SSI dự báo tích cực về thị trường chứng khoán năm 2020

Trần Anh - 09:37, 15/01/2020

TheLEADERTheo các phân tích của Công ty chứng khoán SSI, dù ở kịch bản nào thì kinh tế Việt nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt nam nói riêng vẫn sẽ ở trong trạng thái ổn định hướng đến tích cực trong năm 2020.

Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI) vừa đưa ra dự báo khá lạc quan về thị trường chứng khoán trong năm 2020. Theo SSI, VNIndex khởi đầu năm 2020 với mức P/E 15,9 lần, thấp nhất kể từ tháng 2/2019. Với mức định giá tương đối hấp dẫn và VNIndex đã đi ngang trong một thời gian dài, hiện đang có nhiều cơ hội hơn cho thị trường chứng khoán khi bước sang năm mới.

Những yếu tố thuận lợi thúc đẩy thị trường nằm ở kinh tế tăng trưởng ổn định, giải ngân đầu tư công tăng tốc, xu hướng giảm lãi suất hỗ trợ về mặt định giá cũng như tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp

Tăng trưởng GDP đạt trên 7% năm thứ 2 liên tiếp là một minh chứng cho thấy chính sách kinh tế của Việt nam đang đi đúng hướng. Nghị quyết 10/2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã bắt đầu tạo “trái ngọt”. Tăng trưởng vốn đầu tư của khối tư nhân trong năm 2019 đạt 17,3%, gấp đôi tăng trưởng của khối FDI và gấp 4 lần tăng trưởng của khối nhà nước.

Sự vươn lên của khối kinh tế tư nhân Việt nam đã kéo tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước lên 17,7%, cao hơn nhiều so với mức 4% của khối FDI. Đây là cơ sở để tăng giá trị xuất siêu, tạo nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp bình ổn thị trường tiền tệ. Trong các năm tiếp theo, sự vươn lên của khối kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục là gia tốc quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Đây cũng là một câu chuyện mới, đủ sức hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau một vài năm tăng chậm và không đạt kế hoạch, giải ngân đầu tư công sẽ được thực thi quyết liệt hơn trong năm 2020. Những rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng sẽ được tháo gỡ để khơi thông dòng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ. Đây là động lực tăng trưởng cho không chỉ kinh tế mà trực tiếp cho nhiều nhóm ngành trên thị trường chứng khoán như xây dựng và vật liệu xây dựng.

Định hướng giảm lãi suất của Chính phủ đã được triển khai ngay từ cuối năm 2019 và sẽ còn tiếp tục trong năm 2020. Thời gian lãi suất giảm trong năm 2019 là khá ngắn, chưa đủ để có tác động đến kinh tế và doanh nghiệp. Sang năm 2020, khi lãi suất giảm liên tục và kéo dài, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà tâm lý thị trường cũng sẽ được củng cố. Hai yếu tố tăng trưởng và lãi suất của Việt nam sẽ hòa nhịp với xu hướng chung của thế giới, tạo nên sự khởi sắc của thị trường chứng khoán.

Những thành quả thu về nhờ chính sách đúng đắn đang tạo cơ hội cho thị trường trong nước có cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài.

Thời gian gần nhất khi dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi là từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019 với tổng cộng gần 40 tỷ USD. Sau 3 tháng căng thẳng thương mại, tuyên bố đình chiến giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là điểm khởi đầu cho tâm lý tích cực và dòng vốn đảo chiều.

Bối cảnh hiện tại gần như tương đồng. Mỹ và Trung Quốc gần như chắc chắn có thỏa thuận giai đoạn 1. Dòng vốn vào cổ phiếu bắt đầu có sự phân hóa giữa thị trường phát triển và thị trường mới nổi. Vào tuần cuối tháng 12, có tới 23,6 tỷ USD rút khỏi thị trường Mỹ, mức cao nhất trong 1 năm. Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu tại các thị trường mới nổi ghi nhận có 21,2 tỷ USD trong 9 tuần liên tiếp trong đó điểm đến chủ yếu là các quỹ toàn cầu (GEM) và khu vực Châu Á (ngoại trừ Nhật Bản). Đây là yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam.

Khảo sát hàng tháng của Bank of America Merrill Lynch (BAML) cho thấy các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đã lạc quan hơn. Tỷ trọng phân bổ tài sản đầu tư vào cổ phiếu đã tăng liên tục trong 4 tháng khảo sát gần nhất, từ 12% lên 31% – mức cao nhất trong năm 2019.

Bên cạnh dòng vốn được phân bổ theo chiến lược đầu tư toàn cầu, thị trường Việt nam trong năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều ETF mới mô phỏng chỉ số VN30 cũng như bộ 3 chỉ số mới của sàn HOSE. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang được FTSE cân nhắc nâng hạng và chỉ còn một tiêu chí về thanh toán chưa thỏa mãn.

SSI đánh giá, nếu có những bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện này thì các nhà đầu tư nước ngoài rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vào Việt nam.

Trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế, những thay đổi có thể tạo ra chuyển biến lớn trong nền tảng kinh tế hay thị trường chứng khoán sẽ là một câu chuyện hấp dẫn. Vào năm 2015 khi Trung Quốc có khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng tiền nước ngoài đã ồ ạt đổ vào nước này. Cuối năm 2016, Brazil có tổng thống mới theo đường lối “thân thiện” với doanh nghiệp, tương tự như ở Mỹ với tổng thống Donald Trump. Điều này đã thúc đẩy dòng vốn đổ về Brazil và Mỹ trong năm 2017. Đối với Việt Nam, kết hợp câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân với nâng hạng thị trường sẽ tạo được sự khác biệt và vì vậy có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi bối cảnh chung không thuận lợi.

Chỉ ra nhiều điểm thuận lợi, SSI cũng cho biết thị trường chứng khoán sẽ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Tâm điểm là sự bất định của các yếu tố quốc tế mà căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran trong những ngày đầu năm là một ví dụ. Sự bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài. Khác với Iran, Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đến vị thế của Mỹ trên toàn cầu nên quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều sóng gió. Ở trong nước, nhiều điểm yếu của nền kinh tế vẫn còn tồn tại. Việc Moody hạ triển vọng tín nhiệm của Việt nam đã bộc lộ ra một trong những điểm yếu đó.

SSI dự báo, kịch bản cơ sở cho thị trường năm 2020 là VNIndex sẽ nhiều nét tương đồng như năm 2019, sôi động trong khoảng thời gian đầu năm và sau đó lắng dịu. Khả năng giảm sâu dưới vùng tích lũy 950-1000 là rất thấp trừ phi các căng thẳng quốc tế ở Trung Đông và quan hệ Mỹ - Trung leo thang không kiểm soát.

Kịch bản tích cực với xác suất xảy ra cao hơn là sau thời gian tích lũy, các yếu tố hỗ trợ trong nước bao gồm tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, xu hướng giảm lãi suất cộng hưởng với các yếu tố hỗ trợ bên ngoài sẽ khiến thị trường hưng phấn, tạo thêm sóng mới cho VNIndex vào cuối năm.

Dù ở kịch bản nào thì kinh tế Việt nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt nam nói riêng vẫn sẽ ở trong trạng thái ổn định hướng đến tích cực. Một nền tảng kinh tế vững chắc đang dần được bồi đắp và vì vậy sự đi lên chậm rãi của chỉ số lại là điều cần thiết, giúp tránh các rủi ro không đáng có do thị trường tăng nóng.

Ngoài mối quan tâm về xu hướng, thị trường chứng khoán còn có vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Sự ổn định, đi lên vững chắc của thị trường chứng khoán sẽ duy trì và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từ đó gia tăng dòng tiền, yếu tố then chốt cho sự thành công của thị trường.