Nhiều tập đoàn phản đối kế hoạch trợ giá xe điện của Mỹ
Phạm Sơn
Thứ bảy, 06/11/2021 - 11:22
Đề xuất trợ cấp xe điện cho thành viên của Liên hợp Công nhân ô tô Mỹ được các nhà sản xuất đánh giá là bất bình đẳng, phân biệt đối xử, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tranh chấp thương mại.
Một đề xuất trợ giá cho xe điện đang được Nghị viện Mỹ xem xét, đưa ra một “hệ thống 2 cấp”, trợ giá 4.500USD cho mỗi chiếc xe điện được sản xuất bởi thành viên thuộc Liên hợp Công nhân ô tô (UAW).
Đề xuất này được cho là nỗ lực nhằm mục đích thúc đẩy việc làm trong ngành xe hơi của Mỹ. Theo lời lãnh đạo UAW, điều khoản trợ cấp này “sẽ là một chiến thắng của công nhân trong ngành sản xuất xe hơi”.
Tuy nhiên, những tập đoàn sản xuất ô tô đến từ nước ngoài có cơ sở sản xuất ở Mỹ không nằm trong số các thành viên của UAW. Tesla cũng không phải thành viên của tổ chức này.
Các khoản trợ cấp như đề xuất có thể sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm 2022. Bên cạnh đề xuất này, một ý kiến khác cũng đang được xem xét là tăng thêm các điều kiện khiến cho những chiếc xe điện lắp ráp bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ không nhận được khoản trợ cấp 7.500USD được ban hành trước đó, có thể bắt đầu từ năm 2026.
Mặt khác, một khoản trợ cấp trị giá 500USD đối với pin xe điện sản xuất trong nước cũng đang được đưa vào kế hoạch.
Các hãng xe hơi hàng đầu đến từ Nhật Bản và châu Âu kịch liệt lên án chính sách cạnh tranh thiếu công bằng. “Điều này có nghĩa là nếu người tiêu dùng muốn mua một chiếc xe điện không phải do Ford, General Motors hay Chrysler sản xuất, họ sẽ phải trả thêm 4.500USD… Điều này là không công bằng”, một bài đăng báo của hãng xe Toyota viết.
Hàng chục nhà sản xuất xe hơi khác, bao gồm Honda, Tesla và Volkswagen cũng đưa ra tuyên bố đề nghị không phê duyệt điều khoản trợ cấp nói trên.
Bên cạnh các nhà sản xuất, quan chức ngoại giao của châu Âu, Nhật Bản, Mexico và Canada vùa qua gửi một bức thư cho Nghị viện Mỹ vào tuần trước để bày tỏ sự phản đối của khoản trợ cấp “vô lý”.
Ông Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Canada đưa ra cảnh báo, kế hoạch mang tính “phân biệt đối xử” có thể gây ra rủi ro tranh chấp thương mại
Ông Gary Hufbauer, chuyên gia đến từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận xét, khoản trợ cấp 4.500USD nói trên vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cụ thể là nguyên tắc đối xử quốc gia.
Giao thông vận tải chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kính của Mỹ và cũng là mục tiêu chuyển đổi để thực hiện các cam kết khí hậu của chính quyền tổng thống Joe Biden.
Các chính sách trợ cấp cho xe điện nằm trong kế hoạch chuyển đổi xe điện của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe hơi nhận xét, chính sách trợ cấp thiếu công bằng sẽ phản tác dụng khi loại trừ những nhà sản xuất nước ngoài.
Mặt khác, linh kiện xe hơi nước ngoài nếu bị đối xử bất công cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất của Mỹ, khi đánh mất đi sự lựa chọn về linh kiện giá rẻ, chất lượng cao.
Chính sách trợ cấp bổ sung này, nếu được thông qua sẽ khiến Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với ngành công nghiệp xe điện, trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất đang có kế hoạch mở nhà máy và bán xe điện tại Mỹ, bao gồm hãng xe VinFast của Việt Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.