Quốc hội sẽ thông qua nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 10

Minh Anh - 17:33, 19/10/2020

TheLEADERKỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc vào sáng 20/10/2020.

Quốc hội sẽ thông qua nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 10
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết

Dự kiến chương trình làm việc, kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra trong 19 ngày và chia làm hai đợt. Đợt 1 từ ngày 20/10 - 27/10, Quốc hội họp theo phương thức trực tuyến. Đợt 2 từ ngày 2/11 - 18/11, Quốc hội họp tập trung tại hội trường Diên Hồng.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết như dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), liên quan đến các quyền cơ bản của công dân như dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 4 dự án luật gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên ngoài các vấn đề sẽ được trình xem xét, quyết định theo quy định của kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong cả giai đoạn 2016 - 2020; dự kiến các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là bàn thảo và quyết định các giải pháp phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2020 và xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2021. 

Quốc hội dành ưu tiên cho việc thảo luận và thống nhất các giải pháp để khôi phục nền kinh tế, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Bởi hiện nay tuy Việt Nam đã khống chế tốt đại dịch Covid-19 nhưng các nước trên thế giới vẫn chưa khống chế được, nên khó khăn, thách thức của năm 2021 vẫn còn rất lớn.

Theo ông Phúc, tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 2 - 3%, mặc dù rất ấn tượng nếu nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng rõ ràng, với mức tăng trưởng như vậy, nguồn thu bị giảm mạnh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, từ đầu tư phát triển thế nào, chi thường xuyên ra sao, sức chống chịu của doanh nghiệp trong nước đến việc làm của người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong điều hành của Chính phủ vẫn là sự linh hoạt, uyển chuyển và chủ động thích ứng với những chuyển biến khó lường của đại dịch Covid-19. 

Chính phủ vẫn phải sẵn sàng cho tình huống xấu là đại dịch toàn cầu này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021, thậm chí là năm 2022.