Sứ mệnh tiên phong của Tái chế Duy Tân

Sơn Phạm - 08:00, 23/01/2023

TheLEADERĐầu tư lớn vào cuộc chơi tái chế đầy phiêu lưu và thách thức, Tái chế Duy Tân định vị mình là doanh nghiệp tiên phong mở đường ngành nhựa tái chế, qua đó khép kín vòng lặp tuần hoàn và kiến tạo giá trị bền vững.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Trước thực trạng rác thải ngày càng trở nên quá tải, kinh tế tuần hoàn được các nhà khoa học cũng như cộng đồng doanh nghiệp đưa ra, như một giải pháp duy trì phát triển kinh tế nhưng vẫn hài hòa lợi ích bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã lần đầu tiên luật hóa, đồng thời ban hành các chính sách thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tuần hoàn. Ngành tái chế, mắt xích không thể thiếu đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng nhận được nhiều cơ chế khuyến khích.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi chính sách về kinh tế tuần hoàn cũng như hỗ trợ ngành tái chế được ban hành, tại Long An, có một nhà máy tái chế đã được xây dựng với vốn đầu tư lên đến 1.600 tỷ đồng, con số khổng lồ đối với ngành công nghiệp “gần nửa thế kỷ vẫn còn manh mún”.

Đó là nhà máy của Tái chế Duy Tân, được khởi công xây dựng vào năm 2019 và đi vào hoạt động từ năm 2020. Không chỉ có mức đầu tư lớn, nhà máy này còn đưa vào áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại từ Châu Âu, sản phẩm đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế, góp phần xóa đi định kiến về ngành công nghiệp tái chế lạc hậu và tự phát.

Giải 2 bài toán lớn

Tham gia vào ngành công nghiệp tái chế là một dự định được ấp ủ nhiều năm của ban lãnh đạo Tái chế Duy Tân, trước thực trạng ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng. Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành nhựa, ban lãnh đạo Tái chế Duy Tân hiểu được rằng vật liệu nhựa rất quan trọng và thiết yếu trong đời sống. Nhựa không có lỗi, tuy nhiên, cách tiêu dùng, xả thải và xử lý thiếu bền vững khiến nhựa vô tình “mang tội”.

Tái chế nhựa, hướng đến khép kín vòng lặp tuần hoàn được xác định là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tái chế hiệu quả không phải là điều đơn giản.

Chất thải rắn tại Việt Nam được chia làm 2 dòng. Những loại rác ít giá trị, khó tái chế được chuyển ra các bãi tập kết để đốt và chôn lấp, còn phế liệu có giá trị tái chế chủ yếu đi vào khu vực phi chính thức, từ những người gom đồng nát, ve chai tới làng nghề tái chế.

Hàng nghìn làng nghề tái chế trên khắp đất nước Việt Nam là minh chứng cho thấy một ngành công nghiệp tái chế đồ sộ đã xuất hiện hơn 40 năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này chỉ mở rộng về quy mô chứ hầu như không có sự phát triển. Mọi khâu từ thu gom, phân loại cho tới tái chế chủ yếu được diễn ra nhỏ lẻ, tự phát, với công nghệ không đảm bảo. Hệ quả, sản phẩm tái chế kém chất lượng, các làng nghề cũng trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Ngành tái chế mang tiếng xấu nên sản phẩm tái chế cũng không được đón nhận trên thị trường. Một số cơ sở, doanh nghiệp, để đảm bảo lợi nhuận, thậm chí còn phải buôn lậu hạt nhựa tái sinh ra nước ngoài. Họ chẳng xuất khẩu nổi vì không đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng.

Đầu tư vào một ngành công nghiệp manh mún và ngổn ngang như ngành tái chế thực sự là một chuyến phiêu lưu đầy thách thức. Tự tin dấn thân vào chuyến phiêu lưu ấy, theo ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Tái chế Duy Tân, đội ngũ cố vấn và ban lãnh đạo công ty là những người đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành nhựa, hiểu sâu sắc những đặc tính của nhựa và làm thế nào để cho ra sản phẩm nhựa bền nhất, đẹp nhất và an toàn nhất.

Sự tự tin cũng khiến Tái chế Duy Tân quyết định làm khác đi so với những gì đã diễn ra trong ngành tái chế suốt gần nửa thập kỷ vừa qua.

Sứ mệnh tiên phong của Tái chế Duy Tân
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Tái chế Duy Tân

Đối với bài toán đầu vào, Tái chế Duy Tân chọn một “hướng đi khó”, đó là sử dụng 100% phế liệu trong nước. “Vòng lặp tuần hoàn chỉ được khép kín khi chúng ta xử lý phế liệu trên đất nước chúng ta, chứ không phải nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài”, ông Lê Anh lý giải.

Hiểu được một điều là khâu thu gom, phân loại phế liệu tại Việt Nam không thể tách rời khu vực phi chính thức, là những người hành nghề đồng nát, ve chai, thu gom rác dân lập và những vựa phế liệu, Tái chế Duy Tân xây dựng hệ thống thu gom của riêng mình dựa trên chính lực lượng này.

Hợp tác với các vựa đồng nát, ve chai, Tái chế Duy Tân hỗ trợ nâng cao hiệu quả thông qua tài trợ những máy móc, trang thiết bị. Phế liệu nhựa sau khi được phân loại và xử lý sơ cũng được công ty thu mua lại với giá thành ổn định, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác tin tưởng, lâu dài và bền vững.

Bên cạnh đó, Tái chế Duy Tân cũng tích cực phối hợp với những đối tác là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ cũng như chính quyền một số địa phương để triển khai những dự án tăng cường năng lực, nâng cao sinh kế cho những người thu gom rác.

Còn về bài toán đầu ra, theo ông Lê Anh, đáp số của Tái chế Duy Tân nằm ở chất lượng sản phẩm. Ban lãnh đạo công ty xác định, tái chế không phải chỉ là đưa phế liệu làm đầu vào sản xuất, mà còn phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm đầu ra. Có như vậy, tái chế mới thực sự hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn và tạo ra giá trị bền vững.

Để đảm bảo nhựa tái chế có chất lượng tốt, ban lãnh đạo Tái chế Duy Tân bỏ ra 3 năm để họp bàn, đề xuất, đánh giá các giải pháp về chuỗi cung ứng phế liệu nhựa, cùng 2 năm ròng rã đi khắp các nước châu Âu để tìm kiếm công nghệ tái chế đạt chuẩn chất lượng.

Công nghệ bottles to bottles (chai ra chai) đến từ một nhà cung ứng nước Áo đã được lựa chọn. Áp dụng công nghệ này, một chai nhựa có thể tái chế đến hơn 20 lần, với sản phẩm cho là nhựa an toàn và đủ tiêu chuẩn để đựng thực phẩm, chất lượng không thua kém gì so với nhựa nguyên sinh.

Giám đốc Phát triển bền vững tiết lộ, Tái chế Duy Tân đã xuất được khoảng hơn 3 nghìn tấn hạt nhựa sang Mỹ, thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Ngay ở trong nước, một số ông lớn ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng đã lựa chọn bao bì nhựa do Tái chế Duy Tân cung cấp.

Giải 2 bài toán lớn trong chuỗi giá trị, Tái chế Duy Tân cũng triệt để khép kín vòng lặp tuần hoàn đối với cả nước thải, khí thải và chất thải rắn khác, với nhà máy được vận hành theo mô hình “zero waste”. Không còn hình ảnh những dây chuyền tái chế với những ống nhả khói đen lên nền trời, hay dòng nước thải chảy thẳng xuống sông, hồ, nhà máy đặc biệt này được tô điểm bởi vườn cây, ao cá được tưới tắm bởi nước thải đã qua xử lý.

Xóa bỏ đi những định kiến về tái chế tồn tại suốt gần nửa thế kỷ, Tái chế Duy Tân tự hào mở ra con đường mới, với một ngành công nghiệp mang diện mạo hoàn toàn mới: ngành nhựa tái chế.

“Gọi là nhựa tái chế vì chúng tôi khép kín được vòng lặp tuần hoàn, vật liệu nhựa tái chế vẫn đảm bảo đủ chất lượng giống như nhựa nguyên sinh, sau khi kết thúc vòng đời hoàn toàn có thể đưa vào tái chế thêm nhiều lần nữa”, ông Lê Anh lý giải.

Sứ mệnh tiên phong của Tái chế Duy Tân 1
Nhà máy tái chế Duy Tân

Chung tay cho một tương lai tuần hoàn

Tại buổi họp các thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) để bàn giải pháp, chuẩn bị các phương án thực thi công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), ông Lê Anh xuất hiện với một nụ cười rạng rỡ.

Nụ cười ấy thể hiện một niềm vui có lẽ chân thật hơn bao giờ hết. Bởi với công cụ EPR, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm kiếm giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả các sản phẩm của mình.

Khoản đóng góp chi phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường từ cộng đồng doanh nghiệp cũng được sử dụng để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp có giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả.

Tái chế Duy Tân, “ngọn đuốc mở đường” cho ngành nhựa tái chế, chắc chắn sẽ đón nhận nhiều cơ hội to lớn. Xu thế kinh tế tuần hoàn lên ngôi, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp chấp nhận dùng bao bì nhựa tái chế, ngày càng nhiều người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế và thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi đi nhiều nơi trên thế giới, thấy hoạt động thu gom, tái chế rất phát triển. Hy vọng rằng ở Việt Nam, hoạt động tái chế cũng sẽ phát triển được như vậy”, Giám đốc Phát triển bền vững Tái chế Duy Tân bộc bạch.

Tuy nhiên, hơn ai hết, ông Lê Anh cùng ban lãnh đạo Tái chế Duy Tân hiểu được rằng, để biến cơ hội ấy thành hiện thực, vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Chặng đường ấy, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía Tái chế Duy Tân cũng như các bên liên quan.

Về phía chính sách, theo ông Lê Anh, một trong những thách thức lớn nhất hiện tại là Việt Nam thiếu tiêu chuẩn dành cho sản phẩm tái chế.

“Chúng tôi đạt được nhiều tiêu chuẩn quốc tế, từ FDA của Cục an toàn thực phẩm Mỹ, EFSA của Ủy ban An toàn thực phẩm châu Âu cho tới GMP, FSSC 22000, ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001… nhưng ở Việt Nam lại chưa có tiêu chuẩn chính thức được ban hành cho sản phẩm tái chế”, Giám đốc Phát triển bền vững Tái chế Duy Tân cho biết.

Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, quy định hàm lượng nhựa tái sinh bắt buộc trong sản phẩm nhựa cũng là điều cần thiết để ngành công nghiệp nhựa tái chế được phát triển trong tương lai. Về phần mình, Tái chế Duy Tân cũng đang tích cực hợp tác với một số đối tác để tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhựa tái chế. Những hoạt động hướng tới khép kín vòng tuần hoàn của nhựa, đồng thời mở ra nhiều cơ hội, lợi ích mới cho các bên liên quan, bao gồm cả những người đồng nát, ve chai và những vựa thu mua truyền thống.

Tiên phong xây dựng ngành công nghiệp nhựa tái chế, Tái chế Duy Tân kỳ vọng về một tương lai, nơi nhựa tái chế rũ bỏ được định kiến, các sản phẩm làm từ nhựa tái chế được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Những nỗ lực của Tái chế Duy Tân cùng các nhà sản xuất,chỉ khi nhận được sự đồng thuận từ chính sách, sự ủng hộ từ phía người tiêudùng, vòng lặp tuần hoàn mới có thể được khép kín. Khi đó, những chiếc chai nhựa,cốc nhựa sau khi được sử dụng đều có thể có một cuộc đời mới, tiếp tục làm đẹpcho đời.