Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được thể hiện qua nhu cầu kim loại như thế nào?

Linh Lan - 14:10, 30/10/2017

TheLEADERTăng trưởng toàn cầu khởi sắc chỉ có thể có lợi cho giá kim loại.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được thể hiện qua nhu cầu kim loại như thế nào?
Ảnh: Getty Images

Đó là thông điệp đến từ ngành công nghiệp nặng tại Sàn giao dịch kim loại London (LME) khi lần đầu tiên trong năm nay, sự lạc quan đang hiện hữu nơi các thương nhân, các nhà máy luyện kim, thợ mỏ và những người môi giới tại sàn giao dịch kim loại ở London, nhờ sự kết hợp giữa tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường trung tâm nơi sở hữu đa số nhu cầu của thế giới, hạn chế lượng cung ở Trung Quốc và sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư.

Tâm trạng lạc quan của các nhà đầu tư cho thấy mức độ tăng trưởng kinh tế đã thay đổi như thế nào trong hai năm qua. Vào tháng 9/2015, công ty khai thác mỏ Glencore Plc đã buộc phải huy động tiền khi cổ phiếu của họ sụt giảm, một nỗ lực nhằm xoa dịu các nhà đầu tư trước khoản nợ nần chồng chéo của công ty. Giờ đây, hãng khai thác mỏ khổng lồ đã lấy lại được đà tăng trưởng và thu về lợi nhuận hàng trăm tỷ đô la từ lượng tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới.

Giá các kim loại công nghiệp đã tăng mạnh từ giữa năm. Kim loại đồng đang ở mức 7.000 USD/tấn, kẽm tăng lên mức giá cao nhất trong thập niên và nhôm đã tăng gần 30% trong năm nay. Trong bối cảnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm bắt đầu nhìn nhận lại các thị trường kim loại.

Nhu cầu kim loại

"Nhu cầu của các nhà đầu tư đối với kim loại ngày càng tăng từ cuối mùa hè", ông Sid Tipples, đồng giám đốc bộ phận kim loại tại JPMorgan Chase & Co. cho biết.

Khối lượng giao dịch trên sàn LME tăng mạnh và chạm mức cao nhất kể từ năm 2015 vào tháng 9. Giám đốc điều hành của sàn giao dịch, ông Matthew Chamberlain, cho rằng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, triển vọng nhu cầu kim loại toàn cầu không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong tháng này, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng tăng trưởng của Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Trung Quốc và cho biết nền kinh tế toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 10 năm qua.

Nhu cầu kim loại ở châu Âu đang tăng lên do triển vọng phát triển ngành xây dựng và sản xuất ô tô. Codelco, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, đã nâng mức phí của việc cung cấp sản phẩm cho các khách hàng châu Âu lần đầu tiên trong vòng 4 năm. Các nhà dự báo bao gồm Bank of China International nhận thấy nhu cầu đối với các kim loại cơ bản sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

"Triển vọng kinh tế đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết với mức tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc", ông Tipples nói thêm.

Mặc dù nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đang củng cố sự lạc quan của các nhà đầu tư, nhưng nó cũng dẫn đến những vấn đề về cung. Sự cắt giảm sản lượng của công ty Glencore đã làm trầm trọng thêm xu hướng cắt giảm sản xuất ở Trung Quốc đã thúc đẩy giá nhôm cao hơn.

Các vấn đề về nguồn cung được nhận thấy rõ ràng là phần lớn ngành công nghiệp kim loại vật chất không thể tiếp cận với các nhà đầu cơ tài chính.

Ví dụ, giá alumina, được sử dụng để làm nhôm, đã tăng 56% kể từ tháng 8, theo số liệu từ nhóm tư vấn CRU Group, trong bối cảnh cắt giảm sản xuất của Trung Quốc.

Phí xử lý quặng chì, mà các thợ mỏ trả cho các nhà máy luyện kim để xử lý từ quặng sang kim loại, đang diễn biến tiêu cực. Các hàng hóa chì cô đặc được đánh mức phí xử lý là 40 USD/tấn, các thương nhân cho biết, có nghĩa là các nhà buôn đang phải trả nhiều hơn cho quặng chì hơn giá trị của kim loại.

Trên sàn LME, lượng hàng tồn kho và các kho dự trữ kim loại trong hệ thống kho của họ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, theo ông Mark Hansen, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư hàng hóa Concord Resources Ltd cho biết, ngành công nghiệp này cũng không nên quá chủ quan bởi nền kinh tế toàn cầu không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng này mãi mãi.