Thay đổi chiến lược tuyển dụng thế nào để thích ứng bối cảnh mới?

Kiều Mai - 09:23, 12/10/2021

TheLEADERĐể thích ứng với những thay đổi trong điều kiện làm việc dưới tác động của Covid-19, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần ưu tiên sự linh hoạt, từ tuyển dụng đến quản lý nhân sự, để có thể giữ chân nhân tài.

Khi tương lai của công việc đang thay đổi, xu hướng số hóa sẽ nổi trội, cùng kỳ vọng của nhân viên về tính linh hoạt trong công việc. Theo đó, các doanh nghiệp nên sẵn sàng nâng cao năng lực đội ngũ trong bối cảnh nơi làm việc mới. Kỹ năng kỹ thuật số, hiểu biết về công nghệ và giao tiếp kỹ thuật số sẽ luôn là những kỹ năng cần thiết đối với một đội ngũ lao động thành công. 

Để thích ứng với những thay đổi liên tục và thách thức trong tương lai, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng văn phòng TP.HCM của công ty tư vấn nhân sự Adecco, cho rằng các nhà lãnh đạo nên xem xét lại tư duy quản lý. 

Nơi làm việc tập trung vào việc quản lý dựa trên sự hiện diện và các tương tác tình cờ có thể không còn là lựa chọn tối ưu. Thay vào đó, nơi làm việc lấy con người làm trung tâm, ưu tiên quản lý dựa trên sự đồng cảm, tính linh hoạt và sự hợp tác có định hướng sẽ là chìa khóa để duy trì lực lượng lao động trong dài hạn.

Sau nhiều tháng làm việc từ xa, các lãnh đạo nên cân nhắc cách kết nối lại nhân viên khi trở lại văn phòng. Theo đó, lãnh đạo cần đóng vai trò then chốt trong việc kết nối mọi người lại với mục đích và giá trị của doanh nghiệp, khiến nhân viên cảm thấy thuộc về, và thúc đẩy họ tiếp tục gắn bó và phát triển vượt qua sự không chắc chắn.

Thay đổi chiến lược tuyển dụng thế nào để thích ứng bối cảnh mới?
Kỹ năng kỹ thuật số, hiểu biết về công nghệ và giao tiếp kỹ thuật số sẽ luôn là những kỹ năng cần thiết.

Ông Chương lưu ý trong những tháng tới và thậm chí là sau này, nơi làm việc có thể không còn như trước. Thay vì để toàn bộ nhân sự làm việc tại chỗ, các doanh nghiệp sẽ dần đưa 30% hoặc 50% lực lượng lao động trở lại văn phòng trong vài tháng đầu tiên. Do đó, việc tuyển dụng sẽ trở lại bình thường với hình thức "kết hợp", bao gồm cả các cuộc gặp mặt trực tiếp và trực tuyến.

Đại dịch đã buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang mô hình làm việc từ xa để trụ vững. Đối với một số doanh nghiệp, đây không chỉ là giải pháp tạm thời. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ, Adecco ghi nhận sự gia tăng 100% nhu cầu tuyển dụng đối với các vị trí từ xa, do có thể là lĩnh vực linh hoạt và dễ thích ứng nhất với mô hình làm việc này.

Khảo sát gần đây trên các lĩnh vực của Adecco Việt Nam cho thấy mô hình làm việc kết hợp, bao gồm làm việc tại chỗ và làm việc từ xa, được người lao động mong đợi nhất. Bà Đặng Thị Thái Hòa, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng, Adecco TP.HCM, lý giải: "Nhân viên vẫn muốn làm việc tại văn phòng vì mục đích gắn kết đội nhóm, nhưng họ cũng cần sự linh hoạt hơn khi sắp xếp công việc. Mô hình làm việc kết hợp có thể đảm bảo tốt nhất cả hai mặt". 

Trong mô hình mới này, các doanh nghiệp nên trang bị cho mọi nhà lãnh đạo khả năng huấn luyện, nâng cao kỹ năng, công nghệ và nguồn lực, để giúp họ lắng nghe và quản lý nhóm của mình tốt hơn, từ đó giúp thúc đẩy động lực làm việc cũng như xây dựng tinh thần và văn hóa đội mạnh mẽ.

Để gây ấn tượng với ứng viên trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp nên quảng bá nơi làm việc an toàn và lành mạnh, với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và quy trình an toàn. Do sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, chế độ lương thưởng và đãi ngộ có thể không đủ để thu hút và giữ chân nhân tài.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên linh hoạt trong quá trình tuyển dụng, chẳng hạn như sử dụng các cuộc phỏng vấn video và đánh giá trực tuyến khi có thể, thay vì nhất định phải hẹn gặp mặt trực tiếp, bà Hòa lưu ý. 

Chuyển động thị trường tuyển dụng những tháng cuối năm

Dự đoán về tình hình lao động trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc văn phòng Hà Nội, Adecco Việt Nam, cho biết thị trường lao động những tháng cuối năm sẽ có nhiều kịch bản diễn ra tùy theo khả năng kiểm soát đại dịch.

Tuy nhiên, bất kể tình hình như thế nào, một số lĩnh vực đã, đang, và sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Việc nhân viên phải làm việc từ xa qua Internet khiến các công ty phải tăng cường nhân sự cho bộ phận quản trị mạng và cơ sở dữ liệu. Thêm vào đó, lưu trữ đám mây đang thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp nhanh hơn bao giờ hết, dẫn đến nhu cầu về kỹ sư công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Bà cho biết thêm, đại dịch Covid-19 đã làm cho các thành tựu y học trở nên đáng chú ý hơn. Nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học và phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục được săn đón để nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát bệnh tật.

“Khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất cũng sẽ được quan tâm và đầu tư hơn để đảm bảo sự giãn cách trong môi trường sản xuất hoặc tại điểm bán hàng”, bà Hà phân tích.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết gần 74% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất quý IV/2021 sẽ ổn định và tốt hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể gặp trở ngại khi tuyển dụng số lượng lớn. Trong đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người lao động đã rời các khu công nghiệp về quê, và chưa hoặc sẽ không quay trở lại. Điều này xảy ra trong các ngành công nghiệp sử dụng lượng lao động lớn như may mặc, dệt may, da giày và đồ gỗ.

Ông Chương nhận định: “Các lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng sẽ cần nhiều nhân sự hơn cho mùa kinh doanh cuối năm, trong khi các công ty dịch vụ sẽ tăng dần nhu cầu tuyển dụng do họ đã mất đi một phần lực lượng lao động sau nhiều tháng đóng cửa”.

Mặt khác, các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ ăn uống, du lịch, văn phòng dịch vụ và các lĩnh vực yêu cầu tiếp xúc trực tiếp (biểu diễn nghệ thuật, sự kiện cộng đồng, bán hàng tại chỗ, thẩm mỹ, ...), sẽ tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức.