Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học

Hương Giang - 15:32, 31/07/2023

TheLEADERTài sản vô hình (tài sản trí tuệ) đang được nhận diện là yếu tố quyết định đến sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia. Trong môi trường giáo dục – nơi luôn đào tạo, sản sinh ra những tri thức mới, quản trị tài sản trí tuệ lại càng đóng vai trò quan trọng.

Quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học
Tài sản trí tuệ ngày càng trở thành một loại tài sản quan trọng trong các trường đại học, cơ sở giáo dục. Ảnh: Now

Hiện nay, một số trường đại học lớn trên thế giới đã đưa sở hữu trí tuệ vào giảng dạy hệ đại học, chuyên ngành sở hữu trí tuệ ở bậc sau đại học, thành lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ để quản trị tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đổi mới sáng tạo và khẳng định vị thế khoa học của các trường đại học.

Ở Việt Nam, quản trị tài sản trí tuệ vẫn khá mới. Tuy đã có một số trường đại học bắt đầu thành lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ, nhưng hoạt động vẫn còn lúng túng, chưa được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực như mong muốn.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự cạnh tranh diễn ra chủ yếu thông qua kiến thức, kỹ năng và hàm lượng trí tuệ chứa trong sản phẩm, dịch vụ. Quản trị tài sản trí tuệ do đó đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển của trường đại học.

Sự chuyển dịch về phương thức quản trị tài sản trí tuệ

Trong quá trình vận hành, thông qua các hoạt động giảng dạy và hoạt động đổi mới sáng tạo, các trường đại học đang tạo ra rất nhiều loại tài sản trí tuệ như: Tài liệu giảng dạy, luận văn, công trình nghiên cứu khoa học, phần mềm hoặc thiết kế bố trí...

Những tài liệu, tài sản trí tuệ này không chỉ thúc đẩy việc truy cập nhiều hơn vào các tài liệu học thuật, mà còn tạo ra sự xung đột lớn hơn về quyền sở hữu trí tuệ của các trường đại học. 

Vì vậy, các trường đại học cần có chính sách quản trị tài sản trí tuệ phù hợp để đối phó với khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tài liệu giảng dạy, tiếp cận thông tin học thuật và sử dụng tài liệu của các bên thứ ba.

Các trường cần đảm bảo các kết quả nghiên cứu được bảo vệ, quản lý hiệu quả để thúc đẩy quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Theo truyền thống, các trường đại học thường phục vụ xã hội bằng cách cung cấp sinh viên tốt nghiệp. Với sứ mệnh đó, các trường đại học thường công bố miễn phí các kết quả nghiên cứu của họ. Điều này có thể được xem là không tương thích với cách vận hành của những ngành công nghiệp đòi hỏi phải giữ bí mật thông tin và cần được bảo vệ bởi các quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như các sáng chế.

Vì vậy, các trường học cần đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu được bảo vệ, quản lý hiệu quả. Từ đó, hoạt động hợp tác, thương mại hóa các tài sản trí tuệ giữa các viện, trường với các doanh nghiệp bên ngoài mới diễn ra an toàn, hiệu quả hơn, đặc biệt là khi hợp tác với doanh nghiệp quốc tế.

Một số giải pháp quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học

Để quản trị được tài sản trí tuệ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần biết rằng, họ đang sở hữu những loại tài sản gì? Tồn tại ở đâu? Giá trị bao nhiêu? Ai cần chúng? Giải pháp nào quản lý tốt nhất để khai thác hiệu quả. Đây là những vấn đề cần quan tâm khi quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, ở trường đại học - cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới của thế giới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ sẽ có bốn mục tiêu chính.

Thứ nhất, quản trị tài sản trí tuệ để thúc đẩy việc tạo lập, nhận diện, chuyển đổi sản phẩm trí tuệ thành tài sản trí tuệ và đẩy nhanh tiến trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Điều này có thể hiện thực hóa thông qua việc đào tạo, hoạch định chính sách, nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học.

Thứ hai, quản trị tài sản trí tuệ để khai thác tiềm năng của các tài sản trí tuệ tại các trường đại học - nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ từ các trường đại học đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khác.

Thứ ba, thu hút nhà đầu tư cho hoạt động phát triển các tài sản trí tuệ thành các sản phẩm có thể lưu thông trên thị trường.

Để thực hiện được điều này cần có sự hỗ trợ của các công cụ quản lý nhà nước trong việc trao cho nhà đầu tư độc quyền khai thác, nhằm bảo vệ và đảm bảo nhà đầu tư có thể thu hồi vốn đầu tư một cách nhanh nhất qua quá trình đầu tư, tạo động lực phát triển cho xã hội và thu lợi nhuận.

Thứ tư, quản trị tài sản trí tuệ nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của nền văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Để làm được việc này, hệ thống giáo dục và các viện, trường cần tăng cường đẩy mạnh đào tạo kiến thức về bảo vệ, phát triển và khai thác sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả, từ đó xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao, hiệu quả và vững chắc cho tương lại.

Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Phụ trách đào tạo tập huấn Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ Đại học Quốc gia Tp. HCM, các trường học cần từng bước tiến hành việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đạm, các buổi tập huấn xây dựng văn hoá ứng xử thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học.

Những hoạt động này không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức, kĩ năng về sở hữu trí tuệ cho sinh viên mà còn cho toàn thể giảng viên, công nhân viên chức, cán bộ quản lý của trường nhằm thực hiện đồng loạt, không ngoại lệ.

Các trường cần xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ các nhà nghiên cứu nhận diện, phân loại và xác lập quyền, nhằm đảm bảo phần lợi ích thu về từ hoạt động thương mại hóa các tài sản trí tuệ.

Không chỉ vậy, các trường cần xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc nhận diện phân loại xác lập quyền, đảm bảo phần lợi ích thu về từ hoạt động thương mại.

Từ đó, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng thu hồi vốn từ tài sản trí tuệ, tạo động lực khuyến khích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu phát triển tài sản trí tuệ, gián tiếp góp phần vào hoạt động phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của đất nước.

Cuối cùng, các trường có thể thành lập một bộ phận chuyên trách để quản lý về sở hữu trí tuệ. Bộ phận này sẽ làm công việc ban hành các chính sách, biểu mẫu, quy trình để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu của trường đại học hoặc tìm kiếm nhà đầu tư.

Có như vậy, các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm mới có thể dễ dàng lưu thông ra thị trường và phục vụ xã hội.