Thế Giới Di Động tìm ra công thức cho ngành bán lẻ dược phẩm

Việt Hưng - 14:01, 08/02/2022

TheLEADERĐến cuối năm 2021, hệ thống nhà thuốc An Khang đã mở rộng tới 178 cửa hàng, tăng mạnh so với con số 68 cửa hàng của năm trước.

Kể từ tháng 11/2021, Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức sở hữu 100% cổ phần tại nhà thuốc An Khang chính thức trở lại đường đua bán lẻ dược phẩm, sau khi mua 1,29 triệu cổ phiếu Công ty Bán lẻ An Khang.

Bên cạnh các mảng kinh doanh "hạt giống" như: dịch vụ sửa chữa - bảo hành Tận Tâm, dịch vụ logistics Toàn Tín, nông nghiệp an toàn 4KFarm, chuỗi nhà thuốc An Khang được xem là mảnh ghép giúp Thế Giới Di Động hướng tới trở thành nhà bán lẻ số một, đa ngành nghề và không chỉ hoạt động ở Việt Nam.

Báo cáo quý 4/2021, phía Thế Giới Di Động cho biết, An Khang đã đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty, do đó, chuỗi này sẽ được tập trung cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ.

Nói với TheLEADER, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động từng cho biết: "Tôi coi thử nghiệm là cách Thế Giới Di Động hoàn thiện một mô hình mới, cũng như là giai đoạn để tìm ra phương pháp đạt được doanh thu và sinh lời. Sau bước thử nghiệm, nếu mọi thứ trả ra kết quả như mong đợi, thì chúng tôi mới tính đến chuyện tăng tốc và mở rộng".

Thực tế, tính đến 17/1/2021, An Khang đã mở rộng tới 181 cửa hàng trên 25 tỉnh thành, tăng mạnh so với con số 68 cửa hàng của năm trước. Nói cách khác, Thế Giới Di Động dường như đã tìm ra được công thức dành cho ngành bán lẻ dược phẩm.

Thế Giới Di Động tìm ra công thức cho ngành bán lẻ dược phẩm
Thế Giới Di Động tìm ra công thức cho ngành bán lẻ dược phẩm

Trước đó, vào đầu năm 2018, Thế Giới Di Động đã sở hữu 49% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang với giá trị chuyển nhượng là hơn 62 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động từng cho biết muốn mua 100% cổ phần tại chuỗi bán lẻ thuốc này thay vì mất 2-3 năm để tự xây dựng.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty sau đó đã thông báo về việc hoãn kế hoạch kể trên để đánh giá lại rủi ro. Thay vì chi phối hoạt động tại chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động sẽ tạm đóng vai trò là cổ đông lớn.

Sau này, Thế Giới Di Động đã nhiều lần triển khai thử nghiệm kế hoạch kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang cùng Bách Hóa Xanh. Với diện tích 20-30 m2, nhà thuốc An Khang có thể tận dụng lượng khách hàng ổn định từ chuỗi bán lẻ thực phẩm.

Theo tính toán, 25% doanh thu ngành dược phẩm ở Việt Nam, tương đương gần 2 tỷ USD (năm 2021) đến khoảng 4 tỷ USD (năm 2026) sẽ đổ vào thị trường bán lẻ dược phẩm qua các nhà thuốc.

Hãng nghiên cứu IMS Health dự báo, mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 50 USD/người/năm vào năm 2020 so với mức hơn 20 USD/người trong giai đoạn 2015 - 2017.

Tất nhiên, không riêng An Khang của Thế Giới Di Động nhìn ra cơ hội này, mà cả Long Châu của FPT Retail, hay Pharmacity cũng đều đang ra sức chiếm lĩnh thị phần.

Tính đến tháng 10/2021, Pharmacity phát triển được hơn 600 nhà thuốc ở 17 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Công ty cũng liên tục tìm kiếm nguồn vốn mới, khi có kế hoạch huy động tới 100 triệu USD từ SK Group, theo DealStreetAsia.

Trong khi đó, Long Châu cũng sở hữu 400 nhà thuốc trên khắp 53 tỉnh thành, mở mới 200 nhà thuốc so với đầu năm. Riêng trong quý 4/2021, gần 100 cửa hàng Long Châu được mở mới, nhờ đó vượt mục tiêu mở mới 150 cửa hàng đặt ra đầu năm 2021.