Startup làm gì để tự cứu lấy mình?

Việt Hưng - 14:57, 09/05/2023

TheLEADERHệ sinh thái khởi nghiệp được cho là đang bước vào "mùa đông" của dòng vốn đầu tư, khi cả trong và ngoài nước đều ghi nhận tình hình sụt giảm đầu tư mạo hiểm vào các startup.

Được xem là thương vụ rót vốn cổ phần tư nhân lớn nhất trong ngành hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á trong 5 năm qua, OnPoint đã tăng trưởng 60% so với quý 1/2022.

Trước đó, OnPoint đã gọi vốn thành công 25 triệu USD từ SeaTown Private Capital Master Fund. Công ty tuyên bố sẽ mở rộng xây dựng hệ sinh thái về các dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh việc tuyển dụng và phát triển nhân tài cũng như năng lực hệ thống, đầu tư vào các công nghệ tiên phong lấy dữ liệu làm trung tâm.

Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi liên tục trong thời gian gần đây, ông Trần Vũ Quang - nhà đồng sáng lập và CEO OnPoint cho rằng: "Những thứ lãng phí không cần thiết cần theo dõi sát sao để cắt giảm".

CEO Trần Vũ Quang cho biết, OnPoint chưa có kế hoạch gọi vốn tiếp theo trong năm 2023. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào bài toán cơ bản trong kinh doanh với hai vế cung - cầu.

Hiện, OnPoint đang cung cấp cho hơn 150 nhãn hàng trong các ngành về làm đẹp – chăm sóc sức khoẻ, thời trang, đồ mẹ và bé, điện tử - gia dụng, dược phẩm, sản phẩm số, hàng tiêu dùng nhanh, thức ăn cho thú cưng… Một số thương hiệu nổi bật phải kể đến L’Oreal, Shiseido, Unicharm, P&G, Unilever, LG, Panasonic, Mondelez…

Thành lập vào năm 2017, OnPoint cung cấp các giải pháp toàn diện cho phép các nhãn hàng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trực tuyến trên nhiều kênh gồm các sàn TMĐT, mạng xã hội hoặc các trang web riêng của nhãn hàng.

OnPoint hỗ trợ từ khâu thiết lập và vận hành gian hàng trực tuyến, đến quản lý các chiến dịch tiếp thị số, dịch vụ khách hàng, kho bãi cũng như đóng gói hoàn thiện đơn hàng.

Startup làm gì để tự cứu lấy mình?
Ông Trần Vũ Quang - nhà đồng sáng lập và CEO OnPoint

Từng huy động thành công 4,5 triệu USD từ hai quỹ đầu tư là Nextrans của Hàn Quốc và Do Ventures vào năm ngoái, Cooky tập trung vào định hướng phát triển dịch vụ giao thực phẩm đến tận nhà.

Nguồn vốn mới đấy sẽ được Cooky sử dụng để đẩy mạnh R&D nhằm cung cấp thêm nhiều lựa chọn nguyên liệu nấu sẵn phong phú với mức giá tốt. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc bổ sung các dịch vụ cá nhân hóa được thiết kế dựa trên nhu cầu của mỗi khách hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông Đặng Hoàng Minh - đồng sáng lập và CEO Cooky tin rằng: "Công ty cần tập trung vào việc không để bị thua lỗ. Sẽ khó trong thời điểm hiện tại để mơ mộng có vài triệu người sử dụng hàng tháng".

Theo ông Đặng Hoàng Minh, mô hình các công ty giống Cooky đều đang gặp khó khăn. Tất nhiên vẫn có điểm sáng là có những công ty không bị lỗ và có những công ty đạt được lợi nhuận. Do đó, startup cần học hỏi cách các công ty có khả năng tự sống sót thay vì đi gọi vốn đầu tư.

Hiện thị trường đi chợ online (e-grocery) mà Cooky tham gia được kỳ vọng sẽ đạt quy mô 1,5 tỷ USD vào năm 2025. Công ty định hình là một FoodTech chú trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, giúp việc đi chợ, nấu ăn trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Startup làm gì để tự cứu lấy mình? 1
Cooky định hình là một FoodTech chú trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng

Dat Bike - startup xe điện Việt Nam muốn chuyển đổi người dùng ở Việt Nam và Đông Nam Á từ sử dụng xe xăng sang xe điện. Sau hơn ba năm ra đời, Dat Bike đã cho ra mắt ba mẫu xe và gọi vốn đầu tư hơn 16 triệu .

Tất cả vòng vốn từ trước đến nay của Dat Bike, từ lúc gọi 200.000 USD đến vài triệu USD, đều để tập trung vào hai việc là nghiên cứu để có sản phẩm tốt hơn và nâng cao quy mô sản xuất, tiếp cận khách hàng.

Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn - nhà sáng lập và CEO Dat Bike cho biết, công ty không bị sức ép về ngắn hạn và đang tăng trưởng đều, nhưng vẫn thận trọng để quan sát.

"Với tôi, vấn đề doanh nghiệp bị giảm định giá không quan trọng lắm nhưng cần xem xét, điều này có làm nhà đầu tư bị ảnh hưởng không, mối quan hệ giữa mình và nhà đầu tư có bị ảnh hưởng không", ông Sơn nói.

Theo CEO Dat Bike, một số startup thay vì chấp nhận giảm định giá, họ chọn tạo giá trị ngắn hạn, chuyển hướng sang làm việc khác để kiếm tiền, nhưng sự lựa chọn này cần phải tính toán kỹ vì chi phí cơ hội là rất lớn, có thể ảnh hưởng lớn đến con đường dài hạn của công ty.