Phát triển bền vững để làm gì nếu không vượt qua được khó khăn trước mắt?

Kiều Mai - 12:30, 31/05/2023

TheLEADERDù phát triển bền vững đã trở thành nhu cầu sát sườn, song câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp tự đặt ra lúc này là phát triển bền vững để làm gì nếu không vượt qua được khó khăn trước mắt.

Câu hỏi khó về phát triển bền vững

Theo một khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng mới thực hiện gần đây về khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối 2023, bức tranh kinh tế hiện nay đang có nhiều gam màu tối.

Cụ thể, trên 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng, hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay. Doanh nghiệp cũng thể hiện niềm tin thấp, khi hơn 81% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế.

Có thể nói, những con số này cũng tương đồng với những dự báo đã được đưa ra trước đó, về một giai đoạn “hậu Covid”. Đó mới là lúc doanh nghiệp thực sự “ngấm đòn”, khi nguồn lực dữ trữ đã cạn kiệt vì phải ứng phó với đại dịch.

Nhận định này được ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), đưa ra tại Lễ phát động chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững 2023 (CSI 2023) mới đây.

Theo ông Vinh, nếu như vài năm trước đây, doanh nghiệp còn mơ hồ, nghĩ về phát triển bền vững như một câu chuyện xa xôi, chỉ dành cho “các ông lớn”, thì bây giờ, câu chuyện đó đã trở nên sát sườn, thực tế hơn.

Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp lại một lần nữa đối mặt với câu hỏi “phát triển bền vững để làm gì?”, nhưng ở một góc độ khác là “phát triển bền vững để làm gì nếu chúng tôi không vượt qua được khó khăn ngay lúc này?”.

“Đây rõ ràng là một câu hỏi hết sức thực tế, buộc những người làm phát triển bền vững phải nhìn nhận lại, trăn trở hơn về cách thức làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi hơn 90% doanh nghiệp thuộc hạng vừa và nhỏ, bứt phá khỏi “bẫy tư duy” này”, ông Vinh phân tích.

Đi tìm đáp án

Vị chủ tịch VBCSD cho rằng, câu trả lời nằm ở cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ, “tiếp sức” kịp thời, đồng bộ, để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt.

Theo khảo sát của Ban IV, doanh nghiệp đã đề xuất hàng loạt các kiến nghị, như giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, tăng đàm phán thương mại để đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra, để giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Thoát khỏi ‘bẫy tư duy’ về tăng trưởng bền vững 1
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD.

Về phía doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng, trước hết, doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững.

Nếu nhìn vào những doanh nghiệp đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch xảy ra, như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO…, có thể thấy đó là những doanh nghiệp vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch, và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác.

Nếu nhìn vào xu hướng tiêu dùng và đầu tư hiện nay, có thể thấy đó là những xu hướng tập trung vào tính bền vững.

Đơn cử, cuộc khảo sát về thói quen tiêu dùng của PwC cho thấy, người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường, khi hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.

Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng, 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết xanh và sạch, hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Về phía các nhà đầu tư quốc tế, họ cũng muốn ưu tiên dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các dự án có định hướng bền vững.

“Như vậy, khi nhìn từ góc độ đó, doanh nghiệp sẽ thấy phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cùng với tư duy đó, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ xanh.

Điều này có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững, để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.

“Cũng giống như người ngư dân luôn thu được mẻ cá lớn sau cơn bão, doanh nghiệp khi kiên định với chiến lược phát triển bền vững, chắc chắn sẽ vươn mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau những thách thức trước mắt”, ông Vinh khẳng định.