Sự nổi lên của thị trường ngách trong thương mại điện tử
Hường Hoàng
Thứ bảy, 18/02/2023 - 08:53
Theo báo cáo của Nextrans, trong năm 2022, ngoài vị thế vững chắc của bốn ông lớn trong ngành (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo), hệ sinh thái thương mại điện tử của Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện của những startup đánh vào thị trường ngách và sự nổi lên của các nền tảng mạng xã hội thực hiện vai trò thương mại điện tử.
Vị thế vững chắc của thương mại điện tử truyền thống
Theo Nextrans, với chiến lược không ngừng thay đổi để thích ứng của những ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử truyền thống, và sự gia nhập thị trường ngách của các doanh nghiệp mới, hệ sinh thái thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2022-2030.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp lâu đời tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong hệ sinh thái thương mại điện tử truyền thống. Năm 2022, Shopee là trang thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam với khoảng 84,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Về các thương vụ huy động vốn, tốc độ huy động vốn của ngành thương mại điện tử đã chậm lại do 2 trong số 4 công ty chính - Shopee và Lazada đã được hỗ trợ bởi các “đại gia” trong khu vực và tiến gần hơn đến giai đoạn trưởng thành.
Trong năm 2022, hai thương vụ tâm điểm được công khai trên công chúng là Concung và Onpoint Ecommerce, với số vốn đầu tư lần lượt là 90 triệu USD và 50 triệu USD. Trong khi đó, năm 2022, hai công ty chủ chốt về thương mại điện tử trong nước là Tiki và Sendo cũng nhận được hai thương vụ đầu tư lớn nhưng chưa công khai. Hai công ty này đã liên tục huy động vốn trong những năm gần đây với mục đích tìm kiếm các khoản dự phòng tiềm năng, củng cố tăng trưởng và chiếm thị phần lớn hơn, nhằm thực hiện kế hoạch IPO về sau này.
Tuy nhiên, tất cả những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử truyền thống đều phải đối mặt với tình trạng mất vốn lớn và không có lãi trong một thời gian dài, do phải đốt tiền mặt để phát triển bằng mọi giá.
Trước tình trạng thua lỗ, Tiki và Sendo phải huy động vốn liên tục để có được sự hậu thuẫn tốt hơn, trong khi những ông lớn được hậu thuẫn và chịu ít áp lực hơn như Shopee chưa có động thái gì đáng chú ý, chỉ tăng phí hoa hồng cho người bán nội địa.
B2C là một thị trường cạnh tranh khốc liệt với đầy những ông lớn, do đó, các doanh nghiệp trẻ sẽ phải chịu rất nhiều thách thức khi muốn bước chân vào thị trường. Theo Nextrans, sẽ khôn ngoan hơn nếu các doanh nghiệp mới nhắm mục tiêu vào các thị trường ngách, thay vì phải đối đầu với những ông lớn có tiềm lực tài chính hùng mạnh trong thời điểm này.
Sự trỗi dậy của thương mại điện tử thông qua mạng xã hội
Mặc dù hoạt động giao dịch thông qua những kênh thương mại điện tử truyền thống vẫn chiếm ưu thế, các nền tảng mạng xã hội cũng đang cho thấy nhiều dấu hiệu tăng tốc. Các cửa hàng trực tuyến sử dụng nền tảng mạng xã hội để kinh doanh đã có chỗ đứng vững vàng sau đại dịch COVID-19, số lượng người dùng Internet lớn, sự bùng nổ của những người ảnh hưởng (KOLS, Influencers) là những yếu tố chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên những nền tảng này.
Trong năm 2022, TikTok - nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới đã ra mắt tính năng TikTok Shop tại Việt Nam để thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua hình thức livestream (phát trực tiếp).
TikTok Shop cũng cho phép người dùng giao dịch ngay bên trong ứng dụng thay vì phải nhấp vào các đường link dẫn ra bên ngoài. Về mặt kỹ thuật, điều đó đồng nghĩa với việc các thị trường như Shopee và Lazada sẽ bị mất doanh thu. Tại Việt Nam, GMV (tổng giá trị hàng hóa được bán tới một thị trường nhất định ở trong một khoảng thời gian nhất định) của TikTok Shop đã gần bằng Lazada vào năm 2022, khiến TikTok Shop trở thành một trong ba nhân tố chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ngoài TikTok Shop, các nền tảng thương mại điện tử xã hội của Việt Nam như Selly và Mio App đang nhắm mục tiêu vào các thị trường ngách và có nhiều tiềm năng phát triển.
Sự manh nha của xu hướng thương mại nhanh
Thương mại nhanh (Quick Commerce - mô hình trong đó toàn bộ quá trình mua và hoàn tất giao hàng chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, thường là dưới 1h) là một xu hướng thương mại điện tử mới. Mặc dù những ông lớn trong mảng thương mại điện tử truyền thống như Shopee và Tiki đã áp dụng mô hình trong một vài năm qua, tuy nhiên đây vẫn là phân khúc còn dư địa cho các công ty mới thành lập.
Startup Rino (một công ty khởi nghiệp thương mại nhanh, tập trung vào giao hàng tạp hóa) đã nhận được khoản đầu tư trị giá 3 triệu đô la vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, công ty khởi nghiệp này đã ngừng hoạt động sau gần một năm. Theo đánh giá của Nextrans, điều này cho thấy cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đủ hoàn thiện để hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới.
Để thành công, các công ty khởi nghiệp đành phải thích nghi với thị trường. Bất chấp thất bại, startup này vẫn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển năng động của lĩnh vực thương mại điện tử hiện đại và sự gia tăng của các phân khúc mới đầy triển vọng.
Bên cạnh sự sôi động của thị trường B2C, mảng thương mại điện tử B2B tiếp tục bùng nổ và thu hút nhiều nhà đầu tư. Xu hướng này đã được đẩy nhanh bởi đại dịch, khiến thương mại kỹ thuật số trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất, nhà phân phối và những thương hiệu có hy vọng phát triển.
Các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử B2B chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các giải pháp số hóa dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Những startup nổi bật đã gọi vốn thành công trong năm nay là Onpoint Ecommerce, Kilo, So ban hang, với tổng giá trị các thương vụ lên tới 52,5 triệu USD. Những thương vụ này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình đầu tư và phát triển cho các nền tảng thương mại điện tử B2B tại Việt Nam.
Ngành fintech của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là về số lượng các công ty mới. Năm 2018, toàn thị trường có 144 công ty. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, con số này tăng đột biến vào năm 2021 và đến năm 2022, ước tính đã có hơn 260 công ty tham gia lĩnh vực fintech tại Việt Nam. Đây là số lượng công ty tham gia vào lĩnh vực fintech cao kỷ lục từ trước đến nay.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.