Technopark Việt Nam – Hàn Quốc muốn đầu tư khu công nghiệp – đô thị sáng tạo gắn với công viên công nghệ cao quy mô gần 400ha tại Quảng Ngãi.
Hội Tự động
hóa TP.HCM (HauA) vừa phối hợp Hội Robot công nghiệp Hàn Quốc (KAR) và đoàn
doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi về dự án công nghiệp – đô thị - dịch vụ Phú An quy mô 393ha, suất đầu tư tối thiểu 5 triệu
USD/ha.
Đặt tại huyện
Tư Nghĩa, khu phức hợp dự kiến triển khai phân kỳ làm 3 giai đoạn với hình thức
phối hợp nối tiếp và song song theo định hướng hạ tầng hoàn chỉnh đến đâu thì lấp
đầy dự án đầu tư đến đó.
Ở giai đoạn
đầu tiên, nhà đầu tư sẽ thực hiện phân khu Technopark khoảng 52ha và khu đô thị
sáng tạo 26ha trong 2-3 năm, dự kiến hiệu quả thu hút được khoảng 20 – 30 dự
án. Theo đó, Technopark trị giá hơn 4.000 tỷ đồng giữ vai trò hạt nhân, bản lề
cho phát triển hơn 310ha dành cho các dự án sản xuất – khu công nghiệp sau đó.
Theo giới
thiệu, khu đô thị sáng tạo được xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại,
kết nối IoT/5G, quản lý hạ tầng và giao thông thông minh. Đồng thời, khu đô thị
này cũng sẽ được tính toán các hạng mục gồm nhà ở chuyên gia, sàn giao dịch
công nghệ, khu triển lãm, khu giải trí – công viên công nghệ, đô thị sáng tạo.
Được biết,
pháp nhân đứng tên triển khai dự án Technopark là Công ty CP phát triển
Technopark Việt Nam – Hàn Quốc.
Technopark
Việt Nam – Hàn Quốc ra đời trên cơ sở liên doanh giữa G&T, Itech, KR
Technology Co., KR Association of Technopark và Intops. Technopark ghi nhận các nhà đầu tư chiến lược như Shinhan Bank, KM
Bank, Woori Bank cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội công
nghiệp – thương mại Daegu – Gyeongbuk.
Đáng chú ý,
Technopark đặt mục tiêu thu hút những dự án liên quan đến công nghệ tiên tiến,
định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Vi mạch, bán dẫn, AI, vật
liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, thu hút, lưu trữ và chuyển động năng lượng…
Với quy mô
52ha, Technopark được giới thiệu vận hành theo mô hình đổi mới sáng tạo toàn diện,
từ nghiên cứu – phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao đến khởi nghiệp. Đồng
thời, khu vực này sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đạt chuẩn quốc
tế, đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu và tạo giá trị gia tăng vượt trội.
Theo đại diện
lãnh đạo Hội Tự động hóa TP.HCM, mô hình Technopark sẽ giữ vai trò quan trọng
trong việc tập hợp và kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh
nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ. Qua đó, các
sáng kiến và dự án nghiên cứu sẽ được hỗ trợ để hoàn thiện công nghệ, thương
mại hóa sản phẩm mới.
Với sự tham
gia của nhiều đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, Technopark hứa hẹn tạo môi trường
lý tưởng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ,
đào tạo và phát triển nhân lực thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật.
Thực tế, ý
tưởng về việc xây dựng, phát triển mô hình Technopark của Hàn Quốc đã sớm được
hiện thực hóa từ khoảng 10 năm trước, thông qua Vườn ươm Công nghệ công nghiệp
Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP), dự án hợp tác giữa hai Chính phủ với tổng vốn đầu
tư hơn 21 triệu USD đặt tại TP. Cần Thơ.
Đặt tại khu
công nghiệp Trà Nóc 2, do Trung tâm Phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp
Việt Nam - Hàn Quốc (thuộc Sở Công thương Cần Thơ) quản lý vận hành, KVIP hướng
đến hỗ trợ nghiên cứu phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh của TP. Cần
Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
KVIP được
xây dựng theo mô hình TechnoPark của Hàn Quốc - một trong những mô hình cơ bản
giúp đất nước Hàn Quốc từ nghèo khó sau chiến tranh đã phát triển mạnh mẽ như
hiện nay. KVIP cũng là Technopark đầu tiên của Hàn Quốc được đầu tư ở nước
ngoài.
Vài năm sau
khi KVIP đi vào vận hành (năm 2015), Technopark lần lượt tìm tới Đồng Nai – một
trong số địa phương có thế mạnh và tiềm năng về phát triển công nghiệp trên cả
nước và Hà Nội – với điểm đến là Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip).
Hơn 5 năm
trước, Technopark Việt Nam - Hàn Quốc đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai về dự án khu công nghệ cao Việt - Hàn (Techno Park) quy mô 300 ha, trị giá 150 triệu USD.
Theo giới
thiệu của đại diện chủ đầu tư, đây là khu Techno Park hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc
đầu tiên trong cả nước, dự kiến chia làm 3 giai đoạn. Dự án dự kiến sẽ thu hút
từ 2-3 tỷ USD vốn đầu tư trong khoảng thời gian từ 6-9 năm sau khi đi vào hoạt
động.
Đặc biệt, với
việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu chức năng như: Trung tâm nghiên cứu, phát
triển với các phòng thí nghiệm, kiểm định dùng chung; trung tâm đào tạo nhân lực
chất lượng cao, dự án được xác lập nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng
tạo và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao tại Đồng Nai.
Tức, khá
tương đồng với thông tin giới thiệu về dự án Technopark 4.000 tỷ đồng đang được nhà đầu tư đề xuất với
lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ít ngày qua.
Có thể thấy,
các đề án/dự án mang mô hình Technopark trị giá trăm triệu USD được khởi thủy từ
nền tảng hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc nói chung, và sâu hơn là phối hợp giữa các
Hội ngành nghề liên quan.
Tại Quảng
Ngãi, khởi phát của đề xuất về khu phức hợp công nghiệp – đô thị - dịch vụ An
Phú với “lõi” Technopark, là biên bản ghi nhớ giữa Hội Robot công nghiệp Hàn Quốc
và Hội Tự động hóa TP.HCM ký kết hồi tháng 10/2019.