Số hóa và kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

Phạm Sơn - 12:45, 20/05/2021

TheLEADERSố hóa là công cụ quan trọng để củng cố nền kinh tế tuần hoàn. Ở chiều ngược lại, các nguyên tắc tuần hoàn cũng cần phải được coi là trọng tâm của số hóa.

Số hóa và kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh. Ảnh: MPI.

Đại dịch Covid-19 hay các tác động khủng khiếp từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang khiến thế giới phải nghiêm túc nhìn nhận lại mô hình sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Nhu cầu cắt giảm phát thải, tăng cường sức chống chịu để hướng tới phát triển bền vững đang đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, trong khuôn khổ Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 142, phiên họp trực tuyến của Ủy ban Thường trực về phát triển bền vững đã được tổ chức, với sự tham gia của đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia. Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh đại diện cho đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự.

Tại sự kiện, các đại biểu đã thống nhất thông qua nghị quyết của IPU với chủ đề Lồng ghép số hóa và kinh tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), đặc biệt là tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm.

Trong đó, nghị quyết tái khẳng định cam kết thúc đẩy thực hiện các cam kết về 17 mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự 2030, kêu gọi các quốc gia cùng hành động để đạt được các mục tiêu này.

Nghị quyết nhấn mạnh sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm với mô hình kinh tế tuần hoàn là yếu tố then chốt cho các mục tiêu phát triển bền vững, giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu lãng phí, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

Cùng với kinh tế tuần hoàn, số hóa cũng đang nổi lên như một xu thế của nền kinh tế toàn cầu. Theo IPU, ứng dụng các thành tựu số hóa cũng rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua sử dụng các nguồn lực đầu vào một cách hiệu quả.

Nghị quyết của IPU khẳng định số hóa là công cụ quan trọng để củng cố nền kinh tế tuần hoàn. Ở chiều ngược lại, các nguyên tắc tuần hoàn cũng cần phải được coi là trọng tâm của số hóa.

Các thành tựu công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), in 3D hay công nghệ chuỗi khối (blockchain) chính là “công nghệ bắc cầu” để thực hiện chuyển đổi số đồng thời tuần hoàn hóa nền kinh tế.

Bên cạnh bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn và số hóa cũng hỗ trợ đắc lực cho các mục tiêu phát triển bền vững khác như xóa đói, giảm nghèo và trao quyền cho phụ nữ.

Tham luận tại phiên họp, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của IPU về việc lồng ghép số hóa và kinh tế tuần hoàn vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đóng góp ý kiến để thực hiện nghị quyết của IPU, Việt Nam cho biết, các nghị viện thành viên cần có biện pháp nâng cao nhận thức chung, từ Quốc hội, các cấp chính quyền tới người dân.

Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến, công tác giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng để trang bị kiến thức và hình thành thói quen tiêu dùng có trách nhiệm cho toàn xã hội ngay từ sớm. Cùng với đó, cần đưa kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ số trở thành nội dung cơ bản của giáo dục ở mọi cấp độ.

Để nghị quyết đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển bền vững, Việt Nam kêu gọi IPU cùng các thành viên nỗ lực củng cố mỗi quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về kinh tế tuần hoàn và số hóa, xây dựng khung hướng dẫn cho các hành động của nghị viện.