Giá thịt lợn tăng vọt khiến CPI tháng 11 cao nhất trong 9 năm
Giá thịt lợn đã tăng 18,51% trong tháng 11, tác động CPI tăng 0,78%.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định giá thịt lợn sẽ đẩy lạm phát trong quý I/2020 tăng cao trên 4%. Do đó yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý II/2019 nhằm kiềm chế lạm phát cả năm 2020 dưới 4%.
Tại cuộc họp về kế hoạch điều hành giá trong năm 2020 hôm nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết công tác điều hành giá năm 2020 cần căn cứ thêm vào việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo thị trường, đồng thời xem xét dựa trên các khía cạnh xung đột thương mại và địa chính trị trên toàn cầu.
Công tác điều hành giá năm 2020 sẽ thách thức hơn năm 2019 nhưng Ban Chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% đến 3,91%.
"Mặc dù sức ép lên lạm phát còn nhiều, nhất là sức ép từ giá thịt lợn sẽ đẩy lạm phát trong quý I tăng cao trên 4% nhưng Ban Chỉ đạo nhận thấy hoàn toàn có khả thi khi để lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội”, Phó thủ tướng khẳng định.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV/2020; điều hoà cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm.
Về nguồn cung thịt lợn, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đảm bảo "không để thiếu thịt lợn. Nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay”.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tái đàn lợn an toàn sinh học, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát để lưu thông tốt thịt lợn giữa các địa phương, kiểm soát chặt buôn bán lợn, thịt lợn qua biên giới; có giải pháp dự phòng cung ứng thịt cho Tết Canh Tý và cả sau Tết; kiểm tra xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng cường thêm cung cấp thông tin từ cơ sở.
Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương trong năm 2020 hoàn thành sửa biểu giá điện hiện hành, điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường thế giới kết hợp với sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đất đai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đánh giá tác động của việc thay đổi khung giá đất theo Nghị định số 96.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ số CPI năm 2019 ước tăng 2,73%. Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong năm 2019 do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hằng năm như nhóm hàng tiêu dùng (thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch,...); giá nhiên liệu, chất đốt trong nước tăng theo giá thế giới;
Giá dịch vụ y tế năm qua điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng do nhu cầu và chi phí đầu vào.
Trong nửa cuối năm 2019, mặt bằng giá thịt lợn trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt sụt giảm.
Thêm nữa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến cho biết có hiện tượng găm hàng để tăng giá.
“Vừa qua, kiểm tra ở Bắc Giang, giá 140.000 đồng/kg mà người nuôi chưa bán. Hưng Yên thì là 160.000-170.000 đồng/kg cũng vậy”. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết từ tháng 1/2020, sẽ bắt đầu cung ứng thịt lợn từ tái đàn và tiếp tục nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu người dân.
Theo số liệu từ Hải quan, sau 11 tháng, Việt Nam đã nhập 111.000 tấn thịt lợn, tăng 108% về khối lượng và tăng 97% về trị giá.
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá là giá lương thực giảm; giá dầu, gas, viễn thông, đường giảm. Bên cạnh đó là kết quả từ công tác điều hành của cơ quan nhà nước.
Do đó, lạm phát năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây khi năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%, đồng thời thấp hơn mức dự báo của Ban Chỉ đạo từ đầu năm (3,3 - 3,9%).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nếu Bộ Y tế đưa chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thì CPI sẽ tăng ở trong mức 3,3 - 3,9%, vẫn trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện đưa giá dịch vụ công theo thị trường.
"Yếu tố lạm phát thấp sẽ tạo ra giá trị hơn cho mức tăng trưởng kinh tế trên 7% của năm nay", ông Huệ nhận định.
Hiện nay, để tích hợp chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế phải xác định định mức kinh tế - kỹ thuật của 9.000 loại dịch vụ. Tuy nhiên, Bộ mới xác định được định mức của 60 dịch vụ phổ biến nên chưa thể ban hành Thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2019.
Giá thịt lợn đã tăng 18,51% trong tháng 11, tác động CPI tăng 0,78%.
Tháng 10 có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ như tăng giá thịt lợn, giá xăng, dầu, giá gas, học phí... tăng giá.
Nguyên nhân do sự tăng giá của 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ như tăng học phí, giá gạp, giá thịt lợn, thiết bị và đồ dùng gia đình, ...
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, đóng góp 0,14% vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8.
Chuẩn bị thanh tra việc quản lý khai thác, kinh doanh đất hiếm, vonfram, bô xít tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Đắk Nông và một số doanh nghiệp.
Với sự tài trợ của Tập đoàn TH, 23 phao neo đã được thả tại Vườn Quốc gia Cát Bà, với tổng diện tích gần 34ha mặt biển được khoanh vùng bảo vệ.
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 1/1/2025 với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô, di sản văn hóa.
Vietnam Airlines được Quốc hội duyệt tăng vốn thêm tối đa 22.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nhu cầu sạc xe điện sẽ gia tăng áp lực lên sản lượng điện và công suất truyền tải, đòi hỏi Việt Nam phải tăng đầu tư cho ngành điện để đáp ứng.
Trong thời đại công nghệ số, trải nghiệm số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc, chinh phục khách hàng và kiến tạo tương lai vững mạnh.
Luật Địa chất và khoáng sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm siết chặt quản lý cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản.