Starbucks Việt Nam dự kiến đạt mốc 100 cửa hàng trong 2023

Quỳnh Chi - 13:45, 04/01/2023

TheLEADERMô hình của Starbucks Việt Nam tiếp tục hướng đến sự tinh gọn, tìm kiếm thêm các mặt bằng tại các khu đô thị mới, cao ốc và các cộng đồng địa phương.

Starbucks Việt Nam dự kiến đạt mốc 100 cửa hàng trong 2023
Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam

Năm 2022, Starbucks Việt Nam tiếp tục mở rộng sự hiện diện của thương hiệu cà phê Mỹ trên dải đất hình chữ S. Đến nay, thương hiệu này đã có 87 cửa hàng, tập trung tại Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Bình Dương. Trong đó, TP.HCM có 50 cửa hàng và Hà Nội có 24 cửa hàng.

Sau tròn 10 năm hiện diện tại Việt Nam, Starbucks xác định mục tiêu ở giai đoạn “bình thường mới” là tiếp tục tìm kiếm giải pháp phù hợp, tăng số lượng khách hàng đồng thời tối ưu chi phí.

Định hướng của Starbucks Việt Nam là mở những cửa hàng có diện tích vừa phải có thể cho khách hàng ngồi thưởng thức cà phê cùng gia đình và bạn bè hoặc phục vụ khách hàng chỉ mua đi. Mô hình của Starbucks Việt Nam hiện hướng đến sự tinh gọn, tìm kiếm thêm các mặt bằng tại các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương để có thể mang trải nghiệm Starbucks đến với nhiều khách hàng hơn nữa.

Chia sẻ về mục tiêu của Starbucks tại Việt Nam trong năm 2023 nói riêng và lâu dài, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam nói: “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doang tại những nơi mới ngoài những thành phố đã đặt chân đến”.

Mục tiêu của Starbucks Vietnam trong năm 2023 là mở cửa hàng thứ 100 sau tròn một thập kỷ thương hiệu cà phê Mỹ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2013 ở ngã sáu Phù Đổng (quận 1, TP.HCM).

Từ chối nhận định về động thái đóng cửa của nhiều hãng đồ uống trong thời gian qua, bà Marques cho rằng mỗi thương hiệu sẽ đưa ra các quyết định dựa trên đặc điểm và tình hình kinh doanh của riêng thương hiệu đó. Còn với Starbucks, hãng luôn cố gắng vận động và nghĩ đến câu hỏi “có thể làm gì tốt hơn” trong từng bối cảnh khác nhau, cho dù là khủng hoảng.

Chẳng hạn, Starbucks Việt Nam đã có bước tiến mới sau Covid-19 trong hoạt động thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử, giúp việc thanh toán của khách hàng trở nên thuận tiện hơn. Ngoài thẻ ngân hàng, thẻ thành viên Starbucks Rewards hay tiền mặt, khách hàng còn có thể sử dụng mã QR để thanh toán ở các cửa hàng Starbucks Vietnam với hai đối tác lớn trong ngành ví điện tử như MoMo và ZaloPay.

“Covid đã dạy cho chúng tôi nhiều bài học”, CEO Starbucks Việt Nam nói.

Từng đưa ra nhận định rằng “chúng tôi đến Việt Nam để kiếm tiền, không phải để tiết kiệm”, bà Marques cho biết khi mở cửa hàng mới, mọi thứ đã được tính toán kỹ lưỡng nên phải làm sao cho ra hiệu quả hoạt động tốt nhất thay vì cố gắng cắt bớt chi phí khi thấy doanh thu không được như mong đợi. Hãng luôn nỗ lực đảm bảo nhân sự và khách hàng có những trải nghiệm thoải mái nhất khi đến với thương hiệu, dù là ở điểm chạm nào.

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, bà Patricia Marques nói: “Starbucks Vietnam muốn thể hiện sự thay đổi sâu sắc trong tâm trí, hành động và định hướng lâu dài của mình để thực sự trở thành cà phê hàng ngày của khách hàng trong bối cảnh thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh ”.

Do đó, khi được hỏi về kỳ vọng tạo dấu ấn đặc biệt trên bản đồ Starbucks thế giới trong 10 năm tới sau khi Starbucks khai trương cửa hàng lớn nhất tại Thái Lan, bà Marques khẳng định Starbucks Việt Nam không chạy theo cuộc đua này mà tập trung khai thác giá trị đặc biệt chỉ có ở Việt Nam như cà phê Vietnam Dalat.

Định hướng chiến lược của Starbucks Việt Nam năm 2023 là tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới đến người tiêu dùng đồng thời cao cấp hóa các dòng sản phẩm. Cà phê hạt Starbucks Vietnam Đà Lạt sẽ được ra mắt trong năm. Cũng trong dịp này, Starbucks Vietnam dự kiến sẽ ra mắt một số dòng sản phẩm đặc trưng khác mang dấu ấn một thập kỷ phát triển tại quốc gia được mệnh danh là thủ phủ cà phê thế giới.

Starbucks Việt Nam dự kiến chạm mốc 100 cửa hàng trong 2023 1
Starbucks đã hiện diện ở thị trường Việt Nam được 10 năm

Trên phương diện con người, Starbucks Vietnam tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, năng lực nhân sự và hiệu quả hoạt động tại từng cửa hàng. Triết lý quản trị nhân sự của vị nữ tổng giám đốc là trao quyền làm chủ. Mỗi cửa hàng trưởng không đơn thuần là người quản lý mà còn được cảm nhận mình là người làm chủ.

“Chúng tôi cần những nhân sự tố nhất để làm chủ những cửa hàng tốt nhất”, bà Marques nói.

Để có được những con người tốt nhất đó, bà cho biết Starbucks Việt Nam cũng phải đối mặt với một thách thức rất lớn là nhân sự được tuyển dễ nản lòng và bỏ cuộc vì quá trình đào tạo quá dài, thậm chí kéo dài tới 6 tháng và phải vượt qua được các cuộc thi thì mới có thể lên làm quản lý. Tuy nhiên, Starbucks vẫn không có ý định thay đổi điều này bởi sau cùng, họ có thể có được những người quản lý khát khao học hỏi, kiên trì, tài năng và được đào tạo bài bản.

Mở rộng hợp tác và phát triển, song tinh thần và giá trị cốt lõi quan trọng nhất của Starbucks Vietnam vẫn được gìn giữ và duy trì xuyên suốt trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai là khơi nguồn cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần con người.

Bên cạnh đó, Starbucks đã tạo nên doanh nghiệp bằng các kết nối nhân văn, sự tham gia của cộng đồng và sự ca tụng các nền văn hóa. Cuối cùng, đó là tinh thần tôn trọng con người, phục vụ con người. Tinh thần kinh doanh gắn với trách nhiệm môi trường, trách nhiệm với đối tác và trách nhiệm với khách hàng.