Những lo ngại của doanh nghiệp khi đầu tư vào Đà Nẵng

Minh Anh - 09:08, 09/03/2018

TheLEADERKhoảng 500 đại diện cho các doanh nghiệp đã tham gia buổi "Toạ đàm mùa Xuân 2018" để hiến kế và kiến nghị với lãnh đạo Đà Nẵng về môi trường đầu tư - kinh doanh.

Nhà đầu tư lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường biển Đà Nẵng
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tiếp tục lên tiếng bảo vệ môi trường biển

Tại toạ đàm các doanh nghiệp đã nêu lên các nhóm vấn đề còn tồn tại như cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong khu vực sản xuất công nghiệp, hệ thống giao thông cộng công chưa được đầu tư.

Là nhà đầu tư đã nhiều năm gắn bó với Đà Nẵng và đã phát triển dự án khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency và tổ hợp căn hộ Indochina Riverside tại đây, ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital, cho rằng, Đà Nẵng nên kiên định với phát triển du lịch vì sẽ đem lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị Đà Nẵng hạn chế những dự án, công trình có tác động gây hại đến thiên nhiên, môi trường sống, nhất là môi trường biển; trong đó sẽ không tốt nếu để việc xây dựng ồ ạt các công trình cao tầng ven biển như trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư người Mỹ này cũng cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung phát triển các dịch vụ về giáo dục, y tế đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng được nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi họ kết hợp giữa du lịch với nghĩ dưỡng, khám chữa bệnh.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng nhấn mạnh cần phải bảo vệ môi trường để phát triển du lịch. Hiện có 40 cửa xả thải ra biển, có cửa vượt quá công suất, chưa được xử lý hoàn toàn trước khi thải ra biển. 

Ông Vinh cũng đã nhiều lần cảnh báo nếu vấn đề xả thải không được xử lý rốt ráo thì sẽ tác động lớn đến môi trường biển về lâu dài, từ đó tác động tiêu cực đến phát triển du lịch.

Các doanh nghiệp cũng nêu nhiều kiến nghị về môi trường kinh doanh. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đề nghị Đà Nẵng cần quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích từ 5-10ha bố trí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, ông Bình cũng nêu lại vấn đề thu hồi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây không ghi thời hạn sử dụng đất của gần 700 trường hợp có liên quan đến nhiều doanh nghiệp hiện đang gây bức xúc trong các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Kinderworld lại chỉ ra điểm yếu của Đà Nẵng về nguồn nhân lực không đáp ứng đủ điều kiện của các nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư Singapore này nhấn mạnh Đà Nẵng cần đẩy mạnh xây dựng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế, không chỉ cho địa phương, mà còn cung cấp cho các vùng lân cận; phải đào tạo làm sao để Đà Nẵng có những nhân lực cao cấp, thay vì nhận mức lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng có thể nhận mức lương vài ngàn USD.

Nhà đầu tư lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường biển Đà Nẵng 1
Ông Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Tọa đàm mùa Xuân 2018 diễn ra tại Cung hội nghị Quốc tế Ariyana trong nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng

Đối thoại với các doanh nghiệp tại “Toạ đàm mùa Xuân 2018” diễn ra tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana ngày 8/3/2018, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nêu lên năm vấn đề Đà Nẵng sẽ giải quyết để cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh.

Trước hết là cần phải xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

“Về tầm nhìn, Đà Nẵng phải là thành phố thông minh, điểm đến du lịch được ưu tiên lựa chọn, đáng sống và đáng đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Đà Nẵng phải là thành phố của khởi nghiệp và sáng tạo, là một trung tâm hội nhập quốc tế, một đô thị đẳng cấp, hiện đại nhưng khác biệt, đậm bản sắc Đà Nẵng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thứ hai là vấn đề kết nối và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mà ông Nghĩa cho rằng được thảo luận nhiều và đã lâu nhưng chưa có tác động nào tích cực, mang tính đột phá. Đà Nẵng cần có một tư duy mới để giải quyết vấn đề này. Đối với Đà Nẵng, kết nối là yếu tố sống còn. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ, thông tin là hết sức quan trọng, nhưng chưa đủ mà cần có sự liên kết với các địa phương lân cận.

Thứ ba là mặc môi trường đầu tư và kinh doanh Đà Nẵng luôn ở nhóm dẫn đầu nhưng ông Nghĩa cho rằng cần phải rà soát lại thực chất các chỉ số này và thêm vào đó, xây dựng cho mình một hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát vào các tiêu chí quốc tế, để đảm bảo chắc chắn rằng vị trí cao đó thực sự tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

“Năm 2018, việc làm thiết thực đầu tiên là giảm mạnh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa tuyên bố.

Bên cạnh các vấn đề an sinh xã hội và môi trường sống, ông Nghĩa cũng cam kết tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch, giảm tối đa thủ tục hành chính và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp; xây dựng được một chính quyền đổi mới, năng động, sáng tạo, có khả năng giải trình cao, thực sự cầu thị, gần dân và luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để phục vụ và kiến tạo phát triển.