Nhu cầu mới trong đào tạo năng lực cốt lõi cho nhân sự trẻ

Quỳnh Chi - 09:43, 16/06/2021

TheLEADERNhững năng lực mới được đào tạo một cách toàn diện, chuyên nghiệp và sát với thực tế là một nhu cầu cấp thiết của người trẻ trong bối cảnh mới trên hành trình nâng cấp bản thân và thăng tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Nhu cầu mới trong đào tạo năng lực cốt lõi cho nhân sự trẻ
Người trẻ cần những năng lực mới được đào tạo một cách toàn diện, chuyên nghiệp và sát với thực tế

Dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp không những không cắt giảm mà còn đầu tư thêm ngân sách và tận dụng thời gian để đào tạo nhân sự trong giai đoạn trầm lắng. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển con người đối với sự phát triển của từng cá nhân nói riêng và tổ chức nói chung.

Trên thực tế, đào tạo thêm kỹ năng cho người đi làm không phải là nhu cầu mới nhưng bài toán mà những người làm công tác đào tạo phải đối mặt giờ đây khó hơn rất nhiều.

Tư duy của nhiều năm về trước cho rằng bộ kỹ năng cần có đơn thuần là ngoại ngữ, kỹ năng làm việc và giao tiếp… đã khiến hàng loạt sinh viên ngành ngoại ngữ phải gồng mình vượt qua giai đoạn khủng hoảng sau tốt nghiệp vì thứ duy nhất họ nắm trong tay là ngoại ngữ và một vài kỹ năng rời rạc. 

Nhiều người trẻ thậm chí đã “vỡ mộng” về những suy nghĩ ban đầu và trở nên “hoảng loạn” khi không hiểu chính mình, không biết được mong muốn, thế mạnh của bản thân và cũng không nắm được yêu cầu của thị trường lao động.

Nỗi thiệt thòi của những người sắp hoặc mới bước vào thị trường lao động là chưa tiếp cận được những khoá đào tạo chuyên nghiệp và sát thực tế. Việc đào tạo xưa nay vẫn còn khá nhỏ lẻ, không đồng nhất. Dù được đào tạo ở cấp đại học, đa phần kỹ năng của sinh viên sau khi ra trường vẫn không đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp.

Đánh giá về thực trạng đào tạo kỹ năng hiện nay, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, có trường đại học mở bộ môn kỹ năng mềm nhưng trưởng bộ môn lại không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này.

Trong khi đó, Ths. Nguyễn Thị Trang Nhung, đại học Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, do sĩ số lớp quá đông, giảng viên không có sự hỗ trợ về phương pháp, công cụ thăm dò khi tổ chức lớp học, quỹ thời gian quá ít hoặc giảng viên mời ngoài nên không có cơ hội tiếp xúc sinh viên.

"Sinh viên học kỹ năng nhưng nội dung không gắn với nhu cầu của bản thân nên không hình thành được kỹ năng phù hợp với đặc điểm ngành nghề. Việc dạy kỹ năng mềm như vậy dễ bị ‘khơi khơi’ và khó đảm bảo tính ‘mềm’ như ứng dụng về mặt bản chất hay đặc trưng của chúng", bà Nhung nói.

“Trăn trở” mới của những người làm đào tạo

Thách thức trở nên “khó nhằn” hơn bao giờ hết khi đại dịch Covid-19 khiến khoảng cách giữa người dạy và người học xa hơn do yêu cầu giãn cách xã hội. Bối cảnh hiện nay cũng đặt ra yêu cầu về các nhóm kỹ năng mới đối với người trẻ.

Đáng chú ý, cụm từ “kỹ năng mềm" đã không còn là yếu tố phụ trợ mà trở thành “năng lực cốt lõi" của mọi ngành nghề và là nhân tố cần và đủ cho các bước đệm phát triển sự nghiệp trong môi trường cạnh tranh và đòi hỏi sự năng động cao.

Lúc này, vừa đào tạo thêm kỹ năng mới, đào tạo toàn diện và sát với thực tế nhưng cũng phải thật cuốn hút và tạo được động lực cho người học thông qua môi trường trực tuyến là điều không hề dễ dàng.

“Học online chán lắm”, “Họ quay video rồi phát lại nên chẳng có tương tác”, “Tôi thấy buồn ngủ”… là những trải nghiệm thu về từ nhiều khoá học. Các mô hình đào tạo kỹ năng hiện nay tại Việt Nam do vẫn còn ảnh hưởng lối tư duy cũ nên khó đáp ứng được tình hình/bối cảnh mới.

Một trong những hình thức đào tạo mới nổi trong thời gian gần đây là huấn luyện trực tiếp trực tuyến (live online learning) tích hợp nhiều kỹ năng kết hợp với giáo án hoàn chỉnh “all-in-one”. 

Chìa khoá thành công của phương thức này là cho người học cơ hội được tương tác, huấn luyện trực tiếp với chuyên gia qua hình thức trực tuyến, được huấn luyện ngay tại thời điểm và tập trung đến bối cảnh ứng dụng thực tiễn.

Nhu cầu mới trong đào tạo năng lực cốt lõi cho nhân sự trẻ
Một trong những hình thức đào tạo mới nổi trong thời gian gần đây là huấn luyện trực tiếp trực tuyến (live online learning) tích hợp nhiều kỹ năng kết hợp với giáo án hoàn chỉnh “all-in-one”.

Giờ đây, nhu cầu đối với các mô hình đào tạo này ngày càng cấp thiết. Đó là một mô hình không chỉ số hóa dữ liệu mà còn số hóa mối liên hệ giữa các dữ liệu, có thể tạo ra một hệ thống dữ liệu tự động hợp nhất và xuyên suốt, khắc phục được những nhược điểm của các phần mềm chuyên biệt.

Thị trường đào tạo “all-in-one” hiện nay tại Việt Nam khá sôi động. Tuy vậy, vẫn chưa có nhiều nền tảng đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản.

Cụ thể, một mô hình all-in-one chuẩn phải được kiểm chứng bởi các tổ chức chuyên môn; có tính ứng dụng và thích ứng cao với thực tế; có tính khoa học; minh bạch; kết hợp mô hình đào tạo từ xa. Ở Việt Nam, mô hình huấn luyện trực tiếp trực tuyến của Dale Carnegie là một trường hợp điển hình.

Theo đại diện Dale Carnegie, điều quan trọng là người tham gia quá trình đào tạo, huấn luyện trở nên tự tin hơn, sẵn sàng mở rộng vùng an toàn. Họ cũng biết cách đối nhân xử thế để xây dựng mối quan hệ vững chắc, lòng tin và sự tôn trọng; giao tiếp hiệu quả; sử dụng hiệu quả năng lực lãnh đạo để quản lý tầm nhìn và khai thác các giá trị cốt lõi của bản thân; quản trị cảm xúc trong mọi tình huống thử thách.

Ông Manning, nhà quản lý bộ phận vận hành hệ thống điện của công ty Eversource Energy cho biết, sau các buổi đào tạo trực tiếp trực tuyến “all-in-one”, ông nhận thấy sự tương tác tích cực trong lực lượng lao động ở công ty. Khả năng lắng nghe và chia sẻ những điều sâu thẳm phía trong của các nhân viên với các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức, ngành khác nhau cũng gia tăng đáng kể.

Theo ông Manning, yếu tố quan trọng cần chú ý khi đầu tư cho công tác đào tạo nhân sự trong mùa đại dịch là chương trình huấn luyện phải được diễn ra trong thời gian thực. Bên cạnh đó, người học phải được tương tác trao đổi đa chiều và chủ động nêu ý kiến, được đồng hành cùng chuyên gia trong quá trình huấn luyện và giải quyết được các bài toán thực tế một cách nhanh chóng trong bối cảnh làm việc từ xa.