Thaiholdings: Từ cổ phiếu vô danh đến 'kẻ dẫn dắt' sàn chứng khoán Hà Nội

Trần Anh - 14:49, 21/12/2020

TheLEADERMới niêm yết từ tháng 6/2020 và còn chưa vào được rổ HNX30, song giá trị vốn hóa của Thaiholdings tính đến ngày 18/12/2020 đã chiếm tới 17,1% vốn hóa của HNX, đạt gần 20 nghìn tỷ đồng.

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa chấp nhận cho Tổng Công ty XNK Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được hủy niêm yết từ ngày 22/12. Cổ phiếu VCG sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên HNX vào ngày 21/12, sau đó sẽ chuyển sang niêm yết tại Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE)

Vinaconex là cái tên gần nhất trong làn sóng các doanh nghiệp lớn chuyển sàn từ HNX sang HOSE. Cuối tháng 10, Dược phẩm Bến Tre (Bepharco) đã niêm yết trên sàn HOSE sau hơn 11 năm giao dịch cổ phiếu trên HNX. Đầu tháng 11, HOSE cũng nhận hồ sơ niêm yết của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội. Vicostone đã hoàn tất xin cổ đông chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE.

Không chỉ các doanh nghiệp, những ngân hàng, vốn có quy mô vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất trên HNX cũng đang lần lượt chuyển sang HOSE. Cổ phiếu ngân hàng ACB vừa sang giao dịch trên HOSE từ giữa tháng 12, trong khi SHB đã nộp hồ sơ từ tháng 9.

Việc các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển sang HOSE được xem là quyết định phù hợp, bởi quy mô thị trường, số lượng chứng khoán niêm yết và khối lượng giao dịch hàng ngày của HOSE đều lớn hơn HNX. Các tiêu chuẩn niêm yết tại HOSE cũng cao hơn HNX về các chỉ tiêu như vốn điều lệ, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch.

Với những tiêu chuẩn khắt khe trên, niêm yết HOSE được nhận định góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế và có cơ hội thu hút vốn đầu tư.

Mặc dù đang mất dần những “cánh chim đầu đàn”, điều thú vị là giá trị của HNX thời gian qua không hề giảm, mà vẫn tiếp tục tăng. Từ đầu tháng 12 đến nay, chỉ số này đã tăng hơn 30 điểm, từ mức 146 điểm lên 176 điểm.

Động lực tăng trưởng của HNX đến từ việc hàng loạt cổ phiếu các doanh nghiệp sắp chuyển sàn như SHB, VCG tăng mạnh. Mặt khác, chỉ số được thúc đẩy bởi một cái tên khá mới đó là Công ty Cổ phần Thaiholdings (mã chứng khoán: THD).

Dù mới niêm yết trên HNX từ tháng 6/2020 và thậm chí còn chưa vào được rổ HNX30, song giá trị vốn hóa của THD tính đến ngày 18/12/2020 đã đứng thứ 2 thị trường, đạt gần 20 nghìn tỷ đồng. Con số này chiếm tới 17,1% tổng giá trị vốn hóa của cả sàn Hà Nội, chỉ xếp sau giá trị vốn hóa của SHB.

Thời điểm mới niêm yết, giá trị vốn hóa của Thaiholdings chỉ đạt 539 tỷ đồng. Sau màn bứt tốc ngoạn mục khi cổ phiếu liên tục tăng trần và nhiều lần tăng vốn, tính đến hết phiên giao dịch ngày 18/12, giá trị vốn hóa của công ty đã tăng tới 40 lần chỉ trong chưa đầy 6 tháng.

Thaiholdings: Từ cổ phiếu vô danh đến 'kẻ dẫn dắt' sàn chứng khoán Hà Nội
Sau khi SHB, VCG, VCS và IDC rời sàn HNX, THD sẽ là cổ phiếu có vốn hoá chiếm phần lớn tổng vốn hoá trên sàn HNX. Nguồn: Fiintrade.vn

Được thành lập năm 2011, Thaiholdings tiền thân có tên là Công ty Đầu tư Phát triển Kinh Thành và từng là công ty con của Thaigroup – tập đoàn của ông Nguyễn Đức Thụy, hay còn gọi là “bầu Thụy”.

Trước khi đứng ra “gánh” chỉ số HNX, Thaiholdings khi lên sàn từng được nhắc đến như một thương vụ niêm yết kỳ lạ khi ngay sau thời điểm lên sàn, Thaiholdings đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng, vốn thu về sẽ dùng để mua cổ phần Thaigroup – ban đầu chính là công ty mẹ của mình.

Việc hoán đổi vai trò giữa Thaigroup và Thaiholdings như một vụ niêm yết cửa sau. Hoạt động niêm yết cửa sau thường được áp dụng khi chủ thể dự kiến niêm yết ban đầu có quá nhiều vấn đề hồ sơ tài chính, pháp lý không đáp ứng được các yêu cầu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Thông qua việc chuyển nhượng cổ phần, Thaigroup sẽ hoàn tất việc đưa các tài sản của mình lên sàn chứng khoán dưới pháp nhân công ty mẹ Thaiholdings.