Tâm điểm đầu tư bất động sản 6 tháng cuối năm

An Chi - 11:54, 08/07/2021

TheLEADERThay vì lướt sóng đất nền, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn do dịch bệnh, nhà đầu tư sẽ hướng tới những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực của người dân.

Tâm điểm đầu tư bất động sản 6 tháng cuối năm
Dòng tiền hướng đến bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực

Đất nền lặng sóng

Sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021, kể từ nửa cuối tháng 4, cơn sốt đất nền tại nhiều địa phương đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường tháng 4/2021 giảm gần 18% so với tháng 3/2021. Trong đó, đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 21%. Các tỉnh thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý I/2021. 

Những điểm nóng bất động sản ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4/2021.

Bước sang tháng 5, dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, nhưng bất động sản vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và đa biến chủng. 

Trong tháng 5/2021, mức độ quan tâm đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất, đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh. Các tỉnh thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%). Đây cũng là những địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát dịch vừa qua.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, lượt quan tâm đến đất nền giảm trong tháng 5 cho thấy xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn “sốt nóng” của đất với sự xuất hiện liên tiếp của các thông tin quy hoạch, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, đẩy giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao.

Tuy nhiên, ngay sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những biện pháp điều tiết thị trường và tác động của đại dịch khiến cơn sốt đất nền bắt đầu hạ nhiệt, giá chững lại và nhu cầu giảm. 

Ông Quốc Anh cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2021, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, cơn sốt đất nền đạt đỉnh như hồi đầu năm nhiều khả năng sẽ khó quay trở lại. Nhà đầu tư hiện nay đã cảnh giác hơn với thông tin về quy hoạch, nguồn cung, do vậy thị trường không dễ bị thổi giá sốt ảo.

Sản phẩm đầu tư gắn với nhu cầu thực sẽ lên ngôi

Thay vì đầu tư vào đất nền để lướt sóng, ông Quốc Anh cho rằng, nhà đầu tư sẽ hướng tới sản phẩm có nhu cầu thực tại những địa phương có tiềm năng kinh tế phát triển, hạ tầng hoàn thiện. Đây là những sản phẩm đầu tư an toàn và có dư địa tăng giá mạnh trong tương lai.

Một trong số đó là bất động sản nhà ở. Hiện, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam 35% - rất thấp so với hơn 50% của Thái Lan, hơn 60% ở Trung Quốc và một lượng lớn nhu cầu với gần 100 triệu dân. Tại Việt Nam, việc sở hữu một ngôi nhà dường như là nhu cầu bắt buộc đối với một người trưởng thành. Mỗi năm Hà Nội và TP. HCM cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên nguồn cung trên thị trường vẫn rất hạn chế từ năm 2019.

Ông Quốc Anh dẫn dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, tháng 5/2021, trong khi hầu hết các loại hình bất động sản khác đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm do ảnh hưởng của dịch bệnh thì căn hộ chung cư lại ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và TP.HCM, với mức tăng lần lượt là 12% và 8% so với tháng 4. 

Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị “sốt” hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền. Vài năm gần đây, chung cư Hà Nội vẫn giữ được mức tăng giá trung bình 1-3% theo năm.

Một sản phẩm gắn với nhu cầu thực khác là phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng “bỏ phố về quê” khi dịch bệnh xuất hiện. Xu hướng này phát triển suốt năm 2020 và có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền “sốt” ở nhiều khu vực. 

Tuy nhiên, sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này đã nóng trở lại. Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực ven Hà Nội như Vân Canh, Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai vẫn được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ 2-7% so với 1-2 tháng trước.

Cùng nhắc đến các bất động sản gắn với nhu cầu thực của người dân, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh, Tập đoàn Hải Phát cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn kinh tế đang hiện hữu, nhà đầu tư trên thị trường sẽ hướng tới những sản phẩm an toàn, phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân.

Những sản phẩm đầu tư hướng đến nhu cầu ở thực như bất động sản tại các khu công nghiệp, bất động sản khu đô thị tại trung tâm hoặc bám vùng lõi trung tâm thành phố là những điểm sáng, có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Trái lại, với các bất động sản phục vụ nhu cầu cao hơn nhu cầu cơ bản của người dân như bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.

Hiện nay, một lượng lớn nhà đầu tư vào khu nghỉ dưỡng, khách sạn của giai đoạn trước đang giao bán tài sản với giá cắt lỗ từ 20-25% do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong thời gian từ nửa năm đến một năm tới, thị trường này sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, ông Duy dự báo.