Quốc Cường Gia Lai đã mua 32,4ha đất từ công ty Tân Thuận như thế nào?

Trần Dũng - 08:42, 21/04/2018

TheLEADERCông ty Quốc Cường Gia Lai khẳng định khu đất đã mua từ công ty Tân Thuận không phải là đất công và việc mua bán thực hiện theo giá thị trường.

Giữa năm ngoái, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 32,4ha đất ở khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.

Tuy nhiên, Văn phòng Thành ủy TP. HCM mới đây yêu cầu hủy hợp đồng mua bán với lý do việc chuyển nhượng không báo cáo cho tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo Quy chế quản lý tài sản của Thành ủy.

Trước dư luận cho rằng công ty Tân Thuận chuyển nhượng đất công với giá bèo làm thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, bên mua là Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục lên tiếng về những lùm xùm xung quanh thương vụ này.

Đất mua là không phải là đất công và không cần qua đấu giá?

Vừa cho rằng khu đất có diện tích 50ha, trong đó Tân Thuận đã chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai 32,4ha không phải là đất công, không phải là tài sản công mà là đất nông nghiệp, đại diện Quốc Cường Gia Lai vừa khẳng định việc chuyển nhượng không cần qua đấu giá.

Theo lập luận từ phía Quốc Cường Gia Lai, thửa đất không phải do Nhà nước giao đất cho công ty Tân Thuận quản lý, không phải đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, không phải là đối tượng đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý sử dụng.

Mặc dù là công ty có 100% vốn do Thành uỷ TP. HCM nắm giữ nhưng Tân Thuận đã dùng nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty là kinh doanh bất động sản để thương lượng đền bù trực tiếp với người dân.

Dẫn Điều 118 Luật Đất đai 2013, đại diện Quốc Cường Gia Lai cho rằng, các thửa đất chuyển nhượng không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và không thuộc các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điều luật này.

Phía Quốc Cường Gia Lai cũng khẳng định, công ty Tân Thuận không đủ năng lực tài chính để tiếp tục đền bù toàn bộ khu đất 50ha để có thể trở thành chủ đầu tư nên buộc phải bán khu đất đã đền bù.

Thanh minh thay cho công ty Tân Thuận, đại diện của Quốc Cường Gia Lai tiếp tục dẫn Nghị định 99/2015 cho rằng, để thực hiện dự án, doanh nghiệp phải đáp ứng hai điều kiện cốt lõi là đất quy hoạch phải được đền bù sạch 100% và năng lực thực hiện dự án phải đáp ứng được 20% vốn đối ứng trên tổng mức đầu tư.

Vì tổng mức đầu tư của dự án 50ha là 5.000 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu của Tân Thuận phải tối thiểu 1.000 tỷ đồng nhưng công ty chỉ mới đền bù 32,4ha và vốn điều lệ chỉ 126 tỷ đồng.

Theo phía Quốc Cường Gia Lai, Tân Thuận đã trình xin ý kiến của Thành ủy về việc chuyển nhượng và đã nhận được công văn chấp thuận chủ trương. Tới ngày 5/6/2017, Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng đất nhưng nửa năm sau, Quốc Cường Gia Lai lại nhận được công văn từ Tân Thuận về việc tạm dừng thực hiện hợp đồng đến khi có chỉ đạo của Thành ủy.

Ngày 9/2/2018, Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai đã ký phụ lục hợp đồng số 3 điều chỉnh giá trị hợp đồng.

1,9 triệu đồng/m2 đất, đắt hay rẻ?

Trong công văn gửi đến Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai khẳng định, tổng giá trị của công ty khi nhận chuyển nhượng các thửa đất rộng 32,4ha có tổng giá trị là 632 tỷ đồng (có VAT), tương đương với 1,9 triệu đồng/m2.

Ông Cường cho biết, Quốc Cường Gia Lai nộp thêm 170,8 tỷ đồng do nhận thấy giá đất 1,9 triệu đồng/m2 là giá đất được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở khi thực hiện dự án. Bên mua cam kết thanh toán chậm nhất vào tháng 12/2018.

Đồng thời, phía Quốc Cường Gia Lai cũng đưa ra một loạt những chứng cứ để khẳng định việc mua bán 32,4ha được thực hiện theo giá thị trường.

Đây là thửa đất đền bù không tập trung, da beo rất nhiều. Hiện tại, Tận Thuận mới đền bù được 32,4ha trong tổng số 50ha, Quốc Cường Gia Lai muốn được công nhận là chủ đầu tư thì phải tiếp tục đền bù thêm 32% đất da beo nữa với giá cao. Thời gian đền bù sẽ là rủi ro của công ty về chi phí phát sinh tăng giá thương lượng đền bù với người dân và chi phí lãi vay trong thời gian đền bù.

Chưa kể, gần 1ha đất ven song bị sạt lở, hơn 4,5ha hành lang an toàn lưới điện, hành lang bảo vệ rạch, các thửa đắt cách mặt tiền đường 75m không có đường vào.

Qua việc so sánh giá trị thị trường các thửa đất và các đánh giá trên, phía Quốc Cường Gia Lai cho rằng, đơn giá mà công ty đã đàm phán thành công và ký kết với Tân Thuận là phù hợp vào thời điểm đó và đặc điểm của khu đất.

Quốc Cường Gia Lai cũng đã nhận chuyển nhượng các thửa đất của người dân trong khu đất 50ha trong năm 2016-2017 với giá từ 2-2,5 triệu đồng/m2 cho các thửa đất có diện tích 1.000 – 2.400m2.

Cũng trong năm 2017, một khu đất đối diện lô đất của công ty Tân Thuận và có diện tích 10ha, đã bền bù xong 100%, có đường vào khu đất được chào bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá 2,2 triệu đồng/m2. Quốc Cường Gia Lai đã trả 1,8 triệu đồng/m2 nhưng chủ đất chưa đồng ý và hiện nay khu đất này vẫn đang chào bán với giá 2,8 triệu đồng/m2 nhưng chưa bán được. 

Liên quan đến việc Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 30 ha với giá 1,29 triệu đồng/m2, ngày 19/4/2018, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong việc chuyển nhượng đất; làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm; trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5/2018.