Quảng Ninh bàn kế giữ ngôi vương PCI

Tùng Anh - 07:51, 30/05/2022

TheLEADERVới lãnh đạo Quảng Ninh, không thể hài lòng với kết quả hiện tại mà phải xác định cần nỗ lực nhiều hơn để có thể tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả.

Quảng Ninh bàn kế giữ ngôi vương PCI
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận cúp quán quân PCI danh giá lần thứ 5 liên tiếp.

Như thường lệ, không lâu sau khi có kết quả công bố bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI, phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022.

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Quảng Ninh đạt 73,02 điểm trên thang điểm 100, đứng đầu bảng xếp hạng. Đây là lần thứ năm liên tiếp Quảng Ninh nhận cúp quán quân, 9 năm nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng.

Theo đánh giá từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quảng Ninh là địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát dịch Covid-19. 

Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chất lượng điều hành kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng có những cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, Bí tử Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Cụ thể, dù đứng đầu cả nước, PCI năm 2021 giảm 2,07 điểm so với năm 2020. Một số chỉ tiêu dù tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách. 

Kết quả PCI 2021 cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương. Những tỉnh thành khác đang có lợi thế của “người đi sau” khi có thể tham khảo và áp dụng những cách làm hay, thực tiễn tốt sẵn có từ những tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong khi đó, một số lãnh đạo sở, ngành và cấp huyện ở Quảng Ninh cũng chưa thực sự thể hiện rõ sự tâm huyết, trăn trở đối với việc tìm kiếm các cơ hội mới để đổi mới sáng tạo, tiếp tục thay đổi về chất đối với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là các chỉ số liên quan tới doanh nghiệp và người dân. 

"Thực tế cho thấy, địa phương chưa tận dụng và phát huy tốt nhất các cơ hội tạo đột phá mới từ chính các mô hình Quảng Ninh đã tiên phong thực hiện, góp phần mang lại thành công PCI những năm qua như Trung tâm phục vụ hành chính công… để tạo ra sự chuyển biến về tốc độ và chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn", ông Ký nói.

Những kỳ vọng lớn hơn của người dân và doanh nghiệp về một chính quyền liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi trách nhiệm ngày càng cao của chính quyền, các sở ngành, nhất là liên quan tới những đòi hỏi về sự thay đổi trong chính bộ máy liên quan tới con người, công nghệ, quy trình và sự phối hợp liên thông giữa các ngành, các cấp trong hệ thống chính quyền địa phương.

"Phải tập trung vào người đứng đầu các cấp. Đây là tâm điểm của vấn đề, để tiếp tục tạo ra được đổi mới sáng tạo. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị phải đo đếm được bằng các con số, chỉ số. Những cam kết và những điều đặt ra thành mục tiêu phấn đấu chỉ có ý nghĩa mang tính ước lệ", ông Ký nói.

Những nỗ lực và năng lực cần được đo đếm đầu ra một cách căn cơ hơn, gắn với quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt. Lãnh đạo xác định chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách để cải thiện bền vững PCI. 

Đặc biệt, không bao giờ tự chủ quan, tự thỏa mãn mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình và của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo quy định với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”...

Với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ tiếp tục giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu đối với các chỉ số cải cách, nhất là chỉ số PCI.

Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện từ 73,02 lên 75,38 điểm, tăng 2,36 điểm so với năm 2021. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có sáu chỉ số trong nhóm năm tỉnh, thành phố dẫn đầu, trong đó có ba chỉ số đứng đầu cả nước.

Tuy nhiên, Quảng Ninh xác định, mục tiêu cao nhất không chỉ là giành điểm số, vị trí cao, mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương. Từ đó, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.