Hàng nghìn doanh nghiệp muốn ngừng kinh doanh

Kiều Mai - 08:56, 27/05/2023

TheLEADERKết quả từ Ban IV cho thấy doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn, niềm tin của doanh nghiệp với nền kinh tế đặc biệt thấp.

Khó khăn bủa vây

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) mới đây đã gửi Thủ tướng kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp, và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong đó, Ban IV cho biết doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn, khi hơn 80% trong tổng số hơn 9.500 doanh nghiệp được hỏi cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có hơn 70% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó, hơn 1/5 dự kiến giảm hơn một nửa quy mô lao động.

Không chỉ vậy, gần 30% doanh nghiệp được hỏi cho biết dự kiến doanh thu giảm hơn một nửa. 

Hàng nghìn doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh
Dự kiến hoạt động của doanh nghiệp trong những quý còn lại của năm 2023 (%). Nguồn: Ban IV.

Đáng chú ý, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp, khi có tới hơn 80% có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4.2% các doanh nghiệp được khảo sát.

Hàng nghìn doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh 1
Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023 (%). Nguồn: Ban IV.

Tương tự, có đến gần 84% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó gần 1/3 ý kiến là rất tiêu cực.

Trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP.HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.

Ban IV cho biết khó khăn, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là khó khăn về đơn hàng. Theo sau đó là khó khăn trong tiếp cận vốn vay, thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Đề xuất giải pháp

Ban IV đề xuất bốn nhóm giải pháp hướng đến tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt, nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực để doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.

Thứ nhất là các đề xuất giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, như kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023.

Cùng với đó, chi phí lao động cần được giảm. Cụ thể, cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.

Ban IV cho rằng cần đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, tránh kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ “cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng”, và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế, nhằm tạo điều kiện cho số đông các đoanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Bên cạnh đó, đề xuất đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác...

Hàng nghìn doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh 2
Theo Ban IV, cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Nhóm thứ hai là các đề xuất để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, bao gồm đề xuất nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi, không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất.

Đáng chú ý, Ban IV kiến nghị cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt, vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, kiến nghị xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng.

Nhóm thứ ba là các đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như Hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính; đề nghị thay đổi Luật và quy định về đấu thầu.

Cuối cùng là các đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, bao gồm phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại vào việc phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu vào; nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro.