạch giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai. Chủ đầu tư hiện đang xin điều chỉnh quy hoạch giảm công suất còn 28MW.

Được cấp chứng nhận đầu tư năm 2009, thủy điện Đắk Ple (4,4MW) tới nay chưa được phê duyệt dự án đầu tư, do ảnh hưởng tới rừng đầu nguồn phòng hộ.

Dự án điện mặt trời Phù Mỹ hơn 6.200 tỷ đồng (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) do Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch (trực thuộc BCG Energy) đầu tư đã đưa vào khai thác thương mại 216MW trên tổng công suất 330MW.

Tháng 11/2020, tỉnh Bình Định đã phải báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn một số nội dung cần giải trình để phục vụ thẩm định hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (để xây dựng dự án điện mặt trời Phù Mỹ).

Trong đó, vấn đề đáng chú ý là chênh lệch diện tích đất rừng phòng hộ giữa Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ (186.973ha) so với Quyết định 4854/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh (diện tích 178.554,85ha) phê duyệt kế quả rà soát, điều chỉnh ba loại rừng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030.

UBND tỉnh luận giải, số liệu trong Quyết định 4854 của tỉnh được thực hiện theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển sản xuất. Việc này đã dẫn tới đất rừng phòng hộ thấp hơn 8.418ha.

Từ cuối năm 2017, BCG Energy (Công ty trực thuộc Bamboo Capital) bắt đầu mở rộng lĩnh vực điện gió với dự án BCG Sóc Trăng Wind 50MW, dự án Aurai Vũng Tàu 100MW. 2 năm qua, BCG đã triển khai các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản như: 2 nhà máy điện mặt trời BCG-CME Long An 1 & 2 tại Long An với tổng công suất 140MW; nhà máy điện mặt trời 330MW tại Phù Mỹ (Bình Định); nhà máy VNECO (Vĩnh Long) 49,3MW; nhà máy Krông Pa 2 (Gia Lai) 50MW.

Bên cạnh đó, công ty này cũng phát triển một loạt dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất lên đến 50MW tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam