Nhiều nội dung quan trọng được bàn tại kỳ họp thứ 2 HĐND Hà Nội

Nhật Hạ - 12:11, 22/09/2021

TheLEADERHĐND thành phố sẽ xem xét 15 báo cáo và 18 nghị quyết tại kỳ họp lần này.

Nhiều nội dung quan trọng được bàn tại kỳ họp thứ 2 HĐND Hà Nội
Toàn cảnh kỳ họp thứ 2 HĐND Hà Nội sáng ngày 22/9.

Sau nhiều lần phải dời lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ họp thứ 2 HĐND Hà Nội khóa XVI đã được khai mạc sáng nay (22/9) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu để bảo đảm phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét 15 báo cáo và 18 nghị quyết.

Trong đó, những nghị quyết rất quan trọng được đưa ra xem xét như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; trong đó, Thành phố sẽ tập trung, cân đối, bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông khu vực ngoại thành (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32...).

Đặc biệt là việc đầu tư đường vành đai 4 nhằm mở rộng không gian phát triển, kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố vùng Thủ đô.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, trường học, các thiết chế văn hóa và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử;

Kỳ họp cũng xem xét thông qua Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chính sách về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội trên địa bàn thành phố và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đáng chú ý, UBND thành phố sẽ báo cáo chi tiết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn từ đầu năm, nhất là đợt bùng phát thứ 4. Bên cạnh đó, chính sách, chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch cũng được đưa ra thảo luận.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trước kỳ họp, 30 câu hỏi đã được tổng hợp là những vấn đề dân sinh, bức xúc được cử tri, các ban, tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND thành phố gửi về để yêu cầu UBND thành phố trả lời.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp được thực hiện theo hình thức chất vấn bằng văn bản. Thường trực HĐND thành phố đã gửi trước phiếu xin ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố đối với từng nội dung và sẽ tổng hợp để báo cáo trước kỳ họp, đề nghị UBND thành phố giải trình cụ thể.

Kỳ họp dự kiến kéo dài 1,5 ngày, kết thúc vào sáng 23/9.

Trước đó, ngày 21/9, Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết về chủ trương triển khai dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô, lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2030.

Việc triển khai dự án phải có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện theo đúng pháp luật về đầu tư công, đối tác công - tư (PPP)... Trong đó, lưu ý lựa chọn nhà đầu tư PPP có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm.

Hà Nội sẽ cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030); đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế khác nhằm huy động nguồn lực, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghị quyết nêu rõ, tuyến đường khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn...

Theo quy hoạch chi tiết được Thủ tướng phê duyệt 10 năm trước, đường đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 3 tỉnh, thành phố. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối là km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài khoảng 98 km (qua Hà Nội 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km).