Thách thức lớn nhất của Bách Hóa Xanh

Việt Hưng - 09:06, 26/09/2018

TheLEADERTrong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh chỉ chiếm 3% tổng doanh thu nhưng đang được kỳ vọng trở thành lĩnh vực chủ chốt của công ty Thế Giới Di Động trong tương lai.

Liên tục được Tạp chí Forbes vinh danh trong top 50 doanh nghiệp đại chúng hàng đầu khu vực Châu Á (Asia’s Fab 50 2018), Công ty Thế Giới Di Động hiện là nhà bán lẻ công nghệ số 1 Việt Nam, với 2.176 cửa hàng trên toàn quốc.

Báo cáo nửa đầu năm 2018 cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất đạt 44.570 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD). Đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh là các chuỗi bán lẻ danh tiếng như: Điện máy xanh, Thế Giới Di Động.

Tuy nhiên động lực tăng trưởng trong tương lai của MWG đều dồn cả vào chuỗi bán lẻ thực phẩm, tạp hóa Bách hóa Xanh sau khi các chuỗi bán lẻ đi động, điện máy khó phát triển và mảng phân phối dược phẩm còn bỏ ngỏ.

Mô hình Bách hóa Xanh đã được công ty thử nghiệm từ năm 2015 và đẩy mạnh mở rộng trong 2 năm qua. Đến cuối tháng 6/2018, có tổng cộng 384 cửa hàng Bách hóa Xanh tập trung chủ yếu các quận ngoại thành ở TP.HCM.

Quá trình mở rộng vẫn đang diễn ra, nhưng những kết quả ban đầu chưa tương xứng với kỳ vọng của công ty, cả về độ phủ lẫn đóng góp doanh thu. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh đạt 1.552 tỷ đồng, chiếm 3% tổng doanh thu của MWG. Con số này cho thấy Bách hóa Xanh cần thời gian để thực sự trở thành lĩnh vực chủ chốt của MWG.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, thách thức lớn nhất với Bách Hóa Xanh hiện tại là bài toán cải thiện biên lợi nhuận. Bởi dù bán lẻ thực phẩm được coi là một lĩnh vực hấp dẫn nhờ quy mô thị trường lớn, tăng trưởng ổn định và không chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế. Nhưng sự ít khác biệt của mặt hàng thực phẩm, cùng độ phân mảnh cao của thị trường khiến tính cạnh tranh trong ngành rất gay gắt, dẫn tới các nhà bán lẻ thường phải duy trì biên lợi nhuận khá mỏng.

Biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh trong năm 2017 và Q1/2018 lần lượt là 12% và 14%. Tới Q2/2018, con số này là 16%. Tuy nhiên, VDSC cho rằng, Bách Hóa Xanh vẫn cần cải thiện biên lợi nhuận bán lẻ thực phẩm, dù đây không phải điều dễ dàng.

Thách thức lớn nhất với Bách Hóa Xanh
Bách Hóa Xanh có thể cải thiện biên lợi nhuận bằng tăng cơ cấu thực phẩm tươi

Gần đây nhất, chuỗi Bách Hóa Xanh đã tái cơ cấu và thay đổi cách lựa chọn điểm bán. Ban đầu, công ty đặt kế hoạch mở thêm các cửa hàng mới tại các khu vực dân cư đông đúc, để khách hàng có thể đi bộ, và mua sắm hàng ngày.

Trên thực tế, doanh thu bán hàng tại các cửa hàng Bách hóa Xanh lại cho thấy, thói quen của các bà nội trợ là thường mua sắm hàng ngày trên đường - từ nơi làm việc trở về và hiếm khi đến các cửa hàng khi đã trở về nhà.

Từ tháng 5, kế hoạch mở các cửa hàng mới đã được điều chỉnh. Vị trí tối ưu đặt cửa hàng bách hóa phải là dọc các tuyến đường lớn dẫn đến các khu dân cư, thay vì bên trong khu dân cư như chiến lược đã định

Tính đến cuối tháng 06/2018, mức doanh thu bình quân tính cho các cửa hàng Bách hóa Xanh đã hoạt động tối thiểu 30 ngày đạt trên 850 triệu đồng/cửa hàng. Đây là mức doanh thu đạt điểm hòa vốn của Bách hóa Xanh.

Trong tháng 8/2018, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận tổng doanh thu của 405 cửa hàng đạt trên 420 tỷ đồng. Mức doanh thu tính bình quân cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/8/2018 đạt trên 950 triệu đồng.

Công ty cho biết sau nhiều thử nghiệm, Bách Hóa Xanh đã chuẩn hoá mô hình “thịt tươi, cá lội” để sẵn sàng nhân rộng trong thời gian tới. Trong 4 tháng cuối năm, công ty sẽ đẩy mạnh mở mới hướng đến mục tiêu 500 cửa hàng, chủ yếu tại khu vực phía Đông (Quận 2, Quận 9, Thủ Đức), phía Nam (Quận 4, Quận 7, Quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè) của TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang.