Thảm họa môi trường sẽ khủng khiếp hơn Formosa nếu "hồi sinh" mỏ sắt Thạch Khê

Thu Phương - 23:23, 27/07/2017

TheLEADER"Tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê, nếu để xảy ra sự cố, chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn vụ Formosa rất nhiều lần".

Thảm họa môi trường sẽ khủng khiếp hơn Formosa nếu "hồi sinh" mỏ sắt Thạch Khê
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đó là khẳng định của TS. Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương tại hội thảo Góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Theo ông Hào, nếu Formosa gây sự cố môi trường nghiêm trọng là do con người không thực hiện đúng quy trình thì tại mỏ sắt Thạch Khê sẽ là vừa do con người vừa do "ông trời" - thiên tai, bão lũ khắc nghiệt..., con người không thể tính toán hết được. 

Do đó, các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và chủ đầu tư cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ trước khi quyết định tái khởi động dự án này. Bởi những tác động của nó sau khi đi vào hoạt động đối với môi trường là rất nghiêm trọng.

Nguy cơ thảm họa môi trường biển

GS. TS Vũ Trọng Hồng, Đại học Thủy lợi

GS. TS Vũ Trọng Hồng tại hội thảo

“Mỏ sắt Thạch Khê sau khi đi vào hoạt động, đất đá thải sẽ được đổ lên bờ biển tạo thành bãi đổ thải mỏ ra biển lớn nhất Việt Nam. Theo giấy phép xả thải do Bộ Tài nguyên và môi trường cấp, mỏ sắt Thạch Khê được phép xả thải 24h/ngày đêm, liên tục trong năm, với lưu lượng lớn nhất là 69.262m3/ngày đêm.

Theo thiết kế mỏ, Công ty CP Sắt Thạch Khê sẽ đắp đê bao để giữ ổn định bãi thải này. Tuy nhiên, cần rất nhiều vốn đầu tư để hoàn thiện cũng như khắc phục những hệ lụy môi trường phát sinh do việc đổ thải.

Trong khi đó, bãi đổ thải ven biển sẽ phải hứng chịu những tác động từ phía biển như sóng, gió, dòng hải lưu và nước biển dâng. Dòng hải lưu sẽ đưa những chất thải dịch chuyển gây ra nhiều hậu quả như làm thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía Bắc và phía Nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển… ảnh hưởng tới hàng trăm km bờ biển.

Dòng thuỷ triều vào các lạch xung quanh thay đổi sẽ làm mất dần môi trường sống cho các loài thuỷ sinh, thay đổi hệ sinh thái biển ven bờ, biến dạng ngư trường, làm biến đổi điều kiện tự nhiên của cả vùng biến rộng lớn… ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế độc nhất của cư dân nghèo ven biển Thạch Hà.

Bên cạnh đó, nước thải của khu mỏ khai thác quặng kim loại thường chứa rất nhiều chất độc hại đối với môi trường. Trong quặng sắt Thạch Khê, ngoài kim loại chính được thu hồi, nước thải mỏ còn chứa lưu huỳnh và các kim loại nặng... trong thời gian đời dự án 52 năm, tác động tích lũy của những chất độc hại này có thể sẽ gây ra thảm họa môi trường trên vùng biển ven bờ Hà Tĩnh.

Vì vậy, việc xử lý nước thải mỏ là vấn đề không thể thiếu nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê”.

Nhiễm mặn và suy thoái nước ngầm khu vực

PGS. TS. Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam

“Theo cấu trúc mỏ Thạch Khê, phần trên thân quặng phân bố chủ yếu là các loại trầm tích cát và đất sét có khả năng chứa nước, tạo thành các thấu kính nước ngọt có nguồn gốc nước mưa, liên thông với nước mặt của sông Thạch Đồng và nước biển. Khi khai thác quặng manhetit, nếu không có biện pháp ngăn chặn dòng nước này sẽ đổ về moong khai thác, gây ra sự suy giảm, thậm chí là mất nước của khu vực xung quanh thuộc bán đảo Thạch Khê, cũng như sự xâm nhập của nước biển làm nhiễm mặn nước ngầm.

Tuy nhiên, do có sông Thạch Đồng ngăn cách, việc khai thác quặng sắt có lẽ sẽ khó có thể sảy ra tình trạng suy giảm và mất nước trên địa bàn khu vực nằm ngoài bán đảo Thạch Khê tới thành phố Hà Tĩnh như dư luận lo ngại. Nhưng nếu không ngăn chặn có thể sẽ làm suy giảm nước ngầm các xã thuộc bán đảo Thạch Khê".

GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam

"Khu vực mỏ sắt Thạch Khê đất đai chủ yếu là đất cát và cồn cát, trong đó chứa tầng nước ngầm ngọt (nước nhạt), trong mối quan hệ cân bằng động với nước mặn bao quanh. Thực tế cho thấy, từ khi Công ty sắt Thạch Khê mở moong, liên tục đào sâu và bơm hút nước mỏ đổ ra biển, mực nước ngầm tại đây đã hạ thấp. Dự báo, nếu moong mỏ xuống sâu hàng trăm mét, mở rộng gấp 4 - 5 lần và tháo khô moong mỏ thì nước mặn từ biển Đông và từ phía sông Hạ Vàng sẽ xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát. 

Ranh giới mặn nhạt trong nước dưới đất ở khu vực ven biển do khai thác, bơm hút nước ngầm gây nên phụ thuộc vào hai yếu tố chính là tự nhiên (mực nước biển, nguồn bổ cập nước nhạt) và nhân tạo (mức độ bơm hút nước nhạt). Sự chênh lệch mực nước biển và nước dưới đất sẽ làm dịch chuyển ranh giới mặn nhạt vào sâu hơn trong lục địa, từ đó làm cho diện tích vùng nhiễm mặn tăng lên".

Hoang mạc hóa vùng ven biển Thạch Hà

GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam

Sơ đồ thiết kế khai thác mỏ sắt Thạch Khê

"Đối với khu vực mỏ sắt Thạch Khê, khi bơm hút tháo khô mỏ, mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, nước biển xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát, dẫn đến đất đai ở đây sẽ dần bị nhiễm mặn. Do vậy, thảm thực vật tự nhiên như sim, mua, đặc biệt là cây tràm gió sẽ tàn lụi dần. Các cây trồng nông nghiệp cũng không phát triển được vì đất đai bị khô hạn và nhiễm mặn. 

Hệ sinh thái mong manh vốn có trên cồn cát, nhưng giữ vai trò rất quan trong trong việc chống lại hiện tượng cát bay, cát chảy sẽ mất đi và cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành một vùng sa mạc hóa thực sự.

Bên cạnh đó, theo thiết kế kỹ thuật của dự án mỏ sắt Thạch Khê, khối lượng chất thải từ "đại công trường" mỏ sắt Thạch Khê đổ ra môi trường xung quanh là rất lớn, gồm đất đá thải và nước thải mỏ, chưa kể rác thải và nước thải sinh hoạt của công nhân. Khối lượng đất đá thải rất lớn, gồm 194.970.000m3 đổ vào bãi thải Bắc, 262,56 triệu m3 đổ vào bãi thải Nam, đến cao trình 50m ở giai đoạn 1 và đạt đến 90m trong giai đoạn 2. 

Với tổng khối lượng đất thải lớn và cao trình 90m, dải đồi đất đá bãi thải Bắc sẽ gây ra vấn nạn bụi cát vào mùa gió Lào khô nóng trên vùng đất Thạch Hà. Tình trạng cát trôi, cát chảy vào mùa mưa, nhất là mưa bão sẽ đổ về khu dân cư Bắc Hải ở phía Đông và đồng ruộng ở phía Tây của xã Thạch Bàn... gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, ruộng vườn của cư dân địa phương".

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, chiếm gần 60% trữ lượng của cả nước. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư. 

Dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2008 với mức đầu tư hơn 9.932 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 3.898 ha. Đến năm 2014, dự án được điều chỉnh lại, với mức đầu tư hơn 14.517 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 4.821 ha.