Những vấn đề sống còn với du lịch Việt hậu Covid

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour - 09:54, 07/04/2021

TheLEADERLiên kết là bản chất sống còn của du lịch, không ai làm du lịch một mình được.

Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn trật tự thế giới, buộc con người nhìn lại mình, ngộ ra nhiều thứ, phải điều chỉnh hành vi trong điều kiện bình thường mới. Du lịch quốc tế đóng băng, du lịch nội địa thò thụt nhưng là cứu cánh để nhiều công ty cầm cự qua dịch.

Covid-19 càng khẳng định, các ngành nghề chỉ bền vững khi có sự cân bằng giữa nội địa và xuất khẩu. Nếu chỉ chăm bẵm nội địa, khó phát triển lớn; tập trung xuất khẩu, gặp khủng hoảng là phá sản. Trừ những quốc gia đặc thù, đất hẹp, người đông; còn lại đều lấy nội địa làm nền tảng xuất khẩu.

Thị trường nội địa có chung văn hóa, lịch sử, thói quen tiêu dùng nên dễ dàng đáp ứng. Bỏ quên hoặc xem thường thị trường nội địa, sẽ phải trả giá khi có dịch bệnh, chiến tranh. Du lịch là ngành tổng hợp, mang đến nhiều lợi ích về kinh tế, ngoại giao, quảng bá thương hiệu, xúc tiến đầu tư…

Du lịch hậu Covid-19
Tour độc bản: Du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè

Chưa bao giờ du lịch được nhà nước quan tâm chỉ đạo, các địa phương đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ như hiện nay. Thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, cần đoạn tuyệt để tăng tốc.

Phải thay đổi tư duy

Nôm na là cách nghĩ, nghĩ đúng mới có thể làm đúng. Luật du lịch Việt Nam 2017 quy định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác” (mục 1, điều 3, chương I).

Lượng khách Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và Outbound (khách Việt Nam và nước ngoài từ Việt Nam ra nước khác) dựa vào số liệu xuất nhập cảnh. Cần phân loại mục đích vì có khi xuất nhập cảnh để làm việc, học tập, giải quyết việc riêng… Còn lượng khách nội địa thì không biết số liệu dựa vào đâu?

Các địa phương lấy số liệu khách tham quan (một ngày đi nhiều điểm) gộp chung lượng khách dự các lễ hội, sự kiện miễn phí chốc lát, đưa vào báo cáo là phổ biến. Làm bài toán chia doanh thu với số lượng khách, mới té ngửa.

Tổng doanh thu du lịch TP.HCM hơn 140.000 tỷ đồng, đón 41,4 triệu lượt khách, cả nội địa và quốc tế; đạt 3,38 triệu đồng/đầu khách. Trong số 32,8 triệu khách nội địa, chắc chắn có khách tham quan Suối Tiên, Đầm Sen... 

Doanh thu đầu khách du lịch Thái Nguyên thấp nhất, chỉ 148.000 đồng người. Các báo cáo không hề có số liệu chi tiêu đầu khách, cứ tự sướng chạy theo lượng khách.

Du lịch hậu Covid-19 1
Chủ tịch Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng khăn choàng cho du khách ghé tham quan cà phê chủ tịch và văn phòng UBND tỉnh

Thiên hạ định nghĩa ngắn gọn “Du lịch là ra khỏi nơi cứ trú tối thiểu 24 giờ và sử dụng các dịch vụ du lịch như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, mua sắm, vui chơi…”. Theo định nghĩa này, số liệu khách nội địa dựa vào các cơ sở lưu trú địa phương.

Bụt nhà không thiêng

Khi báo cáo, các nhà quản lý cho rằng ra khỏi nhà là du lịch. Khi tổ chức lại nghĩ, du lịch là phải đi xa, ra nước ngoài với tâm lý “Bụt nhà không thiêng”. Ngành du lịch, đa phần chưa nắm hết tài nguyên du lịch tại chỗ, nhất là những đặc thù, tạo phong cách riêng.

Qua đêm mấy khách sạn tỉnh, hỏi nhân viên quê nhà có gì hay đi chơi, thường được giới thiệu qua tỉnh khác. Nhiều người trong ngành du lịch TP.HCM chưa hề đến Củ Chi, Cần Giờ, Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, đường sách, đi xe buýt Hop On Hop Off, du thuyền trên kênh Nhiệu Lộc và sông Sài Gòn… Bình minh, hoàng hôn và trăng thành phố cực đẹp, đặc biệt trên những dòng sông, con kênh và các tòa cao ốc.

Cảnh quan, phố xá cũng có hồn như người thân, quen quá hóa nhàm. Nhờ Covid-19, nên có thời gian gần gũi và phát hiện nhiều tính cách đáng yêu của người thân quanh mình. Chợt cảm thấy xấu hổ, vì sự vô tâm, hời hợt lâu nay. Không yêu quý người thân, làm sao hết lòng với dịch vụ du lịch? Chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách tới?

Du lịch hậu Covid-19 2
Chú bé Sen nhắc nhở không đeo bám chèo kéo du khách

Liên kết nội tại

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo về tầm quan trọng của việc liên kết với những lễ ký kết hoành tráng vùng miền và kết luận “thành công tốt đẹp”. Báo chí rần rần viết bài đăng ảnh. Ra khỏi hội trường, mọi thứ đều chung dòng họ “Vũ Như Cẩn”, vẫn chỉ là hô hào và lý thuyết, thiếu những cách làm cụ thể.

Liên kết là bản chất sống còn của du lịch. Không ai làm du lịch một mình. Khái niệm du lịch cộng đồng ra đời từ đó. Nền tảng của liên kết là tự nguyện và có nhạc trưởng. Du khách đến Thái Lan là của người Thái, sử dụng dịch vụ ở đâu cũng được, người Thái ra sức chiều chuộng. Không có chuyện đốt phong long, lườm nguýt, nói xấu nhau, gây khó dễ du khách…

Liên kết để tạo sức mạnh, thống nhất hành động, tăng giá trị sản phẩm, chia sẻ chi phí truyền thông, cùng "Win - Win"… Từ tháng 5/2020 - 12/2021, Quảng Ninh miễn, giảm giá vé các điểm tham quan vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, danh thắng Yên Tử; ngày thường 50%, các dịp lễ, Tết 100%. Hỗ trợ xe buýt hai chiều sân bay Vân Đồn - Hạ Long.

Ngày 2/4, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng đề xuất trích ngân sách tặng 10.000 voucher, mỗi voucher trị giá 500.000 đồng cho du khách để kích cầu thực tế. Tháng 3/2021, Đà Nẵng công bố hàng loại gói miễn phí cho các đoàn du lịch MICE. Nhờ sự đồng lòng các hộ dân và dám làm của nhà nước, Quảng Nam có làng rau Trà Quế độc bản. Nhờ liên kết, các homestay bản nghèo Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) năm 2019 đón hơn 20.000 lượt khách lưu trú (65% khách nước ngoài).

Liên kết bắt đầu từ hộ dân các làng nghề; các homestay, villagestay, gardenstay, farmstay cho đến các cơ sở lưu trú địa phương; trước khi tính chuyện liên kết vùng miền. Thay cho các hội thảo hoành tráng là những buổi tọa đàm thiết thực, có cách làm cụ thể.

Du lịch hậu Covid-19 3
Thác Bản Dốc in trên gối của khách sạn ở Cao Bằng

Xây dựng sản phẩm và quảng bá

“Ngon”“Đẹp” tùy khẩu vị, quan điểm từng người nhưng “Lạ” dễ thống nhất. Ai cũng thích lạ, “Một chút của lạ bằng mấy tạ của quen”. Lạ tạo phong cách, bản sắc nhưng hầu như chưa địa phương nào làm được. Quản lý ngành xuất thân cán bộ chính trị, nhãn quan và độ nhạy kinh doanh ít nhiều hạn chế.

Doanh nghiệp địa phương thiếu người đủ tầm làm sản phẩm đặc thù; trừ các tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC… và các đô thị như TP.HCM, Đà Nẵng. Sản phẩm du lịch vùng miền na ná nhau. Lữ hành copy tour, ít chịu đầu tư sản phẩm mới. Thiết kế sản phẩm là mũi đột phá của các ngành sản xuất, trừ du lịch. Thiết kế tour đáng lẽ là nghề riêng nhưng chỉ dạy hời hợt.

Nhờ Covid-19, tôi có dịp la cà khảo sát nội địa và ngạc nhiên vì sự phong phú, đa dạng tài nguyên du lịch các địa phương. Nguyên liệu có thừa nhưng thiếu những “đầu bếp” tâm huyết, thực tài. Nhiều tỉnh thành làm truyền thông lạc hậu, kém hiệu quả. Định hướng chiến lược chung chung, từ năm này sang năm khác.

Biểu tượng du lịch Đồng Tháp là chú Bé Sen ngộ nghĩnh, sống động, có mặt khắp nơi; nhắc nhở người dân và du khách hành xử văn minh. Đồng Tháp mời khách vào “Cà phê Chủ tịch” miễn phí, lãnh đạo tỉnh tiếp đoàn, tặng khăn rằn và gạo ST25 ngon nhất thế giới cho khách lưu trú qua đêm… Các điểm du lịch đều có tuyến xe buýt.

Du lịch hậu Covid-19 4
Hình Thiên Nhãn Sơn ở quầy lễ tân khách sạn tại Cao Bằng

Ở Cao Bằng, hình ảnh thác Bản Giốc được in trên gối rất ấn tượng. Thiên Nhãn Sơn (núi Mắt Thần), điểm đến mới được phóng lớn trên tường tiền sảnh. Những cách làm này cần được nhân rộng. Phải quy định sử dụng tỷ lệ hình ảnh du lịch địa phương mọi nơi, mọi lúc để quảng bá.

Cần làm ngay pano quảng bá, bảng chỉ đường tới điểm đến tại địa phương và vùng phụ cận. Hoàn chỉnh và cập nhật thông tin điểm đến, dịch vụ du lịch địa phương trên Google. Tận dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Intasgram…để marketing du lịch. Đừng để 4.0 là “không có gì cả”. Tư vấn du lịch cần được kiểm định bằng mô hình cụ thể và bảo hành dự án.

“Không thể giải quyết những khó khăn hiện nay bằng tư duy được hình thành cùng với những khó khăn đó” (Abert Einstein).