Quảng Ninh thúc đẩy tái chế chất thải xây dựng

Minh Nhật - 08:20, 26/12/2022

TheLEADERNhận thức được tầm quan trọng của hoạt động thu thập, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải xây dựng, trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập mục tiêu phát triển bền vững dài hạn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan của Nhật Bản trong việc thúc đẩy tái chế và quản lý hiệu quả chất thải xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội thảo quản lý hiệu quả và thúc đẩy tái chế chất thải xây dựng” tại tỉnh Quảng Ninh trong khuôn khổ dự án SATREPS.

Dự án SATREPS là dự án thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam. Đây đồng thời là sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam (1973-2023).

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, tỉnh đã thiết lập mục tiêu phát triển bền vững dài hạn, và nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động thu thập, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải xây dựng.

Tuy nhiên, việc ứng dụng các hoạt động này tại các địa phương còn hạn chế. Do đó, việc học hỏi từ mô hình dự án SATREPS và kinh nghiệm của Nhật Bản là nền tảng hữu ích cho tỉnh Quảng Ninh trong hành trình phát triển bền vững.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội và các chuyên gia dự án đã trình bày kết quả khảo sát quản lý chất thải xây dựng tại thành phố Hải Phòng, các đề xuất quản lý chất thải xây dựng bền vững, cũng như các chính sách và nghiên cứu khảo sát về tái chế chất thải rắn làm cốt liệu tái chế và vật liệu lát nền tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, GS.TS Kawamoto Ken (khoa Khoa học kỹ thuật sau đại học, Đại học Saitama) đã chia sẻ về “những điển hình trong quản lý và tái chế chất thải xây dựng tại tỉnh Saitama”. Tỉnh Saitama là tỉnh tiếp giáp thủ đô Tokyo. Ngoài Tokyo, tỉnh Saitama cũng là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong "sản xuất tiêu thụ vật liệu phế thải xây dựng tại địa phương”.

Giáo sư Takaomi Shigehara, Trưởng khoa kỹ thuật (nguyên Phó hiệu trưởng) Đại học Saitama, nhận định: “Tỉnh Quảng Ninh đã 5 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và có nhiều kinh nghiệm triển khai hiệu quả nhiều dự án ODA của JICA về cải thiện môi trường. Vì vậy, chúng tôi tin rằng tỉnh Quảng Ninh là một đối tác đáng tin cậy."

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã hợp tác và nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị phía Nhật Bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như xử lý chất thải. Trong đó, sự hỗ trợ của JICA cũng đã những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Vịnh Hạ Long.

Ông Kubo Yoshitomo, Phó trưởng dại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết: “JICA luôn dành ưu tiên cao cho các dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hoạt động xử lý chất thải rắn cũng luôn là trọng tâm của JICA trong quá trình triển khai dự án cũng như phái cử các chuyên gia về công nghệ và chính sách”.

Tại Việt Nam, cùng với sự gia tăng dân số, việc thay đổi chất lượng cuộc sống cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ… đã làm gia tăng chất thải rắn cả về mặt khối lượng và chủng loại, khiến dư luận xã hội rất quan tâm. Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn của Chính phủ đã chỉ rõ, để giải quyết vấn đề này, mỗi tỉnh thành cần lập quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn.

Nhằm quản lý hiệu quả và thúc đẩy tái chế chất thải xây dựng tại Việt Nam, dự án trên của JICA đã hỗ trợ ban hành hướng dẫn xử lý chất thải xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cụ thể đối với vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng. Những hướng dẫn này đã được MOC phê duyệt và dự kiến ​​​​sẽ được ban hành chính thức vào đầu năm 2023.

JICA sẽ tiếp tục hợp tácvới Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ thực hiện cam kết của Việt Nam đạt phát thảiròng bằng “0” (trung hòa các-bon) vào năm 2050.