PRO Việt Nam tiên phong trong công cụ chính sách EPR

Sơn Phạm - 11:55, 07/07/2020

TheLEADERỨng dụng công cụ chính sách Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) trên lĩnh vực bao bì sẽ là bước đi đầu tiên, tạo tiền đề cho việc phổ biến hóa EPR cũng như các quy định khác liên quan đến môi trường.

Tại Hội thảo Khung Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR), các đại diện đến từ Bộ Tài nguyên và môi trường, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam đều đồng quan điểm cho rằng công cụ EPR là giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để giải quyết bài toán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia cho biết, tuy các khái niệm về EPR đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 15 năm nay, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn rất lúng túng trong việc hiểu và ứng dụng công cụ chính sách này.

Tiến sĩ Fanny Quertamp, Cố vấn quốc gia tại Việt Nam thuộc Dự án "Suy nghĩ lại về Nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải đại dương" cho biết, sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong suốt thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là vấn nạn rác thải không được xử lý triệt để.

PRO Việt Nam tiên phong trong công cụ chinh sách EPR
Tiến sĩ Fanny Quertamp, Cố vấn quốc gia tại Việt Nam thuộc Dự án "Suy nghĩ lại về Nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải đại dương".

Theo bà Quertamp, áp dụng công cụ EPR cần phải được tiến hành từng bước, trên từng lĩnh vực cụ thể, bắt đầu là lĩnh vực bao bì – thứ chiếm phần lớn lượng rác thải rắn có thể tái chế.

Nguyên tắc áp dụng công cụ EPR cho lĩnh vực bao bì yêu cầu các nhà sản xuất nộp phí theo chủng loại và số lượng của bao bì. Khoản phí này được sử dụng để làm kinh phí cho công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và tái chế bao bì cũng như cung cấp thông tin hướng dẫn và khuyến khích phân loại, tái chế, tái sử dụng cho người tiêu dùng.

Tiến sĩ Fanny Quertamp nhấn mạnh, công cụ EPR không phải là một khoản thuế, phí của nhà nước. Ứng dụng công cụ EPR cần một bên đứng ra, có thể là nhà nước hoặc một tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất (PRO) để quản lý việc thực thi.

Công cụ EPR sẽ đem lại hiệu quả toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Về kinh tế, EPR tạo ra một cơ chế chung cho các doanh nghiệp cùng tham gia trong chuỗi giá trị bao bì. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết việc làm cũng như các ngành du lịch, sản xuất nguyên liệu thứ cấp cũng nhận được lợi ích.

Về mặt xã hội, công cụ EPR góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phân loại và xử lý rác thải đúng cách. Vệ sinh môi trường được cải thiện cũng làm cuộc sống của người dân khỏe mạnh và thịnh vượng hơn, cũng như nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của nhóm lao động hoạt động trong lĩnh vực tái chế cả chính thức (công nhân vệ sinh) và phi chính thức (đồng nát, làng nghề tái chế).

Về mặt môi trường, công cụ EPR thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng cũng như thiết kế bao bì thân thiện với môi trường, làm giảm thiểu những tác động tiêu cực như hiệu ứng nhà kính hay ô nhiễm đất đai, không khí và nguồn nước.

PRO Việt Nam tiên phong trong sử dụng công cụ EPR

Tại hội thảo, ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết, trong suốt 1 năm hoạt động, 13 thành viên của PRO Việt Nam có nhiều hành động mang tính thiết thực đóng góp vào sự thúc đẩy tái chế bao bì, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp thành viên đã tiến hành lồng ghép thông điệp liên quan đến thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế vào những sản phẩm quảng cáo, truyền thông của mình nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng bao bì và sản xuất thực phẩm, nhiều thành viên cũng có những cải tiến nhất định trong bao bì để thân thiện hơn với môi trường, ví dụ như việc bỏ màng co nắp chai trên sản phẩm của La Vie, Pepsi Suntory và Coca Cola, thiết kế bao bì liền khối và 1 chất liệu của Annam Group…

PRO Việt Nam tiên phong trong công cụ chinh sách EPR 1
Sản phẩm nước khoáng La Vie không còn sử dụng màng co nắp chai.

Tuy nhiên, ông Fausto Tazzi cũng cho biết, các hoạt động của Liên minh đang vấp phải nhiều khó khăn vì không đủ nguồn lực để chạy dự án thí điểm, đánh giá việc tiến hành các dự án và cạnh tranh với các lực lượng thu gom rác thải phi chính thức trên thị trường…

Điều này thể hiện sự phức tạp trong vấn đề tái chế rác thải ở Việt Nam, khi đến các doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường cũng phải thừa nhận khó khăn về nguồn lực.

Tuy nhiên, đại diện của PRO Việt Nam cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng, chìa khóa để khắc phục vấn đề này nằm ở công cụ chính sách EPR. Cũng từ đó, PRO Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ, từng bước liên kết và cùng nhau làm việc dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc ban hành và thực thi công cụ chính sách này.

Tại hội nghị tổng kết 1 năm hoạt động, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết, với sứ mệnh “Vì một Việt Nam Xanh – Sạch – Đẹp”, PRO Việt Nam hướng tới mục tiêu tái chế 100% tất cả bao bì được cung ứng bởi thành viên của Liên minh.

Cuối hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ ba bên giữa PRO Việt Nam với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhằm mục đích cam kết triển khai những hoạt động, dự án thí điểm về thu gom, tái chế rác thải và nâng cao nhận thức môi trường tại địa phương này trong thời gian tới.

PRO Việt Nam tiên phong trong công cụ chinh sách EPR 2
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ ba bên giữa PRO Việt Nam với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam.