Những câu trả lời được chờ đợi tại Hội nghị Nhân sự Việt Nam 2018

TS. Trương Thị Lan Anh - 15:37, 30/09/2018

TheLEADERVăn hóa có thật sự giúp doanh nghiệp thành công không và trên thực tế, văn hóa đã giúp doanh nghiệp gặt hái kết quả như thế nào?

Sự lên ngôi của văn hóa làm việc uyển chuyển

Trong khảo sát gần đây nhất của O.C. Tanner Institute về văn hóa toàn cầu (Global Culture Report 2018), điều ấn tượng nhất là sự lên ngôi của những văn hóa làm việc uyển chuyển (agile) để thích ứng với những mô hình kinh doanh luôn chuyển động, với lực lượng lao động ngày càng đa dạng trong cơn lũ của công nghệ mới. 

Nếu văn hóa không có sự chuyển đổi kịp thời cùng với mô hình kinh doanh thì mọi kế hoạch chuyển đổi doanh nghiệp đều mau chóng bị thất bại.

Khái niệm “văn hóa phù hợp” sẽ thay thế “văn hóa mạnh”

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp FDI và tập đoàn đa quốc gia có đơn vị kinh doanh ở Việt Nam, sau một thời gian nỗ lực tập trung vào mở rộng kinh doanh, chạy theo nhịp thở chóng mặt thị trường, nay bỗng giật mình nhìn lại và nhận ra rằng con người trong tổ chức của họ đã không còn bắt kịp các yêu cầu của mô hình kinh doanh mới cả về năng lực lẫn quan điểm và phong cách làm việc. 

Những câu trả lời được chờ đợi tại Hội nghị Nhân sự Việt Nam 2018
TS. Trương Thị Lan Anh, điều phối chủ đề thảo luận cùng chuyên gia “Chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp để thành công” tại HR Summit 2018

Nhiều nhân viên cảm thấy mình ngày càng bị quá tải, hụt hẫng, thất vọng về bản thân và giảm gắn kết với doanh nghiệp.

Nhiều nghiên cứu đã kiểm định được rằng có mối quan hệ đáng tin cậy giữa thành công của doanh nghiệp với sự gắn kết của nhân viên (employee engagement). Tuy nhiên, bản thân sự gắn kết của nhân viên thôi chưa thể tác động trực tiếp được đến thành quả của doanh nghiệp mà phải thông qua sự tương thích (alignment) giữa chiến lược và văn hóa doanh nghiệp.

Trong bài bình luận của mình trên Harvard Business Review (2017), bậc thầy về nhân sự Dave Ulrich đã nhấn mạnh điểm đến của việc chuyển đổi văn hóa phải là một “văn hóa phù hợp” (the right culture), một khái niệm thay thế cho “văn hóa mạnh” hay “văn hóa tốt” trước đây. Sự phù hợp ở đây bao gồm cả phù hợp giữa giá trị cá nhân với những giá trị mới của doanh nghiệp và với động lực thay đổi.

Ngày nay, thế hệ Millennials (tạm dịch thế hệ của kỷ nguyên mới) đang dần chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, đem lại những hệ giá trị khác với thế hệ trước và cả cách mà họ đối mặt với thay đổi (chứ không phải là đối phó với thay đổi!) cũng khác trước. Ý thức làm việc phải có mục đích và phải khẳng định cái “tôi” của mình là đặc trưng của thế hệ này. 

Với mỗi giá trị văn hóa mới được chuyển đổi, họ phải nhìn thấy được ý nghĩa của nó với cuộc đời họ, có cơ hội kết nối với cái “tôi” của họ và hiểu được vai trò của họ trong việc làm cho doanh nghiệp khác đi như thế nào (Global Culture Report 2018); điều này sẽ giúp văn hóa mới “sống” lâu dài với doanh nghiệp.

Khả năng phục hồi nhanh chóng sau các biến động

Tại Hội nghị online của các giám đốc nguồn nhân lực quốc tế tháng 9 vừa qua (CHRO Virtual Summit 2018), các chuyên gia chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp đồng tình rằng, bên cạnh khả năng uyển chuyển (agility), việc tạo nên khả năng phục hồi nhanh chóng sau các biến động (resilience) là một đặc trưng quan trọng của văn hóa doanh nghiệp thời chuyển đổi. 

Công cụ quan trọng để tạo dựng khả năng này là truyền thông hai chiều, bản lĩnh lãnh đạo, và các nỗ lực đội nhóm. Việc thường xuyên lắng nghe tiếng nói của nhân viên sẽ giúp người lãnh đạo kịp thời điều chỉnh kế hoạch, và quan trọng hơn là thu hút sự tham gia của nhân viên vào quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Bản lĩnh lãnh đạo là có thể xác định được những giá trị văn hóa cốt lõi phù hợp với tương lai của doanh nghiệp và dựa vào đó dẫn dắt những hành vi ứng xử chung trong tổ chức, đưa những chuẩn mực hành vi thành thói quen hàng ngày của nhân viên. 

Chính những chuẩn mực hành vi này, khi được chia sẻ chung trong tổ chức, sẽ định hướng nhân viên tạo nên kết quả kinh doanh kỳ vọng cho doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để xác định văn hóa phù hợp với doanh nghiệp mình? Những giá trị văn hóa cốt lõi được lãnh đạo doanh nghiệp tin là phù hợp với sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp, vẫn có thể không được nhân viên tin rằng chúng sẽ đem lại thành công cho họ. 

Lãnh đạo sẽ làm gì khi nhân viên cho rằng những giá trị đó không khả thi trong công việc của họ hoặc khó thực hiện? Làm sao để xây dựng được niềm tin chung? Việc chia sẻ tầm nhìn về sự chuyển đổi của doanh nghiệp với các cấp nhân viên, bằng “ngôn ngữ” của họ, cũng là một thách thức đối với người lãnh đạo.

Văn hóa có thật sự giúp doanh nghiệp thành công không và trên thực tế, văn hóa đã giúp doanh nghiệp gặt hái kết quả như thế nào? Hội nghị Nhân sự Việt Nam 2018 sẽ đem đến những câu trả lời được chờ đợi này. Những trải nghiệm và chia sẻ quan điểm của các diễn giả tại Hội nghị Nhân sự Việt Nam 2018 sẽ truyền động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đội ngũ nhân sự nói riêng sẵn sàng “chuyển đổi để thành công”.

Hội nghị Nhân Sự Việt Nam 2018 sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 5/10/2018 tại The Adora Center số 431 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP. HCM. Tạp chí điện tử TheLEADER sẽ là đơn vị truyền thông bảo trợ thông tin cho hội thảo.

Hội nghị Nhân Sự Việt Nam 2018 có chủ đề "Chuyển đổi để thành công", nhằm tạo nên một sân chơi, nơi giao lưu, kết nối của hơn 800 chuyên gia nhân sự, các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp đến từ nhiều mô hình khác nhau (Startups, SMEs, Tập đoàn) đến tham dự.

Năm 2018 là năm thứ tư Hiệp hội Nhân Sự Việt Nam (VNHR) tổ chức Hội Nghị Nhân sự Việt Nam.

Diễn ra song song cùng hội nghị là Triển lãm "Giải pháp nhân sự", triển lãm gồm gian hàng của các doanh nghiệp cung ứng giải pháp nhân sự nổi bật và có uy tín trên thị trường.