Quản lý tài nguyên và môi trường còn nhiều vướng mắc

Thái Bình - 16:09, 01/01/2021

TheLEADERThông tin từ Bộ Tài nguyên và môi trường cho thấy không ít tồn tại, khó khăn của công tác quản lý tài nguyên và môi trường năm 2020 cũng như thời kỳ 5 năm vừa qua.

Quản lý tài nguyên và môi trường còn nhiều vướng mắc
Những năm gần đây, bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) liên tục bị sạt lở nghiêm trọng (Ảnh: monre.gov.vn)

Theo đó, không chỉ năm 2020 mà ngay từ năm đầu giai đoạn 2016-2020, ngành tài nguyên phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn.

Điển hình là nhiều tồn tại tích tụ từ trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa nhiều vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường; suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên; khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp; tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, cho thấy những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động toàn diện, sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia. 

Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dần và rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929 - 1933. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động quản lý ngành, là công tác thanh, kiểm tra về tài nguyên và môi trường.

Trong năm 2020, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid–19, ngành đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 theo hướng giảm bớt số lượng đối tượng thanh tra định kỳ; tập trung thanh tra đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chủ động chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Năm 2020, ngành đã tiến hành 816 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi 4.483 ha đất; phối hợp với các lực lượng liên quan như cảnh sát môi trường,... phát hiện xử lý gần 12.000 vụ vi phạm môi trường (giảm 4,26% so với năm 2019), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76,28 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn ngành đã kiến nghị thu hồi gần 22,55 nghìn ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát xử lý tình trạng vi phạm lãng phí đất đai, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp và triển khai sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; xử lý thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.

Thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa yếu tố đầu cơ, tăng nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước; trong năm 2020 ước đạt 168 nghìn tỷ đồng (vượt kế hoạch giao), đưa tổng nguồn thu trong 5 năm đạt gần 850 nghìn tỷ đồng, chiếm trung bình 11% thu ngân sách nội địa hàng năm.

Bên cạnh một số kết quả quan trọng đạt được, công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những thách thức cần vượt qua. 

Đơn cử, tình trạng khiếu kiện về đất đai có giảm mạnh nhưng vẫn còn những vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm; ở một số nơi còn tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, đầu cơ đất đai. 

Tình trạng suy giảm, suy thoái các nguồn tài nguyên còn xảy ra do hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt rửa trôi, xói mòn, ô nhiễm.

Tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn. Hiệu quả sử dụng nước còn ở mức thấp: mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đô la GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42USD, thấp hơn Philippin 2,58 USD.

Chất lượng môi trường nước tại một số đoạn trên các lưu vực sông lớn vẫn bị ô nhiễm, tập trung ở khu vực đô thị, khu dân cư, làng nghề. Chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa được cải thiện trong ngắn hạn.

Ngoài ra, lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên môi trường; tỉ lệ rác thải sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế còn thấp, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai rộng rãi. Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn lớn (hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý).

Được biết, hơn 10 năm trước, dự án phân loại rác thải tại nguồn (gọi tắt là 3R) được triển khai thí điểm tại TP. Hà Nội bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Một thời gian ngắn, dự án bị tạm dừng do chưa có sự chuẩn bị chu đáo, quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ.

Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng; sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung - ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Trong khi đó, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế; việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Cho đến nay, mới có giải pháp tổng thể, căn cơ đối với đồng bằng sông Cửu Long.