Startup Việt đứng trước cuộc thanh lọc lớn

Việt Hưng - 17:07, 30/06/2020

TheLEADERTheo quan điểm của các nhà đầu tư, trong bối cảnh nên kinh tế đang đi xuống, đây sẽ là dịp để họ chậm lại quan sát cả thị trường, lẫn đối tượng startup.

Startup Việt đứng trước cuộc thanh lọc lớn

Thiếu hụt nguồn vốn khởi nghiệp

Việc nở rộ các startup tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Theo thống kê, trong 3 năm trở lại đây vốn đầu tư cho các startup Việt Nam tăng nhanh. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD, gấp 3 lần năm 2017 và 5 lần so với năm 2016.

Dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia, nguồn vốn luôn là rào cản lớn nhất với hệ sinh thái Việt Nam trong cả thập kỉ qua. Đặc biệt, trong gian đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nguồn vốn dành cho các startup nội địa lại càng khan hiếm.

Theo Techinasia, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Châu Á nói chung trong những tháng đầu năm 2020 đã giảm 52% so với cùng kì. Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ xu hướng này khi đầu tư chỉ bằng 30% so với một năm trước.

Tương tự, Đông Nam Á bao gồm hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khi Singapore và Indonesia không lọt vào nhóm 5 quốc gia được đầu tư nhiều nhất.

TS. Đinh Việt Hòa, Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia phân tích, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao nhưng kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thì còn rất yếu và thiếu. Có những doanh nghiệp năng lực tài chính tốt nhưng vẫn có thể đóng cửa vì năng lực quản trị tài chính lại không tốt. Cùng với đó, doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tư duy về thị trường.

Một nguyên nhân khách quan mà ông Hòa đưa ra là môi trường kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa từ nước ngoài tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, chất lượng tại tốt hơn, trong khi khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt lại yếu. Điều này dẫn đến hàng hóa không tiêu thụ được, thị phần hàng hóa của Việt Nam bị sản phẩm nước ngoài lấn át, cạnh tranh gay gắt…

Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về vốn và tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi đây là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp. Thiếu vốn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro và có thể đóng cửa bất cứ lúc nào.

Ông Hòa cho rằng: "Để góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp, nên chăng, Nhà nước có những chính sách đặc biệt chấp nhận rủi ro cho các ngân hàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay để khi họ gặp khó khăn thì cần "bơm" vốn cho họ, truyền cho họ một chút máu thì doanh nghiệp ấy có thể sống lại và đi tiếp".

Startup Việt chuẩn bị cho cuộc thanh lọc

Bà Trương Lý Hoàng Phi - CEO VinTech cho rằng khi đại dịch Covid-19 qua đi, các startup sẽ cần có các phương án quản trị rủi ro hiệu quả trong tương lai. Bên cạnh đó, ngoài các sản phẩm truyền thống, startup cũng cần tính tới các phương pháp chuyển đổi phù hợp hơn với xu thế thị trường.

"Về phía các nhà đầu tư, trong bối cảnh nên kinh tế đang đi xuống, đây sẽ là dịp để họ chậm lại quan sát cả thị trường lẫn startup. Rất nhiều người nói với tôi, thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "bong bóng" startup. Dịch bệnh càng kéo dài, các "bong bóng" sẽ càng dễ vỡ", nữ CEO nhận định.

Còn theo Giám đốc một quỹ đầu tư có trụ sở tại Việt Nam và Thái Lan nhận định đại dịch Covid-19 sẽ là một phép thử với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, các startup đang có ý định kêu gọi vốn nói riêng. Theo vị này, đây sẽ là dịp để các startup tối ưu lại phương án tài chính, dòng tiền, cũng như khả năng quản trị của chính doanh nghiệp.

Dễ nhận thấy một đặc điểm chung mà các startup Việt đang nỗ lực, đó là điều chỉnh liên tục nền tảng phục vụ của mình theo cảm xúc người dùng và nhu cầu thị trường nội địa. Các ứng dụng nội địa thường mang lại trải nghiệm tốt hơn, vận hành trơn tru nhờ “sự nhạy cảm công nghệ” phục vụ chính người dùng thân thuộc của mình.

Như ứng dụng gọi xe be, giống như những nền tảng khởi nghiệp khác, cũng phải trải qua quãng thời gian đau đầu với bài toán tìm tài xế, kêu gọi người dùng, sửa lỗi ứng dụng, cập nhật bản đồ hay giải quyết khiếu nại khách hàng.

Tuy vậy, nhờ không ngừng cập nhật công nghệ, tới nay việc tổ chức vận hành cho 65.000 tài xế online, giải quyết hơn 350.000 yêu cầu đặt xe mỗi ngày từ hơn 6,5 triệu khách hàng cài đặt ứng dụng đã là việc đơn giản với đội ngũ kỹ sư người Việt của be.

Không dừng lại đó, tận dụng thời gian giãn cách xã hội trong tháng tư vừa qua, ứng dụng be phát triển thêm tính năng mới là lựa chọn nhiều điểm dừng, thay đổi điểm đến, đặt xe hộ. Đến nay be gần như hoàn chỉnh một ứng dụng gọi xe với nhiều tính năng như di chuyển, giao hàng, đi chợ hộ, đi tỉnh 2 chiều, thuê theo giờ và cả bán vé xe khách.

Ông Nguyễn Văn Dũng - nhà sáng lập & CEO Luxstay nêu quan điểm: "Trước khi xét đến các ảnh hưởng, tác động lên một doanh nghiệp, chúng ta cần hiểu rõ bản chất, cũng như cơ cấu của doanh nghiệp đó. Cụ thể, với các đơn vị lữ hành có nguồn khách nước ngoài lớn, tỉ lệ đặt phòng bị hủy chắc chắn cao, bởi đây là một sự kiện mang tính toàn cầu. Nhưng với Luxstay, chủ yếu là khách nội địa, tỉ lệ sụt giảm ở mức chấp nhận được. Cũng cần nói thêm, các tháng sau Tết Nguyên Đán, lượng khách đặt homestay thường sẽ thấp hơn các tháng cuối năm".

Ông Dũng coi đây là cơ hội để startup nâng cao quy chuẩn, chất lượng dịch vụ, đồng thời khẳng định tên tuổi, thương hiệu Luxstay trong mắt khách hàng, lẫn các chủ nhà. Bởi trong khi các nền tảng ngoại liên tục thông báo hủy khách, thì Luxstay vẫn đồng hành và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các bên.