Ông chủ nội thất D'Furni lách qua khe cửa hẹp vượt bão Covid

An Hạ - 08:00, 21/04/2021

TheLEADERTrong môi trường đầy cạnh tranh của ngành nội thất, khi các doanh nghiệp lớn đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường, D’Furni và Vũ Tiến Thập vẫn kiên định với chiến lược kinh doanh phân phối sỉ nội thất và từng bước gây dựng nên ba thương hiệu uy tín là Manager, O’Furni và Home’Furni.

CEO D’Furni: Thành công nhờ ”len lỏi” vào thị trường ngách
Ông Vũ Tiến Thập, CEO Công ty Cổ phần D’Furni

Từ “tay ngang” khởi nghiệp đến “người buôn” nội thất rời

Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư xây dựng tại Đại học Bách Khoa TP.HCM, ông Thập tay ngang dấn thân vào ngành từ cơ duyên nhập khẩu một container nội thất, rồi thành lập Công ty cổ phần D’Furni năm 2005.

Sau 2 năm lăn lộn thương trường, thương hiệu Manager ra đời, tạo ra một phân khúc ngách cho thị trường nội thất thời bấy giờ, đó là nội thất cao cấp dành cho các "sếp".

Với định hướng đánh thẳng vào mảng nội thất văn phòng dành cho lãnh đạo và doanh nghiệp, năm 2008 D’Furni tiếp tục cho ra mắt thương hiệu O’Furni, cung cấp dòng nội thất văn phòng dành cho các dự án quy mô lớn.

Khi xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam, để rút ngắn khoảng cách với khách hàng, thỏa mãn nhu cầu mua hàng chất lượng, giá hợp lý của giới trung lưu thành thị, siêu thị online nội thất gia đình Home’Furni ra đời với sự đột phá mới mẻ.

Từng bước mở rộng hệ thống phân phối trên cả nước, các thương hiệu của D’Furni dần chiếm lĩnh thị trường nội thất, từ các văn phòng công ty đến bệnh viện, siêu thị, rạp chiếu phim, hay các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn…

Không chỉ sản xuất và phân phối 3 thương hiệu riêng, D’Furni cũng là nhà phân phối độc quyền thương hiệu Beshtuhl - world class tại Việt Nam, một thương hiệu nội thất văn phòng hàng đầu của Hàn Quốc, phục vụ cho các lãnh sự quán và khách sạn 4 - 5 sao.

Chia sẻ về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, ông Thập cho biết, mô hình của D’Furni nhìn có vẻ phức tạp với line hàng rộng nhưng thực chất rất đơn giản, bởi D’Furni chỉ tập trung sản xuất và phân phối nội thất rời với số lượng lớn.

Đầu tư mạnh về khuôn mẫu, nhưng điều đặc biệt, D’Furni chỉ phân phối mẫu nổi tiếng chứ không phân phối thương hiệu nổi tiếng. 

"Chúng tôi lựa chọn cách đàm phán trực tiếp với các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới, chọn các mẫu phù hợp với thị trường Việt Nam để nhập về, phân phối độc quyền hoặc tự sản suất. Các mẫu này có hàm lượng chất xám cao và tính độc đáo vượt trội so với thị trường", ông Thập cho biết.

Cơ hội luôn tồn tại trong khó khăn

Gặp ông Thập tại showroom D’Furni trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), một siêu thị được bài trí ấn tượng, với những mẫu nội thất mang phong cách sang trọng kết hợp các mẫu cách tân hiện đại. Ông có vẻ thoải mái, dường như những khó khăn từ dịch bệnh không làm khó được ông.

Ông cho biết, khi dịch Covid-19 xuất hiện, nội thất cùng với hầu hết các ngành liên quan như xây dựng, địa ốc, giải trí... bị ảnh nặng nề, và D’Furni cũng không ngoại lệ. Phần lớn sức mua ở các ngành đều giảm mạnh, nhưng còn nhu cầu tiêu dùng thì vẫn còn cơ hội.

Ông quan niệm, mỗi doanh nghiệp một phân khúc, một hoàn cảnh, mình phải là người hiểu chính mình nhất và đủ sắc bén, linh hoạt, để tự cứu mình, cứu doanh nghiệp mình.

Để tồn tại, D’Furni đã chọn chiến lược lấy ngắn nuôi dài. “Tôi xác định rõ giai đoạn này không phải là giai đoạn của lợi nhuận mà là giai đoạn công phá các mục tiêu ngắn hạn cho phù hợp, bởi suy thoái kinh tế sẽ còn kéo dài”, ông nói.

CEO D’Furni: Thành công nhờ ”len lỏi” vào thị trường ngách 1
Mẫu ghế lười của D’Furni nhận được nhiều đơn hàng và phản hồi tích cực từ khách trong mùa dịch

Sau khi phân tích thị trường nội thất năm 2020, ông Thập đã quyết định cắt bỏ các “khúc ruột thừa”, tấn công vào các phân khúc lâu nay còn bỏ ngỏ như nội thất văn phòng tại nhà; hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ; và các kênh phối hiện đại nhằm phù hợp với xu hướng thay đổi của người tiêu dùng trong thời Covid.

Nội thất không phải là mặt hàng thiết yếu, do dịch bệnh, doanh thu trung bình của ngành nội thất năm vừa qua giảm 30-40% dù là nhà thầu hay bán lẻ. Nhưng dòng sản phẩm nội thất văn phòng tại nhà của D’Furni vẫn có lượng tiêu thụ rất tốt.

“Len lỏi” vào thị trường ngách

Kể về những chiêu kinh doanh trong thời Covid, ông cho biết, dịch bệnh bùng phát và kéo dài làm cho mọi người phải làm việc tại nhà, ai cũng cần không gian riêng tư và thoải mái. Trước giờ bàn ghế làm việc ở nhà khá đơn giản nhưng nếu phải ở nhà thời gian dài, khách hàng cần những sản phẩm thoải mái hơn.

Có thể nói, bán “Work from home” giao hàng tận nhà thì D’Furni là đơn vị khai thác triệt để. Ngay từ mùng 6 Tết Canh Tý, D’Furni đã tung các chương trình và gặt hái nhiều thành công khi thị trường còn im ắng, hầu hết các doanh nghiệp chưa vận hành.

Đầu tiên, O’furni “bấm nút” chạy chương trình “Word from home” - Ở nhà vẫn có quà, miễn phí giao hàng cho khách từ Quảng Bình tới Cà Mau.

Chương trình mua 1 tặng 1 cũng bùng nổ và thành công, doanh thu tính riêng từ kênh website đặt hàng của D’Furni trong vòng hơn 1 tháng bằng doanh thu cả một năm trước. Nhờ Covid mà công ty có khá nhiều tiền mặt. Nếu nói về sản lượng, doanh thu thì không đáng kể, nhưng bù lại, giải quyết được lượng hàng tồn của các mảng bị rớt doanh thu như dự án hay công trình lớn.

Theo ông Thập, đa phần người tiêu dùng Việt chưa có thói quen mua hàng trực tuyến, đặc biệt là khách hàng tỉnh. Ngay cả khách hàng tại TP.HCM hay các thành phố lớn, sản phẩm nội thất có giá trị nhỏ thì còn quyết định được, đồ lớn và giá trị cao thì phải đến xem tận nơi.

Nhưng khi dịch bệnh, buộc mọi người phải thay đổi phần nào thói quen mua sắm. Do đó, các kênh thương mại điện tử như facebook, youtube, website vỗn dĩ đã được công ty chuẩn bị cẩn thận, có nhận diện tốt với khách hàng, nhờ dịch lại phát triển mạnh hơn so với trước kia.

CEO D’Furni: Thành công nhờ ”len lỏi” vào thị trường ngách 2
Ông Thập kiểm tra sản phẩm ghế thư giãn tại xưởng sản xuất

Chương trình “Word from home”, mua 1 tặng 1 của D’Furni đã bùng nổ và thành công cả về việc làm thương hiệu lẫn việc giúp doanh nghiệp tăng thị phần trong và sau dịch, đặc biệt là đối với người tiêu dùng tỉnh.

Không chỉ mua sắm nội thất văn phòng cho nhu cầu làm việc tại nhà, nhiều gia đình cũng bắt đầu chăm chút hơn cho không gian sống. Khi dịch Covid bùng phát thì những thứ hoành tráng, xa hoa không còn nhiều, mà nhu cầu của từng cá nhân đơn lẻ lại tăng lên.

Từ ghế thư giãn, đèn đọc sách đến các thiết bị điện tử phục vụ giải trí ở nhà… được nhiều người mạnh tay chi tiền để phục vụ cho khoảng thời gian cách ly xã hội. Câu chuyện làm ghế lười của D’Furni cũng rất thú vị trong mùa dịch.

Mẫu ghế lười đầu tiên của công ty làm bằng vải kháng nước được tung ra thị trường vào đầu tháng 4/2020. Chiến dịch này thành công tới mức, không chỉ doanh nghiệp làm marketing mà khách hàng lại chính là người làm quảng cáo giúp doanh nghiệp, thậm chí, rất nhiều khách hàng có phản hồi tích cực và chụp ảnh sản phẩm thực tế gửi lại.

Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự độc đáo và cá tính trong sản phẩm. Để thỏa mãn được cá thể hóa nhu cầu là điều khó trong kinh doanh, bởi không nhà máy sản xuất công nghiệp nào lại muốn thỏa mãn từng nhu cầu đơn lẻ. Tuy nhiên, D’Furni đã làm điều này rất tốt trong đợt dịch vừa qua.

Một câu chuyện thú vị khác theo kiểu ‘bới việc ra làm’ mà ông cảm thấy cực kỳ tự hào, đó là D’Furni đã sản xuất không dưới 5.000 cái gối ôm quả bí trong năm 2020.

Khi tình hình kinh doanh tốt thì doanh nghiệp thường tập trung vào những cái lớn, không ngó ngàng tới cái nhỏ, nhưng khi khó khăn, dịch bệnh, ta lại lấy những cái nhỏ nhỏ để làm những thứ nhỏ nhỏ, bán vẫn có tiền. Giá bán không cao, lợi nhuận không nhiều nhưng điều quan trọng là tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên và làm trống được kho nguyên liệu vụn tồn. 

CEO D’Furni: Thành công nhờ ”len lỏi” vào thị trường ngách 3
Mẫu gối ôm quả bí nhiều màu sắc được D’Furni sản xuất từ nguồn nguyên liệu vụn tồn

Nhiều điều chuyển linh hoạt, dẫn đến nhân sự của D’Furni năm vừa qua không phải nghỉ việc ngày nào. Thậm chí với các đơn hàng ghế thư giãn, công ty không có thời gian để đầu tư làm poster, đơn hàng tới dồn dập, có khi hẹn 7 ngày giao, thợ phải tăng ca liên tục, chạy một mạch tới cuối năm. Bản thân ông cũng rời phòng làm việc của mình xuống xưởng để hỗ trợ mọi người và kịp theo dõi tiến độ.

Sau 1 năm sóng gió, làm việc cật lực, thành quả cuối cùng D’Furni đạt được là “3K”: Không giảm nhân sự - Không giảm lương - Không tăng giá sản phẩm; dù giá vốn tăng vì khan hiếm nguyên vật liệu, hay cước vận chuyển tăng phi mã…

Doanh thu của D’Furni năm 2020 không quá thấp nhưng lợi nhuận thì “te tua” - giảm tới 80%. Tuy nhiên, công ty vẫn chiến thắng trong việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là ‘chiến thắng oanh liệt’ về thị phần, nhà máy cũng được mở rộng diện tích gấp 3 lần.

Bắt đầu tham gia thị trường quốc tế

Hỏi ông về kế hoạch của công ty thời gian tới, ông cho biết, mô hình kinh doanh chuỗi bán lẻ ở Việt Nam đã thông dụng, nhưng chuỗi bán sỉ thì vẫn hạn chế. Kế hoạch sắp tới của D’Furni là hoàn chỉnh chuỗi trung tâm bán sỉ tại các thành phố lớn.

Đối với TP.HCM, sẽ mở hệ thống showroom trên các trục giao thông cơ bản. Đáng lẽ D’Furni mở thêm 2 showroom ở TP.HCM năm 2020 nhưng do dịch nên tạm hoãn và sẽ làm trong năm nay.

CEO D’Furni: Thành công nhờ ”len lỏi” vào thị trường ngách 4
Các công nhân tại xưởng D’Furni tất bật sản xuất đơn hàng ghế văn phòng xuất khẩu đi Mỹ 1/2021

Năm vừa qua, dù ảnh hưởng dịch bệnh, ngành nội thất vẫn tăng trưởng 15%, nhưng nguồn thu đến từ gỗ, nội thất gia đình và thủ công mỹ nghệ chứ không phải nội thất văn phòng.

Việc D’Furni có thể xuất khẩu được container ghế văn phòng cho dự án khách sạn 4 sao tại Mỹ vào đầu năm nay là một thành công lớn, cho thấy công ty đã chọn đúng phân khúc khác biệt và tận dụng tối đa các lợi thế có sẵn. Đây được xem là một bước ngoặt lớn cho nội thất ghế văn phòng của Việt Nam nói chung và D’Furni nói riêng, ông hào hứng chia sẻ.

Trong suốt 15 năm hình thành và phát triển, D’Furni định hướng là doanh nghiệp làm thương mại, với đối tượng khách hàng ở phân khúc cao cấp. Bước sang năm 2021, công ty sẽ mở rộng kinh doanh trên nhiều góc độ.

Muốn tăng trưởng thì phải mở rộng nhà máy; mở rộng các nhóm hàng bằng cách tự sản xuất; mở rộng các kênh phân phối… 

Đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu, và chỉ tập trung vào phân khúc nội thất văn phòng cho các công trình lớn chứ không xuất khẩu hàng đại trà. 

Dù đó là con đường nhiều chông gai, nhưng là cách để D’Furni tiếp cận khách hàng quốc tế hiệu quả nhất trong xu hướng chung của thị trường đường dài.