Startup Đông Nam Á khởi nghiệp bằng tiền tiết kiệm

Phương Anh - 16:06, 14/10/2023

TheLEADERPhần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á khởi nghiệp từ tiền tiết kiệm hoặc hỗ trợ của gia đình và bạn bè, theo kết quả khảo sát mới nhất từ Funding Societies.

Tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) bắt đầu kinh doanh bằng số vốn là tiền tiết kiệm cá nhân hoặc huy động gia đình và bạn bè. Hiện trạng này đặc biệt phổ biến tại ba quốc gia đầu tiên.

Các nguồn vốn khác thường xuất phát từ ngân hàng truyền thống (23%) và phần còn lại đến từ nguồn thay thế như các công ty công nghệ tài chính (fintech).

Riêng tại Việt Nam, khả năng tiếp cận các nguồn cho vay thay thế cao nhất trong 5 thị trường trên (25%), theo kết quả khảo sát của Funding Societies – nền tảng tài chính kỹ thuật số hợp nhất dành cho DNVVN lớn nhất Đông Nam Á.

Bất chấp đợt suy giảm do đại dịch Covid-19 và những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô gần đây, kinh tế Đông Nam Á vẫn trên đà phục hồi và ít bị tác động hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Nhờ đó, các tổ chức tài chính truyền thống lẫn fintech có nhiều cơ hội mang lại những giải pháp sáng tạo dành cho DNVVN. Tuy nhiên, có nhiều lựa chọn không đồng nghĩa với việc các DNVVN tiếp cận tài chính dễ dàng hơn.

Nguồn tiền chính tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp
Tại Việt Nam, khả năng tiếp cận các nguồn cho vay thay thế cao nhất trong 5 thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Hoàng Anh/TL

Liên quan đến các khoản vay, vay kỳ hạn là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoàn thành thanh toán cho nhà cung cấp.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ như ở Singapore, nơi mà thanh toán bằng thẻ (51%) mới là sản phẩm tài chính phổ biến nhất. Còn ở Việt Nam, thanh toán thẻ và sản phẩm quản lý chi phí được ưa chuộng như nhau (đều 49%).

Hầu hết các DNVVN được khảo sát đều quan tâm đến các khoản phải trả hơn là các khoản phải thu, đặc biệt là khả năng thanh toán cho nhà cung cấp.

Theo khảo sát, hơn 1/3 số người được hỏi cho biết hai vấn đề lớn nhất liên quan tới khoản phải trả lần lượt là khả năng tiếp cận nguồn tài chính (bao gồm các khoản vay và thẻ tín dụng) và thực hiện các khoản thanh toán (đối với nhà cung cấp hoặc nhà cung cấp không thể cung cấp các tùy chọn thanh toán linh hoạt).

Các mối quan tâm khác bao gồm giám sát và báo cáo các khoản phải trả, phê duyệt thanh toán, đối chiếu hóa đơn với đơn đặt hàng và biên lai.

Cùng với đó, các DNVVN vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng để thực hiện thanh toán, các giao dịch nội địa chiếm đa số và vẫn sử dụng phần mềm kế toán.

Cụ thể, chuyển khoản ngân hàng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất đối với các DNVVN, trong đó, 90% là các giao dịch thanh toán cho nhà cung cấp và 88% giao dịch nhận thanh toán từ khách hàng. Tuy nhiên, giao dịch tiền mặt vẫn đóng vai trò lớn với thị trường Indonesia và Malaysia.

Mặc dù phần lớn các giao dịch với cả khách hàng và nhà cung cấp chủ yếu ở mức độ nội địa, nhưng 20% số người được hỏi cho biết rằng các giao dịch xuyên biên giới rất quan trọng đối với họ. Tâm lý này thấy rõ nhất ở Singapore và Việt Nam, với nhiều giao dịch xuyên biên giới hơn các quốc gia khác.