Nỗi sầu đằng sau kỳ tích sầu riêng

Sơn Phạm - 17:11, 21/05/2024

TheLEADERNgành sầu riêng tăng trưởng nóng vô tình tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến cả người dân và doanh nghiệp.

Nỗi sầu đằng sau kỳ tích sầu riêng
Sầu riêng trở thành cây tỷ đô của nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Xuất khẩu sầu riêng năm ngoái tạo ra một kỳ tích mới ngành nông nghiệp với tổng kim ngạch hơn 2,2 tỷ USD. Bốn tháng đầu năm nay, sầu riêng vẫn giữ phong độ khi đạt hơn 500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 30% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đằng sau kỳ tích của trái sầu riêng, nhiều câu chuyện đáng buồn cũng được ghi nhận. Điển hình như Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) dù đã hỗ trợ hơn 3,7 tỷ đồng cho bà con nông dân trồng sầu riêng nhưng bị 80 – 90% nông dân hủy cọc, không bán hàng cho doanh nghiệp.

“Chỉ cần giá chênh nhau 1 ngàn đồng là nông dân sẵn sàng bỏ cọc”, ông Vũ Phi Hổ, Chủ tịch công ty Sarita, cho biết.

Dù không bị bỏ cọc, doanh nghiệp vẫn chưa thoát “kiếp nạn”. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nêu thực trạng một số nơi bà con nông dân không tuân thủ tiến độ thu hoạch, hái trái non để bán cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng của trái sầu riêng.

Bà Vy cho biết, trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp mất hàng trăm tỷ đồng vì bị hủy hợp đồng.

Đó là chưa kể đến những trường hợp sầu riêng vi phạm mã số vùng trồng hay vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía đối thủ như Thái Lan, Malaysia. 

Ở tầm vĩ mô hơn, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến cáo, diện tích trồng sầu riêng đang tăng mạnh, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch và đẩy sầu riêng vào tình trạng dư cung.

Có thể nói, dù vụt sáng trở thành ngành hàng xuất khẩu tỷ đô nhưng đằng sau trái sầu riêng vẫn còn nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Luật hóa quản lý sầu riêng

Theo bà Vy, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng rối ren trong thu mua sầu riêng xuất phát từ việc chưa có quy định pháp lý ràng buộc bà con nông dân vào các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hay tiến độ thu hoạch.

Trong khi đó, tại Thái Lan, đối thủ chính của Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng được quản lý rất chặt chẽ, thậm chí là luật hóa. Bà Vy đề xuất, cần nghiên cứu áp dụng giải pháp này đối với ngành hàng đặc thù như sầu riêng.

“Cần có những cơ chế quản lý riêng để bảo vệ và phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu sầu riêng”, bà Vy nhấn mạnh tại

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nhìn nhận một giải pháp khác là minh bạch giống cây trồng và truy xuất nguồn gốc. Theo ông Huy, các quy định này có thể trở thành bắt buộc đối với nhiều thị trường trong giai đoạn 5 – 10 năm tới.

Còn theo ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cần phải tăng cường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, thương lái và bà con nông dân. Bởi lẽ, khó khăn lớn nhất đặt ra cho ngành sầu riêng hiện tại là hiện tượng tranh mua, tranh bán, bỏ cọc, loạn giá, phá chuỗi liên kết.

Ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tại hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn Hoàng Trung nhìn nhận, cần phải nâng cao tư duy với cách làm ăn chân chính, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng liên kết chắc chắn.

Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải có những chế tài đủ mạnh để kiểm soát hoạt động xuất khẩu sầu riêng. Thứ trưởng cho biết, bộ sẽ đề xuất, tham mưu với Chính phủ để lồng ghép những quy định quản lý sầu riêng vào các văn bản quy phạm pháp luật.