Nhiều hãng xe mở rộng khai thác thị trường xe tải, xe bus điện

Phạm Sơn - 17:37, 13/10/2021

TheLEADERCác hãng xe Trung Quốc đang thể hiện vị thế tiên phong trong việc phát triển và cung ứng dòng xe tải điện và xe bus điện.

Nhiều hãng xe mở rộng khai thác thị trường xe tải, xe bus điện
Xe bus điện của VinBus.

Đường đua xe điện ngày càng nóng với sự tham gia của nhiều ông lớn, từ các hãng xe hơi truyền thống cho tới những tay chơi mới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ, thậm chí là cả bất động sản.

Những mẫu xe điện và xe lai mới được ra mắt ngày càng nhiều, đa dạng về phân khúc, tính năng, công nghệ tích hợp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, sẵn sàng khai thác thị trường rộng lớn khi những lệnh cấm động cơ đốt trong đi vào hiệu lực.

Thị trường xe hơi cá nhân chạy điện phát triển mạnh mẽ cũng là lúc nhiều nhà sản xuất mở rộng phạm vi sang nghiên cứu và phát triển xe tài và xe bus thương mại.

Hãng xe Rivian đến từ Hàn Quốc là công ty khởi nghiệp đầu tiên triển khai phát triển xe bán tải chạy điện, dưới sự hỗ trợ từ 2 ông lớn là Amazon và Ford. Mới đây, Rivian công bố kế hoạch tự sản xuất pin xe điện thay vì nhập từ Samsung SDI, với lý do “kiểm soát hiệu suất và giá cả của phương tiện xe tải điện”.

Rivian lỗ khoảng 1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tuy nhiên cho biết vẫn sẽ đầu tư thêm khoảng 8 tỷ USD từ nay cho đến hết năm 2023, với các hạng mục như tự chủ sản xuất pin và xây dựng hệ thống sạc điện. Thông tin từ Reuters cho biết hãng này cũng sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp ở Mỹ trong thời gian tới.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang bứt phá mạnh mẽ trong cuộc đua xe điện và cũng không bỏ lỡ thị trường xe tải, xe khách chạy điện. Mới đây, DFSK, một công ty con của hãng xe Đông Phong (Dongfeng) đã ký hợp đồng cung cấp 5.000 xe tải điện cho công ty vận tải SBS đến từ Nhật Bản, với giá rẻ hơn so với xe tải thông thường nếu tính thêm cả các khoản trợ cấp xe điện.

Sagawa Express, một đơn vị vận tải thuộc tập đoàn SG Holdings đến từ Nhật cũng đã ký hợp đồng mua xe tải điện từ tập đoàn ô tô Quảng Tây, Trung Quốc, dự kiến nhận hàng vào năm sau. Tập đoàn SG Holdings cho biết, đây là bước đi quan trọng nhằm mục tiêu cắt giảm 10% tổng lượng khí thải từ hoạt động vận tải, so với mức năm 2019.

Các hãng xe hơi Nhật Bản đang từng bước phát triển xe tải điện. Tháng 7 vừa qua, 3 hãng xe là Suzuki, Daihatsu và Toyota khởi động một sự án xe tải điện. Tuy nhiên, Nikkei Asia Review bình luận, các ông lớn Nhật Bản đã quá muộn để nắm bắt thị trường, bỏ lỡ thời cơ nhu cầu bùng nổ về xe điện giao hàng, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thời Covid-19.

Bên cạnh xe tải điện, những chiếc xe bus điện cũng được hướng tới khi những nhà quy hoạch và cơ quan vận tải đô thị đang phải chịu áp lực ngày càng lớn về việc cắt giảm lượng khí thải cho hệ thống giao thông công cộng.

Theo công ty GreenBiz, xe bus điện có giá đắt hơn xe bus truyền thống, tuy nhiên nếu tính tổng thể tiền phí bảo trì và vận hành trong suốt vòng đời, xe bus điện có chi phí tương đối cạnh tranh.

Volvo là hãng xe tiên phong phát triển xe điện, vào cuối năm 2020 vừa qua đã nhận được đơn hàng cung cấp 157 chiếc xe bus điện cho thành phố Gothenburg, Thụy Điển. Dự kiến, hãng xe Thụy Điển này sẽ nhận được nhiều đơn hàng đến từ trong nước hơn nữa, khi Thụy Điển đặt mục tiêu cắt giảm 90% khí thải các bon từ các phương tiện giao thông công cộng vào năm 2035.

Trung Quốc với những “tay chơi mới” nhưng phát triển vô cùng mạnh mẽ trong nền công nghiệp xe điện cũng đang làm chủ cuộc chơi xe bus điện. Tính đến cuối năm 2020, khoảng 98% xe bus điện trên toàn thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Hãng xe non trẻ BYD đến từ Quảng Đông, Trung Quốc tuy mới chỉ thành lập từ năm 2002 nhưng đang thể hiện vị thế dẫn đầu trên thị trường xe bus điện, với các đơn hàng lớn cung cấp cho khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Một hãng xe bus điện khác từ Trung Quốc là Yutong cũng đang giành được nhiều đơn hàng lớn cho khu vực châu Âu và Trung Đông, bao gồm đơn hàng 741 chiếc xe bus điện cho Qatar, dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2022 để kịp thời phục vụ cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup.

Tại Việt Nam, tập đoàn Vingroup mới đây cũng đã thử nghiệm xe bus điện và dự kiến sẽ triển khai 15 tuyến xe bus điện tại Hà Nội và TP.HCM ngay trong năm nay. Vingroup cho biết sẽ đầu tư từ phương tiện, cơ sở hạ tầng cho tới tổ chức vận hành 15 tuyến xe này.

Theo nghiên cứu của Bloomberg, đến năm 2040, xe bus điện sẽ chiếm gần 70% tổng số xe bus hoạt động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như các phương tiện chạy điện khác, xe bus điện cũng phải đối mặt với khó khăn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nguồn cung chất bán dẫn ngày càng thiếu hụt.