Những dịch vụ phát triển bền vững trong dịch Covid-19

Việt Hưng - 16:22, 20/05/2020

TheLEADERDịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng góp phần mở ra các xu hướng mới buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng.

Sau khi Covid-19 bùng phát, chi tiêu người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt, khiến nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, bệnh dịch cũng góp phần mở ra các xu hướng mới buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Liệu điều này có trở thành cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà "lội ngược dòng" ấn tượng

Theo báo cáo Khủng hoảng Covid-19: Tác Động và tiềm năng Phục Hồi của Adsota các ngành dịch vụ nói chung đang đứng trước tình hình không mấy khả quan. Điển hình là giải trínhà hàng phải chịu mức giảm chi tiêu tới 19%.

Bên cạnh đó, các ngành thực phẩm đóng gói, chăm sóc cá nhân và chăm sóc sức khỏe tưởng sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng lại cho thấy mức giảm từ nhẹ tới trung bình.

Ngành tóc, làm đẹp và giặt là phát triển bền vững trong dịch Covid-19
Mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà lên ngôi mùa dịch

Ngành thực phẩm đóng gói có mức giảm thấp nhất với 4% người dân tập trung mua nhiều để tích trữ đầu mùa dịch và giảm dần trong khoảng thời gian sau đó. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ghi nhận mức giảm trung bình với 16% do người dân hạn chế đến các bệnh viện và phòng khám.

Ngược lại chi tiêu người dùng cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến và giao hàng tăng lần lượt 20% và 12%. Tình hình giãn cách xã hội khiến hàng loạt điểm bán và nhà hàng phải đóng cửa đã góp phần giúp những dịch vụ này trở thành những "kẻ sống sót" duy nhất trên toàn bộ thị trường.

Một lý do cho sự phát triển này chính là bởi chi tiêu đối với hàng hóa thiết yếu của người Việt Nam không có sự thay đổi quá tiêu cực, trong khi vấn đề hạn chế tiếp xúc xã hội tại các điểm bán offline đã được các nền tảng thương mại điện tử giải quyết phần nào

Cụ thể, số liệu từ báo cáo trên cho thấy doanh thu của sản phẩm dinh dưỡng tăng tới 73%, theo sau là các mặt hàng vệ sinh cá nhân và vệ sinh nhà ở với lần lượt tăng 68% và 63%.

Ngoài ra, chi tiêu cho các sản phẩm thông thường như: dầu gội, mỹ phẩm và đồ gia dụng cũng không bị ảnh hưởng. Các mặt hàng cao cấp và đồ uống có cồn là những sản phẩm duy nhất có xu hướng tiêu cực với mức giảm trung bình là 50%.

Xác nhận với TheLEADER, ông Nguyễn Huy Hoàng - Nhà sáng lập & CEO 30Shine cho hay, từ khi Chính Phủ phát đi thông báo sẽ dừng cách ly xã hội, hệ thống đặt lịch cắt tóc của 30Shine đã hoạt động hết công suất, các cửa hàng gần như đều kín lịch.

Theo lý giải của CEO 30Shine, khi toàn xã hội thực hiện cách ly, không còn các cuộc gặp gỡ vui chơi, việc làm đẹp sẽ quay về mức tối thiểu là gọn gàng và sạch sẽ. Tuy nhiên, khi xã hội bắt đầu quay trở lại hoạt động thường ngày, nhu cầu giao lưu gặp mặt sẽ tăng mạnh và là cơ hội cho ngành làm đẹp.

"Điều này chứng tỏ, cắt tóc nói riêng, ngành làm đẹp nói chung là một nhu cầu bền vững. Chỉ có nhận thức và hành vi khách hàng về vấn đề an toàn sức khỏe là thay đổi. Trong dịp này, 30Shine đang gấp rút nâng cấp quy trình, sản phẩm để đưa yếu tố "an toàn, an tâm" lên hàng đầu", ông Nguyễn Huy Hoàng nói.

Thói quen người dùng đang thay đổi

Do bị hạn chế các hoạt động tụ tập đông người, người tiêu dùng bắt đầu tận dụng tối đa các tiện ích của nền tảng trực tuyến. Cụ thể, các nội dung phim ảnh, game hay âm nhạc là các hoạt động được ưa chuộng nhất với 69% người tham gia khảo sát cho biết họ thực hiện những hoạt động này nhiều hơn trước đây. Ngoài ra, 49% người dùng cũng thừa nhận thời gian họ dành cho việc lên mạng cũng gia tăng đáng kể trong mùa dịch.

Có thể thấy, sự thay đổi trong thói quen người dùng đã tạo ra môi trường phát triển vô cùng lớn cho các nền tảng trực tuyến. Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều dịch vụ mới đã được đưa vào hoạt động, điển hình là đi chợ thuê - một dịch vụ tưởng sẽ không bao giờ thành công bởi người tiêu dùng luôn muốn tự mình kiểm tra chất lượng của những thực phẩm sẽ dùng cho bữa cơm gia đình.

Ngành tóc, làm đẹp và giặt là phát triển bền vững trong dịch Covid-19 2
Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi mỗi ngày

Cụ thể, Grab đã chính thức đưa dịch vụ này vào hoạt động chính thức chỉ sau 10 ngày thử nghiệm và nhận được những phản hồi tích cực. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng mở lối mới cho rất nhiều loại hình marketing.

Sự kết hợp giữa Influencer Marketing và Livestream trở nên đáng chú ý đối với các nhãn hàng bao giờ hết bởi tính giải trí và tương tác cao mà người dùng rất ưa chuộng trong mùa dịch. Đặc biệt trong số đó là các livestream game, loại hình nội dung có sự bùng nổ bất ngờ trong những tháng gần đây, nhất là đối với Gen Z.

Báo cáo của Adsota cho thấy những con số về lượt người xem và tương tác của những nền tảng như Facebook Gaming, Youtube Gaming và Twitch đều "chạm nóc". Tại Việt Nam, tổng số lượt xem trên Facebook tăng tới 81,37% chỉ trong 2 tuần đầu tháng Tư.

Rõ ràng, Covid-19 đang khiến cho toàn bộ nền kinh tế phải trải qua những khủng hoảng kéo dài chưa từng có. Tuy nhiên, đây cũng là động lực phát triển vô cùng quan trọng. Khi các doanh nghiệp càng cố gắng tạo ra và tận dụng nhiều phương thức để thích nghi với đại dịch, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm vượt qua những khó khăn và có được đà phục hồi nhanh chóng.