Số doanh nghiệp tiếp cập được gói hỗ trợ Covid-19 từ Chính phủ tăng mạnh

Nhật Hạ - 17:07, 13/12/2020

TheLEADERTỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Chính phủ tăng mạnh 10% kể từ tháng 6. Trong đó, các doanh nghiệp lớn có tỷ lệ tiếp cận cao hơn hẳn so với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo kết quả điều tra đợt 2 về tác động của đại dịch Covid-19 lên doanh nghiệp được Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, có 29% doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tăng mạnh 10% so với cuộc điều tra đợt 1 vào tháng 6, chủ yếu thông qua hình thức giãn thời hạn nộp thuế và các khoản khác.

Trong đó, các doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ hơn so với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Điều này phần lớn là do không đủ điều kiện được hưởng và khó xin.

Phân theo ngành, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp chế tạo có tỷ lệ tiếp cận cao hơn hẳn so với các ngành khác.

Theo WB, hai cản trở chính trong tiếp cận hỗ trợ của nhà nước là mức độ nhận biết về chương trình hỗ trợ này còn thấp và các thủ tục rườm rà kèm theo. Tuy nhiên, kể từ sau tháng 6, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh gồm cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, WB nhận định, tiêu chuẩn hưởng trong các chương trình này quá hẹp. Mặc dù các chương trình hỗ trợ đã được tuyên truyền và biết đến nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ mức.

Trong diễn đàn gần đây về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng cho rằng, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Lộc, đến ngày 27/11 mới có 75 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch.

Đến tháng 10/2020, số tiền hỗ trợ từ chính sách giãn, giảm thuế, tiền thuê đất chưa đến 100.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu phát sinh ở chính sách giãn nộp như tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong nước chiếm 76.100 tỷ đồng; còn chính sách miễn, giảm các loại thuế phí chỉ dừng ở mức 10.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo kết quả điều tra đợt 2 của WB, các doanh nghiệp đang hồi phục ở mức trung bình, nhiều doanh nghiệp đang mở cửa trở lại và mức sụt giảm doanh thu cũng giảm xuống. Số trường hợp phải cắt giảm giờ làm, giảm lượng khách hàng hay thiếu nguồn cung vật tư cũng giảm xuống.

Tuy nhiên, doanh số vẫn sụt giảm khá nghiêm trọng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tổng số việc làm vẫn chưa được phục hồi và còn thấp hơn nhiều so với thời điểm tháng 1/2020.

Số doanh nghiệp tiếp cập được gói hỗ trợ Covid-19 từ Chính phủ tăng mạnh
Doanh số vẫn sụt giảm khá nghiêm trọng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, có thêm 13% số doanh nghiệp hoạt động đầy đủ trở lại nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trở lại đến tháng 10 lên 94%. Trong đó, nhóm dịch vụ có tốc độ mở cửa trở lại cao hơn một chút so với các nhóm khác, mặc dù đây cũng là nhóm có tỷ lệ đóng cửa một phần hoặc toàn bộ cao nhất hồi tháng 6.

Tuy hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động dưới công suất so với trước đại dịch Covid-19. Khoảng 1/4 số doanh nghiệp vẫn phải cắt giờ làm việc. Tính trung bình số giờ lao động của các doanh nghiệp thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

2/3 số doanh nghiệp bị giảm doanh số bán hàng trong tháng 9 và tháng 10, tuy nhiên tình hình cũng đã cải thiện hơn hồi tháng 6.

Thêm nữa, WB cho rằng tình trạng phục hồi không đồng đều. Một số doanh nghiệp đã cải thiện doanh số nhưng nhiều doanh nghiệp khác thậm chí còn bị sụt giảm hơn cả hồi tháng 6. Các ngành bán lẻ, bán buôn và các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có tốc độ phục hồi nhanh hơn so với phần còn lại.

Tình trạng cắt giảm lao động đã giảm nhẹ nhưng hiện trạng việc làm nói chung vẫn không cải thiện so với tháng 6. Các doanh nghiệp vẫn phải áp dụng các biện pháp tạm thời như cho nghỉ phép, giảm lương, giảm giờ làm. Tuy nhiên, tỷ lệ số doanh nghiệp phải dùng đến các biện pháp này đã giảm mạnh.

Kết quả điều tra cho thấy cầu giảm là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm doanh số tại các doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu do số đơn hàng mới giảm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị thanh toán chậm, hủy đơn hàng.

60% các doanh nghiệp cho biết không thấy có sự thay đổi về mức độ cạnh tranh trên thị trường trong khi khoảng 1/4 cảm thấy sức ép cạnh tranh tăng lên so với năm ngoái, chủ yếu do cầu giảm. Một số tương đối lớn 16% doanh nghiệp còn thấy sức ép cạnh tranh giảm do một số đối thủ thoái lui. Các doanh nghiệp bị cạnh tranh thường chọn phương án giảm giá bán.

Chi phí sản xuất cũng diễn biến theo chiều hướng khác nhau. Trong khi tại 19% số doanh nghiệp chi phí sản xuất tăng khoảng 14% thì tại 13% số doanh nghiệp chi phí sản xuất giảm 20%.

40% doanh nghiệp gặp khó khăn do nguồn cung đầu vào giảm, và 10% phải hủy hợp đồng bán hàng do không đủ vật tư đầu vào. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do thời gian chờ đợi kéo dài hay gặp vấn đề về kho vận.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn ít gặp vấn đề về chuỗi cung ứng đầu vào hơn. Và các doanh nghiệp sử dụng vật tư nhập khẩu dễ bị tác động bởi gián đoạn chuỗi cung ứng hơn.

Trong bối cảnh mức cầu thấp hơn bình thường, thanh khoản trở thành vấn đề thường xuyên của doanh nghiệp. Khoảng một nửa số doanh nghiệp cho biết có đủ thanh khoản trong 3 tháng, trong đó 60% có đủ cho 6 tháng. Đối với các doanh nghiệp dịch vụ khác (không thuộc khối bán buôn, bán lẻ) thì thanh khoản là vấn đề nghiêm trọng nhất.

WB nhận định, tiếp cận nguồn tài chính vốn là vấn đề trầm kha tại Việt Nam, trở nên trầm trọng hơn nhất là khi doanh nghiệp đồng thời gặp khó khăn về thanh khoản. Trên 60% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính. Các vấn đề chính bao gồm lãi suất quá cao, rủi ro trả nợ và thiếu tài sản thế chấp.

Trong đó, các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu thường hay gặp khó khăn hơn khi muốn tiếp cận tín dụng

Kết quả điều tra còn cho thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường ứng phó đại dịch nhờ sử dụng các nền tảng số. Trong giai đoạn tháng 9 – 10, có gần 60% số doanh nghiệp thực hiện hoặc tăng cường sử dụng nền tảng số trong ứng phó Covid-19.

Dự báo về tình hình 6 tháng tới, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng doanh số và việc làm sẽ giảm. Tính trung bình các doanh nghiệp dự kiến doanh số sẽ giảm 11 – 51% và việc làm sẽ giảm 7 – 61% trong vòng nửa năm tới. Các doanh nghiệp quy mô vừa đưa ra dự đoán tiêu cực hơn các doanh nghiệp khác cả về doanh số và việc làm.

Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp hạ thấp dự báo trước đây của mình do doanh số thực tế giảm trong 3 tháng gần nhất. Trên thực tế, mức tăng trưởng tháng 9 – 10 thấp hơn nhiều so với dự kiến hồi tháng 6, các doanh nghiệp tiếp tục bị giảm sút doanh số trong tháng gần đây nhất lại càng cảm thấy bi quan hơn.