OPEC và Nga đạt được thỏa thuận giảm cung dầu

Hoàng Linh - 10:52, 01/12/2017

TheLEADERTổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của mình đã đạt được thỏa thuận về việc duy trì cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm 2018.

OPEC và Nga đạt được thỏa thuận giảm cung dầu
Chủ tịch OPEC, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih và Tổng thư ký OPEC trao đổi với báo chí. Ảnh: Reuters

Việc kéo dài chiến dịch cắt giảm sản lượng trên nhằm mục đích giành lại quyền kiểm soát thị trường toàn cầu từ ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ.

Quyết định được đưa ra sau cuộc thảo luận tại Vienna, Áo giữa những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cho thấy sức mạnh liên minh chưa từng có giữa Saudi Arabia với Nga. Quyết định này cũng khiến các nhà phân tích tại phố Wall trở nên bối rối khi trước đó từng dự đoán Moscow sẽ lưỡng lự trong việc tiếp tục duy trì.

Thỏa thuận này thậm chí còn được cam kết bởi cả Nigeria Libya khi mà trước đó hai quốc gia này thuộc diện được miễn trừ.

Tại cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid Al-Falih đã cho thấy tinh thần thống nhất, kề vai sát cánh bên người đồng nhiệm Alexander Novak của Nga và khẳng định "Chúng tôi hoàn toàn liên kết với nhau".

Kể từ khi thỏa thuận được bắt đầu một năm trước, lượng dầu tồn kho toàn cầu đã giảm xuống, thúc đẩy giá dầu tăng hơn 20 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, nhiều người đều cho rằng công việc này vẫn chưa thể hoàn thành.

Với việc kéo dài thời gian cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày thêm 9 tháng nữa, các nhà sản xuất dầu muốn khôi phục lượng dự trữ xuống mức trung bình 5 năm mà không làm thị trường quá nóng hay gây ra một đợt lụt dầu mới.

Phía Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ đều ủng hộ việc kéo dài thỏa thuận thêm cả một năm. Theo phân tích nội bộ của OPEC, các kho dự trữ dầu sẽ trở lại với mức trung bình 5 năm vào quý thứ ba năm sau.

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran - ông Bijan Namdar Zanganeh, Libya và Nigeria - hai nước trước đây được loại trừ cắt giảm sản xuất do cuộc xung đột nội bộ hiện đã đồng ý đưa ra mức hạn chế đối với sản lượng khai thác. Để đáp ứng với sự tham gia mới của hai quốc gia này, thỏa thuận hiện tại sẽ được thiết lập lại để có thể vận hành trong năm 2018.

Jan Edelmann - chuyên gia phân tích của ngân hàng HSH Nordbank tại Hamburg, Đức cho biết: "Sự tham gia của Libya và Nigera là điều ngạc nhiên tích cực nhất và nó sẽ loại bỏ sự không chắc chắn về nguồn cung trong năm tới".

Trước khi cuộc họp diễn ra, Nga đã tìm kiếm giải pháp về cách thức cũng như thời gian mà thỏa thuận sẽ kết thúc. Nga cần một sự rõ ràng nhất định so với hầu hết các nước thành viên OPEC do việc hoạch định chính sách kinh tế của quốc gia phức tạp hơn, bao gồm cả tỷ giá hối đoái thả nổi dao động với giá dầu.

Mặc dù đã đạt được thỏa thuận nhưng OPEC vẫn chỉ ra những thách thức cần phải đối mặt. Chính phủ Mỹ báo cáo sản lượng trong nước tăng mạnh trong tháng 9, đưa tổng lượng lên 9,48 triệu thùng mỗi ngày - mức tháng cao thứ tư kể từ đầu những năm 1970. Sản lượng dầu tăng mạnh ở Texas và New Mexico - nơi có lưu vực đá phiến Permian là động lực chính khiến sản lượng của Mỹ tăng nhanh.

Chỉ số Dịch vụ Dầu ở Philadelphia - nơi có 15 nhà thầu khoan dầu khác nhau đã tăng 1,8% tại New York, trong khi nhà khai thách đá phiến Pioneer Natural Resources và Continental Resources tăng hơn 2,5%.

Theo Leo Mariani - một nhà phân tích của Natalliance Securities, có khả năng các nhà khai thác ở Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong năm tới.