Niềm cảm hứng Make in Vietnam

Việt Hưng - 10:30, 31/01/2023

TheLEADERNăm 2019, tổng doanh thu lĩnh vực ICT chỉ đạt hơn 112 tỷ USD, với hơn 45.000 doanh nghiệp số, thì đến năm 2022, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19, con số trên tăng đến 148 tỷ USD và hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ.

Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ từng khởi xướng chính sách "Make in India" với hy vọng biến nước này trở thành công xưởng thứ 2 của thế giới sau Trung Quốc.

Ngay lập tức, chương trình "Make in India" đã thu hút được một lượng lớn vốn FDI, với mục tiêu là tạo ra được 90 triệu việc làm (từ 2014-2025), biến nước này trở thành quốc gia công nghệ số với nền công nghiệp ICT phát triển cao.

Trước đó, từ thập niên 1980, Trung Quốc đã cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng vươn lên trở thành công xưởng của thế giới ở nhiều lĩnh vực. Riêng lĩnh vực công nghệ số, từ thập niên 1990, nước này dồn lực mạnh mẽ cho 3 mảng: Công nghiệp công nghệ số, hàng không vũ trụ và công nghiệp quốc phòng.

Dù nội hàm vẫn là sản xuất trong nước nhưng Trung Quốc không dùng khái niệm "Make in" mà chọn khái niệm "Made in". Thậm chí, từ năm 2013, hàng hóa nước này xuất khẩu đều dùng song song 2 thương hiệu là: Made in China và Made in PRC.

Với Việt Nam, khái niệm "Make in Viet Nam" lần đầu được đưa ra tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất năm 2019 với chủ trương: "Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam".

Tuyên bố về Make in Viet Nam được đưa ra đã trở thành nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Qua 4 năm, khái niệm này đã trở thành khẩu hiệu quốc gia, định hướng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.

Make in Viet Nam đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, trở thành nguồn cảm hứng cho mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và thịnh vượng.

Niềm cảm hứng Make in Vietnam
Bộ trưởng Bộ TT&TT - Nguyễn Mạnh Hùng

Trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, sứ mệnh trở thành một trụ cột gánh vác nền kinh tế đang được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông giao trực tiếp cho cộng đồng các doanh nghiệp số Việt Nam. 

Năm 2019, tổng doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT chỉ đạt hơn 112 tỷ USD, với hơn 45.000 doanh nghiệp số, thì đến năm 2022, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, con số trên tăng đến 148 tỷ USD và hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số. 

Năm 2022 cũng là quãng thời gian ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về tỷ lệ giá trị Make in Vietnam trên doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT.

Theo đó, tỷ lệ giá trị Việt Nam năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Đã có khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.

Chẳng hạn, FPT đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc là doanh nghiệp Việt đầu tiên ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong lĩnh vực y tế.

Không chỉ giới hạn trong nước, chip của FPT được dự kiến sẽ có mặt ở thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật… vào năm 2023 cũng như mở rộng sang các lĩnh vực khác như chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh…

Đánh giá về tầm ảnh hưởng và hiệu quả của Make in Vietnam trong những năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT - Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây chính là sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Các doanh nghiệp công nghệ đã chuyển dần từ gia công sang làm chủ công nghệ, qua đó giúp giải quyết lớn những bài toán lớn của quốc gia, tiêu biểu là quá trình chuyển đổi số với các nền tảng số Make in Vietnam.

Viettel làm được thiết bị 5G đi ra nước ngoài với doanh thu trên 3 tỷ USD, VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ, FPT có doanh thu tại thị trường nước ngoài trên 1 tỷ USD, Zalo là ứng dụng Việt có số tài khoản cao hơn Facebook tại Việt Nam…

"Những doanh nghiệp này là ví dụ cũng như cảm hứng và tạo niềm tin rằng người Việt có thể làm được những điều lớn lao", Bộ trưởng chia sẻ.

Kể từ khi ra đời, phong trào Make in Vietnam không chỉ mang trong mình vai trò giải quyết những vấn đề của Việt Nam bằng công nghệ số do chính người Việt làm chủ mà còn có sứ mệnh lớn lao hơn đó chinh phục thị trường quốc tế.

Đây cũng chính là hướng đi bền vững, không chỉ giúp DN ICT mau chóng lớn mạnh mà còn khiến Việt Nam mau chóng trở thành quốc gia phát triển nhờ tiếp thu được kinh nghiệm thực tế từ quốc tế.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, việc tiến ra thị trường nước ngoài cũng đang là xu thế chung của doanh nghiệp Việt Nam. Ước tính, trong số hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số có khoảng 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế.

Như FPT, sau 23 năm phát triển ở thị trường nước ngoài, năm 2022 là năm đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD. Cũng chính nhờ sự vươn lên mạnh mẽ của FPT, hiện Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 2 trên bản đồ số, chỉ sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.

Hay như Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường ngoại với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD. Lĩnh vực mang lại doanh thu chủ đạo cho Tập đoàn này là viễn thông, trong 10 quốc gia góp mặt, Viettel đang giữ vị trí nhà mạng số 1 tại Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng là doanh nghiệp Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào...