Phê với du lịch Hương Khê

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 09:33, 23/07/2023

TheLEADERHương Khê, là Suối Thơm, huyện miền núi Hà Tĩnh, giáp Lào, cách sân bay Vinh 79km, sân bay Đồng Hới 148km, Hà Tĩnh 42km, Hà Nội 380km, cửa khẩu Cầu Treo 91km. Diện tích 1.278km2, dân số hơn 110.00 người; gồm các tộc người Việt (Kinh) Thổ, Thái, Chứt, Lào, Hoa… Có đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, đường sắt Bắc Nam đi qua.

Tên gọi Hương Khê có phần xa lạ, nói chi du lịch, dù tài nguyên phong phú đến bất ngờ. Chỉ mấy ngày, nhóm khảo sát công ty Tư vấn Thương mại Dịch vụ Du lịch Cộng đồng Việt Nam đã giới thiệu bản đồ tài nguyên du lịch Hương Khê, làm ngỡ ngàng lãnh đạo huyện. Đặc biệt là tam giác tài nguyên du lịch 102 (Một Không Hai, không đâu có). Đó là Thác - Báu vật vua Hàm Nghi - Dó trầm.

Thác Vũ Môn và Khe Táy

Hương Khê có 2 thác nước thuộc Top “Ngũ danh thác Việt“, cao 200m, chỉ xếp sau thác Đỗ Quyên (Bạch Mã, Huế). Đó là thác Vũ Môn và thác Khe Táy, còn gọi là thác Thần và thác Tiên, khởi nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn ở độ cao trên 1.500m, biên giới tự nhiên Việt – Lào. Các lão nông tri điền Suối Thơm khẳng định “quê Rồng Việt ở Hương Khê“ với huyền tích “Cá chép hóa rồng” tại thác Vũ Môn, xã Phú Gia.

“Mồng Bảy cá đi ăn thề, mồng Tám cá về vượt thác Vũ Môn”. Ngày Tám tháng Tư, cá chép khắp nơi hội tụ, cùng nhau vượt thác. Con nào qua được, hóa rồng. Con nào rớt lại, thành tôm, phải đi giật lùi. Những ngày này, cấm tiệt phường chài buông lưới. Thác Vũ Môn mây mù dày đặc, không ai dám đến gần. Dân gian tin rằng, nếu ngày hội, trời mưa, nước thác lớn, cá hóa rồng nhiều, năm đó mùa màng bội thu. Ngược lại, đại hạn khốn khó, cần phương án phòng bị.

Thác cách điểm dừng xe 15km trekking. Đường đi vất vả, bù lại, cảnh đẹp hơn tranh. “Mục sở thị“ nơi rồng hóa thân là phần thưởng của những ai dám “Vượt qua chính mình“ ở độ cao 1.280m so với mực nước biển. Thác có 3 tầng nước liên hoàn. Tầng 1 khoảng 80m, tầng 2 gần 70m, tầng 3 hơn 60m. Chân Thác tầng 3 có hồ rộng chừng 350m2, độ sâu 1 – 1m4. Thời Pháp thuộc, toàn quyền Đông Dương dự tính lập khu nghỉ mát ở đây, cùng với Bà Nà, Sa Pa...

Phê với du lịch Hương Khê
Thác Tiên. Ảnh: Duy Anh

Đỉnh thác là vùng đất rộng khoảng 500ha (có 70ha đất bằng). Bên phải là núi Đỉnh Trụt, bên trái là núi Bắc Thang. Phải qua đêm với thác, mới cảm nhận hết sự kỳ thú của thiên nhiên mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng vùng đất Suối Thơm mê hoặc. Cách đó không xa, là thác Khe Táy, còn gọi là thác Tiên, cao khỏang 200m, dễ đi hơn thác Thần (Vũ Môn), trekking chừng 1km5 là đến chân thác.

Huyền tích kể rằng, thác quá đẹp nên thủa hồng hoang tiên nữ thường xuống tắm. Nay, các sơn nữ thi thoảng vẫn ra tắm tiên ở thác nên mới có thơ rằng “Vú đồng trinh sương ngậm. Em tắm suối một mình. Ta ngồi trong bụi rậm. Ong đốt, vẫn làm thinh“. Thác có 6 tầng, len lỏi giữa rừng nguyên sinh xanh mát, như nàng tiên quyến rũ giữa đại ngàn với 3 nhánh điệu đàng nên có người gọi là thác “Cả nhà thương nhau“ gồm ba, mẹ và con. Tôi đã đến tắm hai lần nhưng thác luôn mới mẻ như lần đầu, “đã không thể tưởng“ và “sướng không thể tả“.

Báu vật vua Hàm Nghi

Hàm Nghi (1871 – 1943), vị vua yêu nước với hịch Cần Vương và phong trào Văn Thân ngoan cường chống Pháp từ 1885 tại các địa bàn Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Người dân xã Phú Gia còn lưu giữ nhiều báu vật của vua ban tặng như voi vàng, voi đồng, vòng lục lạc đồng, nghê đồng đen, kiếm lệnh, và một số vật dụng khác được dân làng bảo trọng cẩn mật gần 150 năm qua.

Phê với du lịch Hương Khê 1
Các báu vật vua Hàm Nghi ở Phú Gia.

Báu vật là quốc bảo, cả làng vinh dự giữ gìn, hiện cất trong tủ sắt, sau bàn thờ vua Hàm Nghi. Hàng năm, dân làng Hạ Keo, chọn Cố đạo, người giữ chìa khóa báu vật, vào ngày mồng 7 Tết cách năm. Cố đạo phải là người gương mẫu về mọi mặt, trên 80 tuổi, còn đủ đôi song thọ, am hiểu tế tự, được thần linh uỷ thác.

Dân làng kiểm kê bảo vật, rước từ nhà Cố đạo cũ qua đền Trầm Lâm và thành Sơn Phòng, trước khi sang nhà cố đạo mới. Cố đạo “cấm xuống bếp nấu ăn, không làm việc đồng áng, ngủ riêng, giường kê sát nơi cất bảo vật. Thời loạn, các Cố đạo chủ làm đủ cách, từ đào hầm, khoét tường, đục thân cây, giấu bảo vật, nghiêm nhặt hơn bảo vệ mạng sống mình.

Thời nạn đói và dịch bệnh hoành hành, người chết như rạ, có Cố đạo người tham chiếm, đem voi vàng bảo vật qua Lào đổi 10 con trâu, bò. Trên đường về bị trâu húc chết. Người mua cũng đổ bệnh. Biết chuyện chẳng lành, người Lào đem voi vàng trả lại làng Phú Gia. Mãi đến năm 2000, huyện và tỉnh mới hay chuyện báu vật vua Hàm Nghi. Ngày nay, khách muốn chiêm ngắm báu vật, phải thành tâm nhờ Cố đạo trang nghiêm làm lễ xin keo, âm dương thuận hòa mới được.

Xã Phú Gia có ba đền di tích quốc gia. Đền Trần Lâm (rừng ẩn), còn gọi là miếu Trăm Năm, thờ Thiên muội (em Ngọc Hoàng), Đức Thánh mẫu Trầm Lâm. Trước đền có hồ nước bán nguyệt lớn, nghe đồn không đáy, nước quanh năm xanh trong, ổn định. Tương truyền, trong thời gian lập căn cứ địa ở Phú Gia, bị quân Pháp tấn công, vua Hàm Nghi chạy vào đền Trầm Lâm ẩn náu. Nửa đêm, thần linh báo mộng vua, nguy hiểm sắp đến.

Vua Hàm Nghi cùng các quan làm lễ tạ ơn, cảm ơn dân làng, rồi rút vào vùng núi Quảng Bình. Trước khi rời đi, vua Hàm Nghi ban sắc phong "Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Thần" cho miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng, Đền Công Đồng thờ hai vị Đức Đại Vương, Đại tướng có công đánh giặc giữ yên bờ cõi, khai sơn phá trạch chiêu dân lập ấp, lưu giữ 37 đạo sắc phong của các triều Lê - Nguyễn.

Thành Sơn Phòng đắp năm 1885, là đại bản doanh tập luyện quân sự. Thành kết cấu hình chữ nhật, rộng 200m, dài 210m (4,2ha); hướng Nam, bốn cạnh Đông - Nam - Tây - Bắc, với bốn cổng đối diện, ba cổng rộng 8m, cổng chính rộng 8m5. Tường cao 2m2, chân 9m, mặt 7m. Hào sâu 7m7, rộng 5m5; hiện được cải tạo thành kênh thủy lợi. Hào trước kia là đường thoát để vua và nghĩa quân rút ra sông Tiêm rồi vào rừng núi ẩn náu.

Phê với du lịch Hương Khê 2
Tượng vua Hàm Nghi tại nơi lưu giữ báu vật.

Đền thờ vua Hàm Nghi làm bằng gỗ, các mái thiết kế và trang trí nhiều họa tiết, hoa văn cách điệu. Đây là nơi vua Hàm Nghi phát hịch Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, chống Pháp. Đến viếng các đền thờ, nghe như hào khí Cần Vương sống dậy, trào dâng lòng yêu nước và biết ơn tiên tổ. Cám ơn dân làng Phú Gia mấy đời canh giữ vẹn toàn báu vật quốc gia.

Thủ phủ dó trầm Phúc Trạch

Làng cổ Phúc Trạch, nổi tiếng với thương hiệu bưởi Phúc Trạch, được Liên minh châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bản đồ số sản phẩm. Đó là chuyện ngày xưa, dù chỉ hơn mươi năm trước.

Nay, Phúc Trạch bạt ngàn dó, từ trong vườn nhà ra ngoài ruộng. Cây dó còn gọi là dó bầu, dó trầm (vì tạo ra trầm) thuộc họ trầm, chỉ có ở một số nước châu Á. Khi bị tổn thương, cây sẽ tiết ra tinh dầu để bảo vệ vết thương. Theo thời gian, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mưa gió..., chỗ vết thương tạo thành trầm có màu nâu đen. Cơ chế hình thành gần giống với ngọc trai.

Phê với du lịch Hương Khê 3
Vườn dó bầu ở Phúc Trạch.

Xưa, trầm trong dó tự nhiên vùng núi Hà Tĩnh khá nhiều nhưng ít ai biết giá trị. Sau 1975, dân Khánh Hòa (xứ Trầm Hương) và ngũ Quảng, Thừa Thiên ra thu mua, giá ngày càng cao. Có những chuyện “Ngậm ngải tìm trầm“ rất bi thương. Khoa học tiến bô, người dân thuần hóa dó, mang về vườn và đục lỗ chi chít quanh thân trưởng thành, xịt thuốc kích thích cây tạo trầm.

Cách làm này tàn nhẫn, hành hạ cây và trầm cũng kém chất. Gần đây, nhưng lão nông tri trầm và những người trẻ đã nghiên cứu, buộc cây dó tạo trầm theo cơ chế sinh học tự nhiên, không cần xẻo thịt dó và xịt thuốc tra tấn. Đặc biệt loại dó này chỉ chịu đất Phúc Trạch với những bí quyết chăm sóc cây rất riêng.

Phê với du lịch Hương Khê 4
Sản phẩm trầm thô sau khi loại bỏ thịt dó.

Dân trong nghề nhìn cây dó và ra giá, từ vài chục đến cả trăm triệu. Dó là cây làm giàu của Phúc Trạch, có người mấy chục ha. Cây dó trưởng thành, hạ thổ; được đục, khoét tẩn mẩn chi li để lộ trầm, phân loại theo chất lượng. Thứ bột tạp chỉ mấy chục ngàn mỗi ký nhưng trầm chất lượng có khi cả trăm triệu.

Phê với du lịch Hương Khê 5
Tỉ mẩn đục dó tìm trầm.

Hiện Phúc Trách chỉ có mấy hộ sản xuất nhang trầm, giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn mỗi cây nhang, tùy chất lượng. Các vòng đeo tay, đeo cổ, chuỗi hạt, tinh dầu trầm...cũng vậy. Chủ yếu là xuất thô cho các tỉnh Trung Trung bộ chế biến. Trầm có mùi thơm rất nhẹ. Thơm gắt, chính hiệu chất tạo mùi, hương liệu nhân tạo. Trầm có tác dụng thanh lọc không khí, khử mùi, hơn cả thần kỳ. Ngoài ra còn khử trùng, chữa vết thương và một số bệnh.

Trong cả trăm ngàn cây dó tạo trầm mới có một ít kỳ nam, loại trầm tuyệt đỉnh mà các đại gia Trung Quốc, Hàn, Nhật... săn lùng, được tính bằng gram và dùng cân tiểu ly. Giá kỳ nam hiện dao động trên dưới 50 tỉ mỗi ký, tùy trọng lượng và chất lượng.

Và nhiều thứ khác

Hương Khê còn có bảo tàng nông cụ ở xã Hương Bình, di sản của linh mục Nguyễn Đình Thi (1934 – 2010) và Hội Huynh Đệ Việt Nam. Khuôn viên hơn 6ha, xanh mát cây, cảnh quan đẹp nhưng xuống cấp vì thiếu kinh phí bảo trì. Đồi chè Hương Trà bình thường nhưng có điểm check – in ở Đông Trà ấn tượng. Các đền Trạng, thờ Bắc thành đại tướng quân Nguyễn Hữu Hộ (1768 – 1789); đền Trần Phúc Hoàn (1655 - 1731); đền Đại vương Dương Đô (không rõ năm sinh, mất 1676)...

Phê với du lịch Hương Khê 6
Phê với du lịch Hương Khê 7
Góc nhỏ bộ sưu tập nông cụ ở Hương Bình.

Khu di tích mộ 33 học sinh trường cấp 2 Hương Phúc, bị bom Mỹ giết hại ngày 09/02/1966. Khu di tích Sở chỉ huy Tiền Phương Tổng cục Hậu cần Đoàn 559 của tướng Đồng Sĩ Nguyên (1923 – 2019). Các hồ thủy điện và rất nhiều con đường xanh nông thôn mới trữ tình. Chợ Hương Khê, chợ huyện nhưng rộng đẹp như khu công nghiệp...Quá nhiều điểm có thể làm du lịch.

Phê với du lịch Hương Khê 8
Ở điểm check in Đông Trà, Hương Trà.

Hương Khê chỉ thiếu cách làm. Các dịch vụ ăn uống đều chưa chuẩn, điểm tham quan tự phát. Cần chuẩn hóa dịch vụ, chọn món ngon đặc trưng phục vụ du khách. Quan trọng nhất là có các điểm lưu trú đặc thù chuẩn quốc gia ở Phú Gia, Phúc Trạch, Hương Bình; nâng cấp dịch vụ khách sạn Đức Tài...

Được vậy, khách sẽ ở Hương Khê cả tuần để trekking rừng; chinh phục và tắm thác Thần, thác Tiên; viếng cụm đền vua Hàm Nghi với các báu vật trăm năm; trải nghiệm làng dó trầm, ngắm kỳ nam... Kết nối với Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Rất nhiều việc phải làm. Vấn đề là chọn lựa các nhà tư vấn thực tiễn, có mô hình kiểm chứng, dám đồng hành, bảo hành dự án và hỗ trợ tìm nguồn khách. Không thể tự làm kiểu “Gắp đồ ăn cho khách“. Làm sai, rất khó sửa.