Những công ty chứng khoán báo lãi nghìn tỷ

Trần Anh - 10:18, 26/10/2021

TheLEADERBất chấp tác động của dịch Covid-19, các công ty chứng khoán vẫn có một quý 3 thăng hoa với lợi nhuận đạt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhờ vào sự sôi động của thị trường chứng khoán.

Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 ghi nhận doanh thu đạt 1.392 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.002 tỉ đồng, tăng trưởng tương ứng 39% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

TCBS cho biết, dù có lệnh giãn cách xã hội, dịch vụ mở tài khoản online vẫn giúp công ty thu hút lượng lớn sự quan tâm của nhà đầu tư. Riêng quý 3, số lượng mở mới tài khoản trên TCInvest đạt hơn 74.000 tài khoản, tăng 189% so với cùng kỳ năm 2020.

Song song với số lượng tài khoản mở mới, doanh thu từ nghiệp vụ chứng khoán của TCBS tăng mạnh. Công ty ghi nhận lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ, đạt 264 tỉ đồng nhờ tăng quy mô margin.

Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán và doanh thu hoạt động tư vấn tài chính của TCBS cũng tăng trưởng gấp 3,5 lần và 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2020, lần lượt đạt 244,2 tỉ đồng và 49,3 tỉ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, TCBS đạt doanh thu 3.699 tỉ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế 3 quý đầu năm đạt 2.847 tỉ đồng, tăng 33%.

Không riêng TBCS, bất chấp dịch bệnh Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội, nhiều công ty chứng khoán vẫn ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ đồng như SSI, VNDirect.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận số lượng tài khoản mở mới trong quý 3 tăng trưởng 17,4% so với quý trước, và tăng 323% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, các lĩnh vực kinh doanh đều ghi nhận tăng trưởng đáng kể.

Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 667,4 tỷ đồng trong quý 3, tăng trưởng 2,7 lần. Dư nợ cho vay ký quỹ cuối quý đạt mức kỷ lục 18.100 tỷ đồng giúp doanh thu từ mảng cho vay và phải thu đạt 431 tỷ đồng, tăng trưởng 268% so với quý 3/2020.

Tính riêng quý 3, doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 đạt lần lượt 1.846 tỷ đồng và 831 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ vào mức 667 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận tổng doanh thu 5.091 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.063 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53% và 92% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, sau 9 tháng hoạt động SSI đã vượt 12% kế hoạch kinh doanh năm về lợi nhuận.

Công ty Chứng khoán VNDirect cũng công bố lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 đạt 548 tỷ đồng, tăng 116% so với quý 3/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

VNDirect cho biết, dù quý 3 gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh công ty vẫn khả uqan nhờ giá trị giao dịch thị trường duy trì ở mức cao, bên cạnh đó là các mảng kinh doanh khác cũng đạt kết quả tốt.

Cụ thể, doanh thu hoạt động tăng 185%, đạt 1.565 tỷ đồng, trong đó hoạt động tự doanh tăng trưởng 140%, hoạt động dịch vụ chứng khoán bao gồm nghiệp vụ môi giới chứng khóa nvà cho vay giao dịch ký quỹ đạt mức tăng tới 300%. Nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán ghi nhận doanh thu hơn 150 tỷ đồng, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Một số công ty chứng khoán cũng báo lãi lớn sau 9 tháng đầu năm 2021 như Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) lãi 923,4 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lãi 827,2 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán VPS lãi 601 tỉ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) tăng gần 10 lần so với cùng kỳ, đạt 672tỉ đồng. 

Lợi nhuận của các công ty chứng khoán hứa hẹn vẫn tiếp tục cao trong thời gian tới. Báo cáo của FiinGroup cho rằng thị trường chứng khoán hiện vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều so với kênh tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư bất động sản, vàng hay USD. 

Nhóm phân tích Fiingroup nhận định, lãi suất tiết kiệm hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, thị trường bất động sản thì vẫn trong giai đoạn trầm lắng sau làn sóng Covid-19 thứ tư. Trong khi đó, vàng và USD không còn là ưu tiên với thế hệ nhà đầu tư trẻ của Việt Nam hiện nay. 

Do đó dòng tiền sẽ còn tiếp tục ở lại trên TTCK cho đến ít nhất là hết quý 1/2022 khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục ở mức 50-60% so với trước đại dịch.