Tăng giá điện sẽ tạo áp lực lên doanh nghiệp

An Chi - 16:34, 21/03/2019

TheLEADERNgười tiêu dùng sắp tới cũng sẽ chịu thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện.

Quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện tăng 8,36% của Bộ Công thương đang làm nóng dư luận trong thời gian gần đây. Theo đó, giá điện sẽ tăng từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.

Mặc dù lãnh đạo Bộ Công thương đã khẳng định, việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Tuy nhiên, do điện là khâu đầu vào của cả nền kinh tế và tác động trực tiếp đến sản xuất, chi phí sinh hoạt của người dân nên phương án tăng giá điện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lần tăng giá điện này khá mạnh, lên tới gần 10% lại diễn ra ngay trước mùa cao điểm miền Bắc sử dụng điện và bắt đầu vào mùa sản xuất nên sẽ tác động không nhỏ tới người dân và doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, việc tăng giá điện sẽ gây thêm nhiều trở ngại, buộc các doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm, làm giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Người tiêu dùng sắp tới cũng sẽ chịu thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện.

Tại Tọa đàm "Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khi tăng giá điện, chắc chắn những chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân.

Tuy nhiên, theo ông Lực, đây cũng là áp lực lớn khiến các doanh nghiệp buộc phải có các giải pháp giảm chi phí sản xuất bằng cách nâng cao ý thức tiết kiệm điện, đổi mới công nghệ, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Qua đó sẽ giúp tiêu tốn ít điện năng hơn và hạ giá thành sản phẩm. 

Đồng quan điểm, ở góc độ doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho rằng, cả người dân và doanh nghiệp, không ai mong muốn tăng giá điện vì sẽ tạo áp lực cho sinh hoạt, sản xuất.

Riêng đối với ngành dệt may, một ngành sử dụng nhiều lao động, năm 2019 có thể nói là năm không thuận lợi với ngành này do áp lực tăng lương tối thiểu liên tục trong những năm gần đây. Do đó, việc tăng giá điện sẽ tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.

Song, theo ông Long, việc điều chỉnh giá điện lần này không tạo bất ngờ cho doanh nghiệp bởi trong thời gian qua, áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng, khả năng cung ứng điện gặp nhiều khó khăn đã được nêu rõ. Các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch hoạt động cũng đã tính đến việc giá điện tăng để chuẩn bị các giải pháp phù hợp.

Theo ông Long, việc tăng giá điện sẽ tạo áp lực giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, có ý thức hơn trong việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Điều này là phù hợp với xu thế phát triển bởi các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phát triển xanh và sản xuất sạch hơn, giảm được chất thải và phát thải ra môi trường. Để làm được điều này, ngay từ khâu sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng cần được kiểm soát một cách hợp lý, tiết kiệm.

Khi chi phí điện tăng, nếu doanh nghiệp không thay đổi thì năng lực cạnh tranh sẽ giảm. Đó chính là áp lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, sử dụng các thiết bị tiên tiến để giảm điện năng, từ đó hạ giá thành sản phẩm.

Cũng theo ông Long, trong nhiều năm qua, Tổng công ty may 10 đã liên tục thực hiện các giải pháp để giảm thiểu chi phí điện. Đơn cử như việc tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện ở cơ quan, gia đình và người thân.

Trong quy trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã đầu tư kỹ thuật công nghệ, cải tiến phương thức quan lý, môi trường sản xuất, sử dụng các thiết bị sử dụng điện tiết kiệm như đèn tiết kiệm điện, động cơ máy may thế hệ mới, sử dụng nhiều kính trong xây dựng để giảm số đèn chiếu sáng.

Trong tương lai, Tổng công ty may 10 sẽ triển khai hệ thống điện năng lực mặt trời tại trụ sở công ty để tự cung ứng phần nào lượng điện cho hoạt động của doanh nghiệp, giảm lượng điện tiêu thụ từ mạng lưới điện quốc gia.

Cần phát triển ngành điện theo cơ chế thị trường

Kiến nghị các giải pháp để minh bạch giá điện hiện nay, ông Lực cho rằng, Chính phủ cần bỏ đi cơ chế bù chéo trong giá điện. Hiện nay, các ngành sản xuất công nghiệp như xi măng, sắt thép vẫn đang được bù giá điện. Điện công nghiệp hiện chịu mức giá 6,8 cent/kWh, điện sinh hoạt 8,7 cent/kWh, doanh nghiệp ngành khác trả 10 cent/kWh.

Tăng giá điện sẽ tạo áp lực khiến các doanh nghiệp đổi mới 1
TS. Cấn Văn Lực

Trong khi đó, ngành công nghiệp tiêu tốn 55% tổng lượng điện. Vậy nhân cơ hội này phải sửa Luật Điện lực để bỏ việc bù chéo nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện.

Bên cạnh đó, để ngành điện phát triển, ông Lực cho rằng, Chính phủ cần thực hiện tổng hoà năm giải pháp. Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách để có một thị trường điện mang tính chất thị trường, bỏ việc bù giá điện.

Thứ hai, cần minh bạch hơn trong sản xuất điện và giá điện. Thứ ba, cần xây dựng một thị trường điện cạnh tranh. Về lâu dài nên để người dùng điện được mua điện trực tiếp với các nhà máy điện độc lập.

Thứ tư là quản lý rủi ro tỷ giá. Cơ chế hiện nay chưa cho phép có một quỹ dự phòng rủi ro, trong khi đó, rủi ro tỷ giá luôn luôn sảy ra. Do đó, Chính phủ cần có chỉ đạo thiết lập một cơ chế dự phòng rủi ro tỷ giá, tránh trường hợp như thực tế hiện nay, rủi ro tỷ giá lấy năm này bù năm khác, rất không bền vững.

Thứ năm là nên có chương trình quốc gia nâng cao ý thức của người dân tiết kiệm điện. Trong tương lai, năng lượng tái tạo sẽ được quan tâm để sử dụng nhiều hơn nữa. Đây là xu hướng tất yếu của thời đại đảm bảo các vấn đề về môi trường bền vững hướng tới kinh tế xanh, cách mạng công nghiệp 4,0, ông Lực cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), hiện nay Luật Điện lực cũng đã cho phép triển khai thị trường điện. Theo lộ trình sẽ tiến hành bán lẻ điện, các khách hàng sẽ được mua điện trực tiếp từ các đơn vị sản xuất điện. 

Nếu áp dựng thí điểm thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng. Từ đó tiến tới kinh doanh thị trường điện theo đúng Luật điện lực đã thông qua nhằm đảm bảo sự minh bạch cho thị trường.