'Phải coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất nông nghiệp'

Hứa Phương - 14:15, 22/08/2019

TheLEADERNgành nông nghiệp đang được tái cơ cấu theo hướng liên kết sản xuất bền vững, coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất.

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý" do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tổ chức tại TP. HCM.

Theo thông tin từ ông Cường, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 2018 đạt hơn 40 tỷ USD, mục tiêu năm 2019 là 43 tỷ USD. Hiện bộ đang tái cơ cấu ngành theo hướng liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững, coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Từ tư duy đó nên bộ đã thành lập Cục chế biến và phát triển thị trường để xúc tiến việc này.

Đặt một câu hỏi, doanh nghiệp được bộ trưởng hứa đến thăm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (ngồi giữa) trong buổi hội thảo tại TP. HCM ngày 21/8

Hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50.000 nghìn doanh nghiệp gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó có khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Ba năm gần đây số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp 3 lần, trong đó có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. ‘Không phải tự nhiên các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, họ phải có niềm tin, thấy đầu tư đem lại lợi nhuận mới vào’, ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Cường, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xen lẫn khó khăn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Để nắm bắt thời cơ, cần có sự vào cuộc của những bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp. Trong đó Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò khá quan trọng. 

Tại hội thảo, khi nhận được câu hỏi của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với nội dung: "Làm thế nào để được EU công nhận thêm cà phê Gia Lai là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam?", ngoài việc bày tỏ sự ấn tượng đối với câu hỏi này và trả lời chi tiết, cặn kẽ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn hứa sẽ lấy địa chỉ doanh nghiệp từ người dẫn chương trình để đến thăm và làm việc trong dịp công tác ở Tây Nguyên vào tháng 9 tới.

Ông Cường cho biết, mục đích của chuyến thăm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sắp tới là để tìm hiểu cách sản xuất cà phê của công ty ra sao, có gặp khó khăn gì không? Đồng thời ông Cường cũng đề nghị công ty phải xây dựng ngay các bản kế hoạch gồm: Liên kết với người nông dân và phát triển vùng nguyên liệu sạch, mở rộng chế biến... Các kế hoạch này cần xong trước chuyến thăm và làm việc của ông với công ty.

Lý do đề nghị Vĩnh Hiệp xây dựng ngay các bản kế hoạch này theo ông Cường, để khi đến thăm, nếu doanh nghiệp gặp khó ở khâu nào, cần bộ hỗ trợ những vấn đề gì nằm trong quyền hạn quản lý nhà nước thì sẵn sàng hỗ trợ ngay.

Ông Cường cho biết, trong nội dung Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), phía EU đã công nhận Việt Nam có 39 sản phẩm chỉ dẫn địa lý. 

Những thương hiệu nông sản rất ngon của Việt Nam như: Hồng không hạt Bắc Kạn, Gạo bao thai Chợ Đồn... cũng được công nhận nhưng để khai thác hiệu quả từ việc công nhận này và mang lại giá trị cho người sản xuất, cho đất nước mới khó, ông Cường cho biết.

Cho nên, theo ông Cường, việc cần làm trước mắt là tổ chức sản xuất thật tốt, từ đó cho ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được những quy định và xuất khẩu số lượng lớn, giá cao thì mới đem lại giá trị cao. Đây chính là cách làm để biến việc được EU công nhận chỉ dẫn địa lý đó thành ý nghĩa lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Đối với cà phê Gia Lai, ông Cường lý giải, cây cà phê không phải bắt nguồn từ Việt Nam mà du nhập vào được hơn 100 năm. Ngoài Việt Nam, trên thế giới cũng có nhiều nước trồng cà phê. Nhưng quan trọng nhất trong việc xây dựng một thương hiệu hàng hóa là khi hội tụ đủ yếu tố để đưa ra sản phẩm có chất lượng hơn hẳn vùng khác. Việc này Việt Nam hiện đang làm tốt.

Đặt một câu hỏi, doanh nghiệp được bộ trưởng hứa đến thăm 1
Nhà máy chế biến cà phê ở Gia Lai của công ty TNHH Vĩnh Hiệp

Với cây cà phê thì Việt Nam đi sau nhưng trở thành nước đi trước về năng suất. Hiện Việt Nam có 650.000ha, năng suất bình quân 2,5 tấn/ha, tổng sản lượng cà phê hàng năm đạt 1,8 triệu tấn. Cá biệt như ở Lâm Đồng, có những hộ trồng cà phê đạt năng xuất 6 tấn/ha.

Dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đang bộc lộ một số điểm yếu đặc biệt là tỷ lệ chế biến thấp, mới đạt 12% tổng năng suất. Do đó, Việt Nam dù đứng thứ 2 thế giới về tổng sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị mang lại chỉ khoảng 3,8 tỷ USD/năm.

Nếu so sánh với chuỗi ngành hàng nước cà phê trên thế giới có giá trị 300 tỷ USD/năm thì con số 3,8 tỷ xuất khẩu cà phê của Việt Nam quá nhỏ bé. Việt Nam cần tham gia chuỗi giá trị này bằng cách tăng tỷ lệ chế biến.

Hiện nay trên thế giới không có loại thức uống nào mà ngon và sảng khoái như cà phê. Riêng đối với 100 triệu dân của thị trường nội địa cũng là tiềm năng lớn để các doanh nghiệp khai thác chứ chưa nói đến xuất khẩu, ông Cường nhấn mạnh

Đề cập đến thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân cũng mới chỉ biết uống cà phê và rất thích thứ đồ uống này, ông Cường cho rằng, đó chính là những tiềm năng khổng lồ, cơ hội lớn cho doanh nghiệp cà phê Việt 

Theo ông Cường, việc đăng ký thương hiệu mới chỉ là phần đầu, quan trọng hơn phía sau là việc liên kết sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ để cho ra sản phẩm có chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần liên kết lại để tăng sản lượng chế biến.

Hiện nay bộ cùng các cơ quan liên quan đang quyết liệt cùng doanh nghiệp làm. "Tôi lần nào vào Tây Nguyên cũng đi xuống một vài doanh nghiệp cà phê xem cách họ tổ chức sản xuất như thế nào, khó khăn ở đâu để nắm và tìm cách tháo gỡ. 

Câu đầu tiên tôi luôn nói là hối thúc doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhanh và nhiều lên, làm thật tốt để có chất lượng cao. Trình độ doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay thừa sức về quản trị, có khát khao và có thị trường rộng lớn tại sao không làm?", Bộ trưởng Cường nói.

Trao đổi với TheLEADER, đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, công ty thành lập được 26 năm, hiện trụ sở chính đặt tại tỉnh Gia Lai, ngoài ra còn có văn phòng đại diện, showroom ở Gia Lai và TP. HCM.

Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là chế biến và xuất khẩu cà phê. Thương hiệu cà phê Vĩnh Hiệp đang sở hữu là L’Amant café. 

Hiện Vĩnh Hiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu sạch với 42ha được chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra Công ty TNHH Vĩnh Hiệp còn liên kết với 10.000 hộ nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C.